Thứ hai, 01/04/2024, 05:53 (GMT+7)

Người tiêu dùng Đông Nam Á dè dặt chi tiêu vì sợ lạm phát

Trong bối cảnh tâm lý tiêu dùng e ngại lạm phát, 69% người tiêu dùng Đông Nam Á đang chỉ thực hiện các khoản mua sắm thiết yếu trong khi đó 55% đang chi tiêu ít hơn cho các khoản mua sắm không thiết yếu.

Chi phí cuộc sống tăng đang ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm của người tiêu dùng tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Cụ thể, một khảo sát của EY cho thấy người tiêu dùng Đông Nam Á đang lo lắng về chi phí cuộc sống tăng lên (tỷ lệ tại Đông Nam Á 89%, tỷ lệ trên toàn cầu 94%), đặc biệt là khi nói đến các khoản chi cho điện, nước, ga, xăng dầu, nhiên liệu, đồ tươi sống và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.

Vietnam-business
Người tiêu dùng Đông Nam Á dè dặt hơn với chi tiêu trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố bất định. (Ảnh: PYMNTS).

Để hạn chế tác động của lạm phát lên chi tiêu, 69% người tiêu dùng Đông Nam Á (tỷ lệ toàn cầu 49%) đang chỉ chi tiền cho các khoản chi tiêu thiết yếu và 55% (tỷ lệ toàn cầu 51%) giảm chi cho các khoản chi tiêu không thiết yếu. Đáng chú ý, thời trang là ngành hàng nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á cân nhắc giảm chi tiêu nhất (59%). Tỷ lệ giảm chi tiêu đối với các ngành hàng khác như đồ chơi - phụ kiện, nội thất và quần áo – giày dép lần lượt là 47%, 45% và 45%.

Được biết, khảo sát của EY có sự tham gia của hơn 3.000 người tiêu dùng tại Đông Nam Á. “Với hành vi người tiêu dùng đã thay đổi, việc xem xét lại để tối ưu sản phẩm, chiến lược giá và marketing đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các công ty sản phẩm tiêu dùng và bán lẻ”, ông Olivier Gergele, lãnh đạo mảng sản phẩm tiêu dùng và bán lẻ khu vực Đông Nam Á của EY, nhận định.

Cũng theo báo cáo của EY, các sự kiện mua sắm lớn vẫn có sức hút với người tiêu dùng khi 77% người tiêu dùng Đông Nam Á tham gia mua sắm và 71% đang đợi một số khoản mua sắm cho sự kiện mua sắm tiếp theo.

Khi nhắc đến việc tìm kiếm các khuyến mại giá tốt và thực hiện mua sắm, 56% người tiêu dùng Đông Nam Á thích mua sắm chủ yếu qua kênh online, trong khi đó chỉ 4% muốn chủ yếu mua sắm qua kênh trực tiếp. Xu hướng thích mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Đông Nam Á tăng 11% so với số liệu khảo sát vào năm 2022, theo EY. Cùng thời điểm, tỷ lệ thích chủ yếu mua sắm trực tiếp giảm 11%.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục