Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 04/06/2024, 05:29 (GMT+7)

Cho thuê tài khoản ngân hàng - Ngỡ ngàng mức phạt 'khủng'

Cho thuê tài khoản ngân hàng có thể bị phạt nặng. Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường dùng cách thức này để phục vụ hành vi phạm tội, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi

Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hầu hết các đối tượng lừa đảo đều sử dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng với các tài khoản không chính chủ do các đối tượng mua, thuê lại của người khác, gây khó khăn cho lực lượng Công an trong đấu tranh, xử lý.

tai-khoan-ngan-hang
Ảnh minh họa

Chúng thường tiếp cận những người thiếu hiểu biết pháp luật, người lao động thu nhập thấp, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, học sinh các trường Trung học phổ thông để dụ dỗ mở tài khoản sau đó cho thuê tài khoản ngân hàng vừa mở hoặc bán lại với số tiền từ 300.000 đồng đến 01 triệu đồng/tài khoản.

Sau khi mở tài khoản, người bán, cho thuê tài khoản ngân hàng phải giao tất cả thông tin cho đối tượng mua, gồm: mật khẩu đăng nhập Internet Banking, SIM điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng... Từ đây, kẻ xấu sẽ sử dụng các tài khoản này để thực hiện các hành vi phạm pháp, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để chủ động phòng ngừa, tránh tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân cẩn trọng trong quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ; nói "Không" với mọi đề nghị cho thuê tài khoản ngân hàng hoặc bán tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính, tránh tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới vi phạm pháp luật.

Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng sẽ bị xử phạt hành chính

Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với người thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, các hành vi liên quan như cho thuê, mượn, mua, bán,… tài khoản ngân hàng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng; đồng thời, buộc phải nộp lại vào ngân sách nhà nước số lợi bất chính có được từ những hành vi này.

Mua bán tài khoản ngân hàng có thể bị xử lý hình sự

Ngoài ra, người có hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng có thể bị xử lý hình sự. Theo quy định tại Điều 291 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong nhiều trường hợp, chủ tài khoản có thể bị xem là đồng phạm, hoặc xử lý về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.

Điều 291 Bộ Luật Hình sự quy định:

1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

  • a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
  • b) Có tổ chức;
  • c) Có tính chất chuyên nghiệp;
  • d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  • đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
  • b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, sẽ tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Cùng chuyên mục