Chất tạo màu thực phẩm hại sức khỏe thế nào?
Chúng ta vẫn sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất tạo màu trong cuộc sống hằng ngày và sự an toàn của chúng vẫn còn rất nhiều tranh cãi.
Chất tạo màu thực phẩm là gì?
Chất tạo màu thực phẩm là các chất hoá học được phát triển để tăng giá trị thị hiếu cho vẻ ngoài của thực phẩm. Chất tạo màu thực phẩm nhân tạo đầu tiên được tạo ra vào năm 1856 từ nhựa than đá.
Ngày nay, chất tạo màu được làm từ dầu mỏ và có hàng trăm loại chất tạo màu đã được phát triển. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đều được phát hiện là độc hại, chỉ có một số rất ít chất tạo màu nhân tạo được khuyến nghị sử dụng trong thực phẩm.
Tất cả chất tạo màu nhân tạo đang được sử dụng trong thực phẩm đều phải trải qua thử nghiệm về độc tính trong các nghiên cứu trên động vật. Cơ quan quản lý Thực phẩm (FDA) và Dược phẩm và cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã kết luận rằng chất tạo màu thực phẩm không gây ra rủi ro sức khỏe đáng kể.
Tuy nhiên, kết luận của hai cơ quan này không chiếm trọn sự đồng tình của mọi người. Thực tế cho thấy, một số loại chất màu thực phẩm được coi là an toàn ở một quốc gia nhưng lại bị cấm tiêu thụ ở quốc gia khác. Do đó, việc đánh giá sự an toàn của các chất tạo màu thực phẩm trở nên khó khăn.
Tác hại của màu thực phẩm
Theo Hindustantimes, những màu sắc tổng hợp mặc dù hấp dẫn về mặt thị giác nhưng có thể che giấu những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn. Những chất phụ gia tổng hợp, bao gồm chất tạo màu thực phẩm có mặt trong các mặt hàng thực phẩm phổ biến như kẹo, nước ngọt và đồ ăn nhẹ đóng gói, đồ ăn nhẹ ven đường… liên quan nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm chứng tăng động ở trẻ em, dị ứng...
Một nghiên cứu trên động vật với màu xanh số 2 cho thấy khối u não tăng đáng kể ở nhóm dùng liều cao so với nhóm đối chứng. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn kết luận rằng không có đủ bằng chứng để xác định liệu màu xanh số 2 có gây ra khối u hay không. Hơn nữa, các nghiên cứu khác về màu xanh số 2 không tìm thấy tác dụng phụ.
Một nghiên cứu khác về Tartrazine còn được gọi là màu vàng số 5, cũng có liên quan đến những thay đổi hành vi bao gồm: khó chịu, bồn chồn, trầm cảm và khó ngủ. Bên cạnh đó, Chất tạo màu này còn được chứng minh là gây ra các triệu chứng nổi mề đay và hen suyễn. Đồng thời, những người bị dị ứng với aspirin dường như cũng dễ bị dị ứng với màu số 5.
Cùng với chất tạo màu vàng số 5, các chất tạo màu khác như chất tạo màu đỏ số 40 và màu vàng số 6 cũng là một trong những chất tạo màu thực phẩm nhân tạo được sử dụng rất phổ biến nhất đồng thời cũng là ba loại có khả năng gây dị ứng cao nhất.
Có quan điểm cho rằng chất tạo màu thực phẩm nhân tạo là chất gây ung thư. Tuy nhiên, bằng chứng hỗ trợ cho tuyên bố này vẫn còn chưa đủ mạnh...
Tránh tiêu thụ chất tạo màu thực phẩm thế nào?
Các chuyên gia khuyến cáo, các nguồn thực phẩm chế biến không lành mạnh là nguồn lớn nhất của chất tạo màu thực phẩm và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ.
Roshan Kore - Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, Bệnh viện nhi NHSRCC, Mumbai Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc lựa chọn thực phẩm của chúng ta là phải hướng tới các lựa chọn tự nhiên, chưa qua chế biến. Việc lựa chọn những thực phẩm như vậy không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn hỗ trợ hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Đây cũng là cách tiếp cận toàn diện về dinh dưỡng.
Một số thực phẩm không có chất tạo màu thực phẩm:
- Thịt và thịt gia cầm: thịt gà, thịt bò, thịt lợn và cá tươi sống
- Rau củ quả tươi
- Ngũ cốc: yến mạch, gạo nâu, quinoa, lúa mạch.
- Các loại hạt: hạnh nhân không có hương vị, hạt macadamia, hạt điều, quả hồ đào, quả óc chó, hạt hướng dương.
- Các loại đậu: Đậu đen, đậu thận, đậu xanh, đậu hải quân, đậu lăng.
Dù vậy, nếu thực sự muốn tránh tất cả các chất tạo màu trong chế độ ăn, hãy luôn luôn đọc bao bì trước khi mua thực phẩm. Vẫn có một số thực phẩm tưởng như lành mạnh nhưng lại chứa chất tạo màu thực phẩm nhân tạo…