Chính quy hóa nghề KOL/KOC, tạo bước đột phá cho ngành quảng cáo số Việt Nam
KOL/KOC đã và đang trở thành trụ cột không thể thiếu trong hệ sinh thái truyền thông số. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế số, đặt nền móng cho hệ sinh thái quảng cáo minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững, nghề KOL/KOC cần được chính quy hóa.
Trụ cột trong hệ sinh thái truyền thông số
Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của KOLs (Key Opinion Leaders) và KOCs (Key Opinion Consumers) đã tạo ra một làn sóng mới trong ngành quảng cáo số. Đặc biệt, KOCs - những người tiêu dùng có ảnh hưởng trên mạng xã hội - đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua sắm của công chúng.
Với sự phát triển của các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube, hàng loạt KOCs đã xuất hiện và nhanh chóng thu hút lượng lớn người theo dõi nhờ những chia sẻ chân thực, gần gũi về sản phẩm và dịch vụ. Các nhãn hàng cũng ngày càng đầu tư mạnh vào KOCs như một kênh quảng bá hiệu quả, giúp tiếp cận khách hàng theo cách tự nhiên hơn so với quảng cáo truyền thống.

Ông Trương Gia Bảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiêm Trưởng Ban Công nghệ Thông tin và Quảng cáo số nhận định: "KOL/KOC đã và đang trở thành trụ cột không thể thiếu trong hệ sinh thái truyền thông số. Họ không đơn thuần là người truyền tải thông điệp thương hiệu, mà còn là những nhà sáng tạo nội dung, người dẫn dắt xu hướng và đại sứ thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này cũng đặt ra nhiều thách thức về tính minh bạch và trách nhiệm trong quảng cáo. Bên cạnh những KOL/KOC chất lượng, thị trường vẫn còn hiện tượng nội dung thiếu chiều sâu, chạy theo hiệu ứng đám đông và đánh đổi giá trị cốt lõi vì lượt xem".
Thực tế, không ít trường hợp những người nổi tiếng quảng cáo quá đà, thổi phồng công dụng sản phẩm, thậm chí đưa ra những thông tin sai lệch gây bức xúc cho người tiêu dùng. Khi nhiều trường hợp quảng cáo không đúng sự thật bị phanh phui, sự tín nhiệm của công chúng với KOL/KOC nói riêng và quảng cáo số nói chung phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những vấn đề này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải có một khung quản lý chặt chẽ, vừa giúp bảo vệ người tiêu dùng, vừa đảm bảo môi trường quảng cáo minh bạch, công bằng. "Để xây dựng một hệ sinh thái bền vững, chúng ta cần thúc đẩy tính chuyên nghiệp, đề cao nội dung sáng tạo mang giá trị thực tiễn và định hình văn hóa tiêu dùng lành mạnh", ông Trương Gia Bảo nhấn mạnh.
Cần được công nhận và bảo vệ
Nền kinh tế số tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, với giá trị thị trường quảng cáo trực tuyến dự kiến đạt hàng tỷ USD trong vài năm tới. Trong đó, KOL/KOC là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng như TikTok, YouTube, Instagram ngày càng chiếm lĩnh thị trường.
Việc chính quy hóa nghề KOL/KOC không chỉ giúp chuẩn hóa cách thức hoạt động mà còn đảm bảo họ có thể đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển kinh tế. Một nghề nghiệp được công nhận sẽ tạo điều kiện để KOL/KOC tham gia sâu hơn vào các chiến lược quảng cáo dài hạn, thay vì chỉ là những hợp đồng ngắn hạn, thiếu chiều sâu.
Trước những thách thức trên, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) quyết định thành lập Liên chi hội Quảng cáo và Nội dung số Việt Nam (VDAA) - tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hiệp hội. Tổ chức này được thành lập với sứ mệnh kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và nội dung số (KOL/KOC), góp phần đưa ngành công nghiệp sáng tạo này lên một tầm cao mới.
Trong đó, đưa KOL/KOC trở một nghề chính quy là một trong những sứ mệnh nổi bật của Liên chi hội. "VDAA hướng đến xây dựng nghề KOL/KOC không chỉ là một công việc tạm thời, mà trở thành một nghề nghiệp chính quy, được công nhận và bảo vệ", ông Trương Gia Bảo khẳng định.

Với trọng tâm là phát triển nghề KOL/KOC, VDAA đã đặt ra các chiến lược vĩ mô dài hạn, hướng tới việc chuyên nghiệp hóa và khẳng định vai trò của những nhà sáng tạo nội dung trong nền kinh tế số:
Xây dựng một bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp bài bản, định hình rõ ràng vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của KOL/KOC. Bộ tiêu chuẩn này không chỉ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp mà còn đề cao đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo các nhà sáng tạo nội dung hoạt động trong một môi trường minh bạch và có định hướng. Đây là bước đi quan trọng để thay đổi quan niệm rằng KOL/KOC chỉ là những cá nhân “làm nội dung kiếm tiền nhanh”, thay vào đó là hình ảnh của những người làm nghề có kỹ năng và giá trị thực thụ;
Hợp tác cùng các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm phát triển năng lực toàn diện cho KOL/KOC. Từ kỹ năng sáng tạo nội dung, xây dựng thương hiệu cá nhân, quản trị rủi ro đến tư duy chiến lược, những khóa học này được thiết kế để giúp các nhà sáng tạo không chỉ thích nghi mà còn dẫn dắt xu hướng trong kỷ nguyên số. Đây là nền tảng để KOL/KOC không chỉ dừng lại ở vai trò “người ảnh hưởng” mà còn trở thành những đối tác chiến lược của doanh nghiệp;
Tạo lập hệ sinh thái kết nối giữa KOL/KOC và các thương hiệu uy tín. Thông qua việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác minh bạch và bình đẳng, VDAA đảm bảo rằng giá trị sáng tạo của KOL/KOC được tối ưu hóa, đồng thời mang lại lợi ích bền vững cho cả hai bên. Hệ sinh thái này không chỉ giúp các nhà sáng tạo tìm được cơ hội phát triển mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả quảng cáo;
Hướng đến thiết lập khung pháp lý bảo vệ KOL/KOC khỏi những rủi ro pháp lý, thỏa thuận thiếu minh bạch và cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh truyền thông để khẳng định vị thế và vai trò của KOL/KOC như những đối tác chiến lược, đồng hành cùng doanh nghiệp và cộng đồng.
Trong bối cảnh ngành quảng cáo số Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, sự ra đời của VDAA là lời cam kết cho một tương lai mà nghề KOL/KOC không chỉ được công nhận về mặt kinh tế mà còn về mặt văn hóa và xã hội. "Chúng tôi tin rằng, KOL/KOC không chỉ là xu hướng nhất thời mà sẽ trở thành những nhà sáng tạo nội dung chiến lược, đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng của nền kinh tế số quốc gia và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội", ông Trương Gia Bảo nhấn mạnh.
Liên Chi hội Quảng cáo và Nội dung số Việt Nam (VDAA) là hội ngành nghề thuộc Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) - được thành lập với sứ mệnh kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và nội dung số, góp phần đưa ngành công nghiệp sáng tạo này lên một tầm cao mới.
Ngày 31/3/2025, VDAA sẽ chính thức ra mắt, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành quảng cáo và nội dung số tại Việt Nam. Sự kiện dự kiến thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà Nhà quảng cáo & Công ty sáng tạo số; Nhà xuất bản - Nhà sáng tạo nội dung (KOLs, KOC); Đơn vị truyền thông số - Nền tảng quảng cáo & Công ty phân tích dữ liệu...