Thứ bảy, 14/09/2024, 15:19 (GMT+7)

Cùng con vượt qua 'giở chứng' tuổi dậy thì

CẨM VIÊN (Tiếp thị & Gia đình)

Tuổi dậy thì là giai đoạn trẻ trải qua những thay đổi quan trọng về thể chất, nội tiết tố, và tâm lý. Đó là thời kỳ đầy thử thách và biến động, ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình và cuộc sống xã hội.

Vậy làm thế nào để đồng hành và giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách hiệu quả? Cùng chuyên gia Tâm lý Đặng Thiên Phong - Giám đốc truyền thông Viện Nghiên Cứu, Đào Tạo và Ứng Dụng Tâm Lý (IPRTA) chia sẻ về vấn đề này. 

Nhận diện tuổi dậy thì  

Tuổi dậy thì thường bắt đầu từ 10-12 tuổi và kết thúc vào khoảng 18-20 tuổi, nhưng điều này có thể khác nhau tùy theo giới tính, yếu tố di truyền, và môi trường sống. Ở các bạn gái, tuổi dậy thì bắt đầu sớm hơn, từ 8-13 tuổi và kết thúc ở khoảng 17-19 tuổi. Trong khi đó, các bạn nam thường bắt đầu muộn hơn, từ 9-14 tuổi và kết thúc ở khoảng 18-20 tuổi.

Trong giai đoạn này, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè do dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn gia đình. Áp lực học tập, thi cử, và cách giáo dục không phù hợp từ cha mẹ có thể dẫn đến hành vi nổi loạn như chửi thề, chống đối, hoặc khó kiểm soát cảm xúc. Những hành vi này thường xuất phát từ nhu cầu khẳng định sự độc lập và chứng minh rằng mình đã trưởng thành.

Sự biến đổi tâm sinh lý trong giai đoạn này cũng dẫn đến những biểu hiện như cáu gắt, nhạy cảm với lời nhận xét, lo lắng về ngoại hình, và so sánh bản thân với người khác. Các con có thể gặp khó khăn trong việc tập trung học tập, thay đổi thói quen ăn uống và giấc ngủ, và bắt đầu có sự tò mò về tình dục. Những biểu hiện này nếu không được hỗ trợ kịp thời có thể dẫn đến xung đột lớn hơn với gia đình và xã hội.

Cùng con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì
Cùng con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì.

Giải mã hành vi bạo lực tuổi dậy thì?

Sự hung hăng ở các bé trai tuổi dậy thì là một mối lo ngại lớn. Khi cơ thể phát triển mạnh mẽ với cơ bắp, chiều cao và giọng nói trầm hơn, những thay đổi này đi kèm với sự thay đổi tâm trạng, khiến các con dễ bị tổn thương và phản ứng mạnh mẽ hơn với những tác động bên ngoài.

Trong môi trường học đường, các bé trai có thể thể hiện sự hung hăng thông qua việc đánh nhau hoặc bắt nạt bạn bè, một vấn đề phổ biến ở cả nam và nữ tuổi vị thành niên. Trẻ em trai dễ bị cuốn vào các nhóm bạn xấu, dẫn đến các hành vi bạo lực, phá hoại, hoặc thậm chí bị dụ dỗ sử dụng vũ khí. Những hành vi bạo lực này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong. 

Việc giáo dục trẻ trở nên tử tế, biết quan tâm và xây dựng các mối quan hệ tích cực trong gia đình để giảm thiểu sự hung hăng. Ngăn chặn việc tiếp cận các thói hư tật xấu để tránh bạo lực.

Hướng dẫn trẻ về kỹ năng sống và lòng trắc ẩn bằng cách làm gương cho các em. Tránh cho trẻ tiếp xúc với nội dung bạo lực trong khi chúng còn quá nhỏ để phân biệt đúng sai.

Khuyến khích trẻ giải tỏa cơn giận thông qua các hoạt động thể thao như chạy bộ, tập yoga, hoặc sử dụng bao cát để giải tỏa năng lượng, để chúng hiểu rằng tức giận là bình thường nhưng cách xử lý nó mới là quan trọng.

ng hành và giúp con v?
Gia đình cùng hành và giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì.

Vẽ đường cho con hiểu về tình dục?

Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về cả tâm lý, sinh lý và nhu cầu tình dục. Trong thời kỳ này, có sự thay đổi rõ rệt về chiều cao, giọng nói và sự phát triển của cơ quan sinh dục, bé gái chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt, bé trai có hiện tượng xuất tinh. Sự hấp dẫn đối với người khác giới thường xuất hiện trong giai đoạn này. 

Trong giai đoạn dậy thì, nhiều thanh thiếu niên trải nghiệm những cảm xúc lãng mạn đầu tiên như nụ hôn đầu hoặc các buổi hẹn hò thân mật. Tuy nhiên, nếu không có sự hướng dẫn đúng đắn, họ có thể rơi vào tình trạng quan hệ tình dục trước khi sẵn sàng, dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm HIV.

Cha mẹ không nên để con cái tự tìm hiểu về giới tính và tình dục qua mạng xã hội hoặc qua truyền miệng từ bạn bè, vì điều này có thể dẫn đến việc tiếp nhận thông tin sai lệch và hành vi không đúng. Do đó, phụ huynh cần trang bị kiến thức cho bản thân để thường xuyên và liên tục trao đổi với con cái về những vấn đề này.

Chiến lược giúp con rời điện thoại

Mạng xã hội đã thay đổi cách chúng ta tương tác, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Con bạn có thể dành hàng giờ trên điện thoại, nhắn tin, trò chuyện, hoặc chỉ đơn giản là giải trí trực tuyến. Thanh thiếu niên nghiện internet thường có ít bạn bè và hoạt động xã hội hơn, dẫn đến lối sống cô lập. Thói quen này cũng làm giảm hoạt động thể chất, tạo ra lối sống ít vận động và không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập.

Thay vì cấm cản, hãy trò chuyện về mối quan tâm của con bạn và khuyến khích con thử những hoạt động không liên quan đến máy tính.

Quy định một số giới hạn về thời gian sử dụng thiết bị trong gia đình và khuyến khích các hoạt động gắn kết gia đình để giảm thời gian trực tuyến.

Đặt ra quy tắc về việc sử dụng điện thoại, như hạn chế sử dụng trong vài giờ mỗi ngày và không mang điện thoại vào phòng ngủ để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Chiến lược giúp con rời điện thoại
Chiến lược giúp con rời điện thoại.

Cùng con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì

Sự thay đổi nhanh chóng về thể chất và tinh thần trong giai đoạn dậy thì có thể khiến trẻ cảm thấy bối rối và lo lắng. Do đó, ba mẹ cần nhanh chóng trò chuyện và giải thích rằng đây là những thay đổi tự nhiên.

Ba mẹ nên hướng dẫn và hỗ trợ con trong việc giải quyết các vấn đề thể chất và tâm lý, đồng thời trang bị kiến thức cho trẻ để đối phó với giai đoạn này. Quan trọng là duy trì mối quan hệ bằng sự kiên nhẫn và tình yêu, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của con mà không phán xét.

Ba mẹ cũng nên tạo không gian riêng cho trẻ, theo dõi một cách tinh tế và hướng dẫn trẻ phân biệt đúng sai. Nếu cần, hãy tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý để giúp trẻ vượt qua khó khăn.

Cùng chuyên mục