Thứ hai, 01/04/2024, 11:06 (GMT+7)

Điều gì đang xảy ra với đất thổ cư tăng giá?

Trước bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, sự hụt hơi của các doanh nghiệp, sự phát triển chưa đồng bộ tại các khu vực đất tăng giá, chuyên gia cho rằng việc đất thổ cư tăng giá là dấu hiệu bất thường.

Dấu hiệu tăng trở lại

Là nhà đầu tư chuyên loại hình chung cư, anh Song Hoài (Ba Đình, Hà Nội) vừa trải qua một giai đoạn “gồng lãi”, khi giá cứ tăng vùn vụt. Một căn chung cư tầm 4 tỷ, chưa đầy 1 tháng đã có khách trả 4,4 tỷ đồng. Sau khi mua bán chung cư đang ở giai đoạn cao nhất lịch sử, anh quyết định chuyển hướng sang đất thổ cư, đất nền các huyện ngoại thành để gia tăng tỷ suất lợi nhuận.

Anh Song Hoài cho biết, giai đoạn anh đi tham khảo thì đất thổ cư đang ở ngưỡng “dậm chân tại chỗ” từ thời điểm dịch Covid, nhưng 1 tháng trở lại đây, loại hình này đang có dấu hiệu tăng dần. Đơn cử như một lô đất tại Song Phương (Hoài Đức) có diện tích 64m2, sau Tết 2024 giá 70 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 77 triệu đồng/m2.

Screen Shot 2024-04-01 at 08.32.52
(Ảnh minh họa)

Khảo sát tại Đông Anh, anh Hoài nói, hiện mặt bằng giá đất tại đây đã cao, nay đang có sóng rục rịch trở lại. Ví dụ như mảnh 120m2 tại Kim Chung – Đông Anh giá 6,12 tỷ đồng, hoặc khu Nam Hồng ô đất diện tích 85m2 giá 5,1 tỷ đồng, nay cũng đã tăng thêm được 400-500 triệu đồng/ô.

Tại huyện Thường Tín (Hà Nội), giá đất còn đang “nhùng nhằng” chưa tăng, vì khu vực này phát triển chậm hơn phía Bắc và phía Tây thành phố. Đơn cử như một ô đất 50m2 nằm trong làng được rao bán 22 triệu đồng/m2, ở phía ngoài rìa làng giá nhỉnh hơn tầm 30 triệu đồng/m2.

Theo anh Song Hoài, nếu giá đất ở trong làng mà cao quá thì dư địa tăng và tỷ suất lợi nhuận không cao. Do đó, anh sẽ lựa chọn vị trí nào gần đường giao thông lớn, được quy hoạch bài bản nhưng hiện nay vẫn còn đang thưa thớt người ở sẽ có dư địa tăng cao hơn.

Chủ một sàn môi giới bất động sản tại Di Trạch (Hoài Đức) cho hay, gần 1 tháng trở lại đây đất dịch vụ và đất thổ cư có dấu hiệu tăng trở lại, lượt khách tìm kiếm cũng gia tăng. Nếu như trước đây sàn rao bán 1 ô đất năm thì mười hoạ mới có khách hỏi đến. Nhưng nay người dân gửi bán ô nào, ngay trong ngày cũng 3-4 lượt người tìm hiểu và nhanh đẩy được hàng hơn, giá cũng nhích lên so với trước Tết 2024.

Đất thổ cư tăng giá trong bối cảnh khó khăn là điều bất thường

Chia sẻ với Tiếp thị và Gia đình, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nói, trong bối cảnh kinh tế chưa ổn định, vẫn có sự hụt hơi của các doanh nghiệp trên thị trường nhưng lại có dấu hiệu tăng giá, thì đây là dấu hiệu bất thường trên thị trường bất động sản.

“Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thưc sự giải quyết đúng vấn đề như thể chế, các dự án vẫn bị ách tắc, người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn… nhưng vẫn diễn ra hiện tượng tăng giá và tăng tại các khu vực không có dự án mới, phát triển không đúng với quy định của luật pháp của chính quyền các địa phương là những điều không bình thường”, ông Đính cho hay.

Đánh giá về nguyên nhân “bất thường này”, ông Đính nhận định, có thể có những doanh nghiệp bất động sản họ đánh giá nhu cầu đầu tư của thị trường, nhà đầu tư sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, suốt 2 năm qua họ không có cơ hội đầu tư vì nguồn cung không có, họ muốn khai thác lợi dụng và kích cầu, tạo ra thông tin về sự phát triển của khu vực đó như lên quận, sẽ xuất hiện dự án mới. Do đó, họ cho quân đi tạo sóng, đẩy thị trường sôi động, làm cho thị trường như nóng, nhưng bản chất không phải thế. Các nhà đầu tư có kinh nghiệm, kiến thức ít khi dính vào việc đó, thiếu kiến thức chuyên sâu dễ bị lôi cuốn theo sóng này.

“Trong bối cảnh kinh tế suy yếu không có sự đầu tư nào cụ thể vào khu vực đó mà tự nhiên đất lên giá, do có sự đẩy giá không thực chất, không đúng với quy luật”, ông Đính nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề nhà biệt thự/liền kề ở một số huyện ven đô thời gian gần đây chủ đầu tư cũng điều chỉnh giá bán theo hướng tăng, ông Nguyễn Văn Đính lý giải, thị trường hiện đang khan hiếm hàng, những chủ đầu tư ra hàng mới là của hiếm trên thị trường, nên họ có quyền đặt ra giá.

Các nhà đầu tư cần phải hiểu và nắm chắc thị trường. Khi đầu tư vào bất động sản, cần nắm được các giá trị mà ở khu vực đó mang lại, không có sự phát triển thì nó không tương xứng. Giá trị ở đây là khu vực tạo ra hệ thống hạ tầng, tạo ra đô thị thì ở đó mới tăng giá thật của bất động sản.

Ông Đính nhắc lại, câu chuyên đất không có giá trị đã bị đẩy cao là một bài học, từ khi Hà Tây mới sáp nhập vào Hà Nội, đất Ba Vì đã bị đẩy lên, thổi giá. Sau khi Hà Nội công bố không có sự dịch chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì, thì cơn sốt đã để lại hậu quả nặng nề cho nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Hay ở Phú Quốc, Khánh Hoà, Vân Đồn… khi chỉ mới có thông tin sẽ quy hoạch thành đặc khu kinh tế, đất ở các khu vực này không ngừng tăng. Chỉ đến lúc Quốc hội không bấm nút thông qua mô hình đặc khu kinh tế thì cơn sốt đất mới dừng, và người đến sau là lãnh chịu hậu quả của đợt sốt giá.

Cùng chuyên mục