Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 01/04/2024, 16:35 (GMT+7)

Có hay không lo ngại các thương vụ M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo?

Chuyên gia cho rằng, việc các nhà đầu tư ngoại mua lại cổ phần của các dự án năng lượng tái tạo là do các dự án này cơ bản đã đủ pháp lý. Và không lo ngại điều này ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, do việc mua - bán, điều phối, truyền tải điện là do nhà nước thực hiện.

Nhiều thương vụ đến từ các đối tác ngoại

Trong mấy năm trở lại đây, các đối tác ngoại tăng cường mua bán và sáp nhập (M&A) năng lượng tái tạo và hiện diện mạnh mẽ tại nhiều dự án điện năng lượng tái tạo ở các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ...

Đơn cử, cuối năm 2023, Trung Quốc và Singapore tiến hành thủ tục nhằm thâu tóm 6 dự án điện gió, điện mặt trời tại huyện Hướng Hóa và Gio Linh (Quảng Trị).

Công ty Shinfox Energy Co.Ltd đến từ Đài Loan (Trung Quốc) và Công ty Camellia Energy Pte.Ltd đến từ Singapore đàm phán để mua hai dự án điện mặt trời Gio Thành 1,2 tại huyện Gio Linh do Công ty CP SECO và Công ty CP Năng lượng Gio Thành làm chủ đầu tư.  

z5305397848928_58d2d8ddad60d4e9adb74c8e2ea160aa
Nhà máy điện Tây Ninh. (Ảnh: Internet)

Tại Đắk Nông, 3 nhà máy điện gió Đắk N’Drung (1,2,3) tại huyện Đăk Song (mỗi nhà máy có công suất 100MW) đều do liên danh Công ty CP đầu tư năng lượng Hưng Bắc (ông Đỗ Lê Quân làm tổng giám đốc) và Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc đầu tư. Công ty TNHH Sungrow Power (Việt Nam) đã trở thành cổ đông chiếm giữ 70% tại doanh nghiệp chủ đầu tư của dự án nêu trên.

Hay như tại Bình Thuận, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD) là dự án nhiệt điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân được Chính phủ đồng ý giao Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 (VTEC) phát triển dự án theo hình thức BOT. Tuy nhiên, các cổ đông trong nước chuyển nhượng cổ phần cho OneEnergy Ventures Limited (Hong Kong, Trung Quốc) để thực hiện dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Theo đó, khi chuyển nhượng thành công, tỷ lệ sở hữu của OneEnergy Ventures Limited sẽ được nâng lên thành 71% vốn điều lệ.

Một diễn biến khác là 2 nhà máy điện mặt trời TTC1 và TTC2 (tại tỉnh Tây Ninh) do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, thực hiện. Ban đầu, tập đoàn Gulf sở hữu 49% vốn nhưng mới đây, mức nắm giữ của nhà đầu tư Thái Lan đã tăng lên 90% chi phối, quyết định dự án năng lượng tái tạo này thay cho doanh nghiệp nội địa.

Không dừng lại ở đó, Gulf đã chi 200 triệu USD để mua lại toàn bộ cổ phần tại 2 nhà máy điện gió trên bờ gồm Ia Pech 1 và Ia Pech 2 ở tỉnh Gia Lai do Công ty CP năng lượng đầu tư Điện Xanh Gia Lai chuyển nhượng. Ngoài ra, tập đoàn Gulf còn sở hữu 95% dự án Mekong Project tại tỉnh Bến Tre.

Tại Ninh Thuận, Gulf cũng đạt được thoả thuận với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phát triển một dự án tổ hợp điện khí có công suất 6.000MW và kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với công suất 6 triệu tấn/năm nằm ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam.

Một nhà đầu tư Thái Lan khác là Công ty Gunkul Engineering đã bỏ ra 1,26 tỷ Bath (39,9 triệu USD) để thâu tóm nhà máy điện mặt trời Phong Điền II ở Thừa Thiên Huế. Công ty trở thành cổ đông duy nhất của Công ty CP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy (chủ đầu tư dự án) và sẵn sàng vận hành nhà máy điện mặt trời Phong Điền II với công suất 50 MW. Thương vụ M&A bao gồm việc mua 49% cổ phần từ Bangjak Green Energy Co, công ty con của BS Industry Service Co có trụ sở tại Bangkok và 51% cổ phần từ hai cổ đông cá nhân Việt Nam.

Cũng trong tháng 12/2023, Tập đoàn Trung Nam ký hợp đồng EPC với Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (PowerChina) để triển khai cụm dự án điện gió 916 MW.   

Quyền mua, phân phối, truyền tải vẫn thuộc nhà nước

Chia sẻ với Tiếp thị và Gia đình, nguyên một cán bộ của Trung tâm năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, sở dĩ nhà đầu tư ngoại mua dự án năng lượng tái tạo này hầu hết đều là những dự án đầy đủ pháp lý, ký được hợp đồng bán điện cho EVN trong vòng 20 năm theo như quy định của Chính phủ.

“Các dự án nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc lựa chọn đã đầy đủ pháp lý; có nguồn tiền thu nhập ổn định; những rủi ro về mặt kỹ thuật điện mặt trời hay điện gió gần như bị loại trừ”, vị chuyên gia này nói.

Lý giải tại sao châu Âu, Mỹ và Nhật không mua các dự án năng lượng tái tạo, theo vị chuyên gia của Trung tâm này, các nhà đầu tư đến Thái Lan, Trung Quốc, Singapore họ có sẵn tiềm lực, đầu tư vào các nước láng giềng có tiềm năng về năng lượng tái tạo, vị trí địa lý không quá có khoảng cách và điều nữa là họ muốn mở rộng thị trường.

Hiện các nhà đầu tư ngoại này chưa mua dự án lớn ngay lập tức mà chỉ mua các dự án nhỏ để thăm dò thị trường, vận hành, mua - bán… để chỉ phải bỏ ra số tiền hợp lý đầu tư các dự án 50-100 MW. Tiêu chí và mục đích của mỗi nhà đầu tư nước ngoài là khác nhau. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam lập kế hoạch dự án, xin chủ trương đầu tư, nhưng đến lúc triển khai dự án thì không có tiền, muốn “đánh nhanh thắng nhanh” kiểu ăn xổi nên cần phải bán. Còn nếu doanh nghiệp làm ăn thực sự thì họ sẽ đi vay để triển khai dự án. Tất cả những vấn đề trên mà hội tụ thì doanh nghiệp Việt sẵn sàng bán, doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền mua.

“Việc mua bán – chuyển nhượng dự án là quy luật tự nhiên của nền kinh tế, không nên đặt quá nặng nề nước ngoài thâu tóm. Việt Nam cũng sẵn sàng mua nếu đi ra nước ngoài như đầu tư ở Campuchia, Lào”, vị chuyên gia này cho hay.

Liên quan vấn đề liệu các nhà đầu tư này có nắm quyền chi phối các dự án năng lượng tái tạo này? Theo vị chuyên gia, điều này không ảnh hưởng gì đến an ninh năng lượng, vì quyền mua, điều phối, truyền tải điện do cơ quan nhà nước thực hiện. Loại trừ các dự án năng lượng ngoài khơi, dự án điện nguyên tử… nếu có thì nó là những dự án lớn, cung cấp nguồn điện lớn cho các khu vực. Thử làm phép tính, toàn công suất miền Nam là 78.000 MW, thì con số 1.000 MW của các dự án năng lượng tái tạo chỉ chiếm quy mô gần 1,3% công suất.  

“Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên không thể tránh khỏi các thương vụ mua bán M&A trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, các cuộc chuyển nhượng thời gian tới đi chuyên sâu hơn và quy mô có thể lớn hơn nữa”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.​

Cùng chuyên mục