Thứ hai, 01/04/2024, 11:34 (GMT+7)

Người dân toàn cầu sắp qua thời 'thắt lưng buộc bụng'?

Mai Lý (Theo Vietnam Finance)

Người dân toàn cầu đã trải qua thời gian dài “thắt lưng buộc bụng” khi lãi suất neo cao và kinh tế khó khăn trong năm 2023. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức phía trước, chi tiêu tiêu dùng toàn cầu được dự báo sẽ dần hồi phục trong thời gian tới.

Người người, nhà nhà thắt chặt chi tiêu

Vào tháng 1, ông Jack Kleinhenz, nhà kinh tế trưởng tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, dự đoán tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trên toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2024. “Trong suốt năm 2023, chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi đáng kể theo từng tháng, ngay cả khi đối mặt với lạm phát kéo dài và lãi suất cao. Tuy nhiên, điều đó khó có thể tiếp tục trong năm nay”.

Bước sang tháng thứ 3 của năm 2024, những gì đang diễn ra đã phần nào chứng minh lời cảnh báo của ông Jack Kleinhenz là hoàn toàn có cơ sở. Tại Mỹ, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy người dân của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt tới “giới hạn chịu đựng” trước các mức giá tiêu dùng cao. Họ đang chi tiêu thận trọng hơn trong bối cảnh tiền lương tăng chậm còn tiền tiết kiệm dần cạn kiệt.

Ông Katie Thomas, người đứng đầu hãng tư vấn quản lý Kearney Consumer Institute, cho hay nhiều người tiêu dùng Mỹ đã tiêu hết số tiền tiết kiệm cuối cùng vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm ngoái. Dữ liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, sau khi giảm 1,1% trong tháng 1, doanh số bán lẻ của Mỹ chỉ tăng 0,6% trong tháng 2, thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế.

Sự cộng dồn của những đợt tăng giá trong hơn 1 năm qua khiến người tiêu dùng tại Mỹ đang cảm nhận áp lực giá cả rõ rệt hơn bao giờ hết. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s tại Mỹ có doanh số yếu hơn trong quý gần đây nhất khi nhóm khách hàng có thu nhập thấp ưu tiên chọn mua các món ăn giá rẻ trong thực đơn.

Trong cùng kỳ, giá trị trung bình của mỗi giao dịch ở các siêu thị của Target giảm 2,8% khi người mua hàng tăng cường săn lùng các mặt hàng khuyến mãi. Một số người tiêu dùng Mỹ cũng đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ giải trí như du lịch.

Tháng trước, chuỗi khách sạn Marriott cảnh báo mức tăng trưởng doanh thu sẽ chậm hơn trong năm nay. Trong khi đó, nền tảng đặt chuyến bay, phòng khách sạn Expedia dự báo mức tăng trưởng doanh thu và đặt chỗ sẽ giảm nhẹ khi cơn bùng nổ du lịch sau đại dịch Covid - 19 lắng xuống.

Tại Anh, tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Trong một cuộc thăm dò mới của KPMG, hơn 41% người được hỏi cảm thấy tài chính kém ổn định hơn khi bước vào năm 2024 so với thời điểm đầu năm 2023. 58% người tiêu dùng tại Anh đang có kế hoạch cắt giảm các khoản chi tiêu “không thiết yếu”, đơn cử như các kỳ nghỉ, du lịch giải trí hay thậm chí cả việc đi ăn ở nhà hàng.

Người dân toàn cầu sắp qua thời 'thắt lưng buộc bụng'?

Xu hướng “thắt lưng buộc bụng” không phải là điềm báo tốt cho một số khía cạnh của nền kinh tế Anh, vốn đã gặp khó khăn kể từ khi lạm phát bắt đầu bùng nổ vào năm 2022.

Theo số liệu từ Price Bailey, số nhà hàng phá sản vào năm 2023 chạm mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua đã cho thấy tác động của những áp lực này. “Việc cắt giảm thêm chi tiêu ăn uống sẽ tiếp tục gây thêm thiệt hại cho ngành này trong năm nay”, báo cáo của Price Bailey chỉ ra.

Ở đầu cầu châu Á, gọng kìm giảm phát đang ngày càng siết chặt nền kinh tế Trung Quốc trong khi người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu. Tiêu dùng của người dân tại đây đã ảm đạm từ những ngày trước Tết Nguyên đán.

Nhiều người nói rằng, nếu muốn biết người dân Trung Quốc đang tiết kiệm đến mức nào, chỉ cần đến một tiệm tóc bất kỳ trên đường phố. Bà Song, chủ của một tiệm tóc tại Bắc Kinh, cho hay nếu như trước đây khách hàng thường tới cửa tiệm cắt tóc 2 tháng một lần thì giờ đây phải 3 - 4 tháng họ mới tới một lần dù cho giá dịch vụ đã được giảm một nửa. “Người tiêu dùng đang thận trọng hơn trong chi tiêu khi kinh tế đi xuống”, bà Song cảm thán.

Chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản trong tháng 1/2024 cũng đã giảm 6,3%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 35 tháng qua. Con số này thấp hơn dự báo trung bình giảm 4,3% của thị trường và đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2021.

Tại Việt Nam, nhiều người dân cũng lựa chọn thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Theo báo cáo tháng 2/2024 của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam chỉ tăng khoảng 3% trong năm 2023, tương đương một nửa mức bình quân trước đây.

Báo cáo của HSBC cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt đang có xu hướng cảnh giác với những biến động kinh tế. Tỷ lệ tiết kiệm tăng 40% trong năm 2023 so với năm 2022 là minh họa rõ nét nhất cho xu hướng này.

Niềm tin dần trở lại

Bất chấp viễn cảnh ảm đạm hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trong năm nay. Theo báo cáo mới nhất của Euromonitor International, người tiêu dùng châu Á sẽ là động lực chi tiêu tiêu dùng toàn cầu trong năm 2024.

“Cùng với dân số đông, tầng lớp trung lưu am hiểu công nghệ tại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng tăng và tỷ lệ đô thị hóa cao sẽ góp phần thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng tại khu vực này trong năm nay”, báo cáo chỉ ra.

Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 2,2%. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng tại 3 quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản sẽ là trụ cột tiêu dùng cho khu vực. Ngoài ra, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam sẽ là những cái tên mới dự kiến có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới về chi tiêu tiêu dùng thực tế trong năm nay.

Báo cáo này cũng chỉ ra khách sạn, dịch vụ ăn uống, vận tải, hàng hóa và dịch vụ y tế sẽ là những hạng mục tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2024.

Tại thị trường Mỹ, niềm tin cũng đang dần quay trở lại. Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát đã chậm lại đáng kể trong khi thị trường chứng khoán bùng nổ và tỷ lệ thất nghiệp thấp khiến người tiêu dùng đang lấy lại sự lạc quan về nền kinh tế.

“Triển vọng các ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất trong năm nay cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự lạc quan của người tiêu dùng bởi lãi suất thấp hơn sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho người đi vay”, một chuyên gia kinh tế chia sẻ với tờ The Wall Street Journal.

Đồng quan điểm, nhà kinh tế Masato Koike tại Sompo Institute Plus nhận định rằng áp lực giảm tiêu dùng sẽ được nới lỏng trong tương lai, với mức độ giảm tiền lương thực tế dần dần thu hẹp khi lạm phát ổn định và xu hướng tiếp tục tăng lương tại nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

Quay trở lại với Việt Nam, HSBC nhận định “tiêu dùng trong nước mặc dù đang phải chịu áp lực gia tăng nhưng dự kiến sẽ cải thiện. Dấu hiệu ban đầu chính là một số cổ phiếu trong lĩnh vực tiêu dùng đang phục hồi”.

Ngoài ra, sự phục hồi hoàn toàn trong lĩnh vực du lịch cũng hết sức quan trọng đối với thị trường lao động, hỗ trợ cho những lao động làm việc trong ngành dịch vụ, từ đó giúp cải thiện đời sống của người lao động.

Cùng chuyên mục