Cha mẹ xử lý thế nào khi trẻ bị quấy rối qua mạng?
Mạng internet như một con dao 2 lưỡi, nó sẽ trở nên nguy hiểm với trẻ khi mà các đối tượng ngày càng có các chiêu trò quấy rối, bắt nạt tinh vi hơn.
Những con số đáng báo động
Rình rập, tấn công qua mạng là một vấn đề ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đầu năm nay, Guardian từng chia sẻ một tài liệu nằm trong hồ sơ pháp lý chưa được niêm phong, bao gồm một số cáo buộc chống lại Công ty Meta dựa trên thông tin mà văn phòng tổng chưởng lý bang New Mexico (Mỹ) nhận được từ các nhân viên Meta.
Tài liệu cho thấy, ước tính có 100.000 trẻ em sử dụng Facebook và Instagram bị quấy rối tình dục trực tuyến mỗi ngày. Họ không chỉ bị quấy rối bởi những bình luận khiếm nhã mà còn nhận được cả bằng hình ảnh nhạy cảm từ người dùng khác.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), có tới 40% người dùng Facebook trẻ tuổi và 64% người dùng Twitter tuổi teen không kích hoạt cài đặt quyền riêng tư trên mạng xã hội của mình. 59% thanh thiếu niên Hoa Kỳ cho biết họ đã bị bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến.
Những con số trên chỉ ra thực trạng nguy hiểm khi trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội mà không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ bản thân
Cha mẹ cần làm gì?
Theo Verywellfamily, nếu phát hiện con đang có những mối quan hệ không rõ ràng trên mạng xã hội và tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công mạng, cha mẹ có thể yêu cầu con dừng giao tiếp để xác thực lại đối phương là ai. Bất kỳ sự tương tác nào với kẻ tấn công qua mạng có thể khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Với những người thường xuyên nhắn tin làm phiền trẻ dù không quen biết, cha mẹ nên khuyến khích trẻ chặn người này trên mạng xã hội, trên điện thoại và bất cứ nơi nào khác mà chúng đã liên hệ. Yêu cầu con thực hiện mọi bước có thể để giảm thiểu khả năng người này tiếp cận hoặc tương tác với chúng.
Trong trường hợp kẻ tấn công là người đã quen biết trước đó, có hành vi gửi video đe dọa, để lại tin nhắn điện thoại hay tin nhắn trên mạng, cha mẹ nên lưu giữ mọi thứ. Rất có thể sau này bạn sẽ cần tài liệu này làm bằng chứng về bất kỳ tội ác nào mà kẻ đó đã phạm phải. Sau đó, ngay lập tức thông báo cho cảnh sát về những vấn đề mà con trẻ đang gặp phải.
Dạy con sử dụng mạng an toàn
Bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn việc rình rập, quấy rối qua mạng nhưng là cha mẹ, bạn có thể dạy trẻ an toàn trên không gian mạng thông qua một số kỹ năng.
Cài đặt tài khoản riêng tư và an toàn
Cần chắc chắn rằng con đang tận dụng các cài đặt bảo mật, bao gồm: đảm bảo các thông tin cá nhân như số điện thoại, email... Các bài đăng trực tuyến nên được để ở chế độ chỉ dành cho bạn bè để chỉ những người thân, quen biết mới có thể nhìn thấy.
Thói quen đăng xuất khỏi tài khoản cũng rất quan trọng, cho dù đó là email, Facebook hay Instagram… Nếu ai đó tình cờ truy cập vào thiết bị của trẻ và tài khoản vẫn đang hoạt động, họ có thể dễ dàng kiểm soát các tài khoản đó và sử dụng chúng một cách không phù hợp.
Đảm bảo điện thoại và vị trí được an toàn
Cha mẹ cần thường xuyên nhắc con không để điện thoại di động ở nơi không có sự giám sát. Chỉ mất vài giây để ai đó cài đặt phần mềm gián điệp mà không để lại dấu vết hoặc hack tài khoản mạng xã hội của con.
Trẻ cũng nên học cách đảm bảo cho vị trí hiện tại của mình an toàn. Hãy khuyến khích con tắt cài đặt định vị trong một số trường hợp. Không nên “check-in” điểm đến của mình trong thời gian thực.
Thay đổi mật khẩu thường xuyên
Cha mẹ cần dạy con tầm quan trọng của việc kết bạn. Khuyến khích con chỉ chấp nhận lời mời kết bạn từ những người con đã gặp ngoài đời. Mật khẩu tài khoản cần phải được giữ kín và thay đổi thường xuyên. Bởi vì tấn công mạng đôi khi liên quan đến việc xâm nhập vào tài khoản và hồ sơ cá nhân nên điều quan trọng là con phải bảo mật chúng. Cách tốt nhất để làm điều đó là thay đổi tất cả mật khẩu và thắt chặt cài đặt bảo mật.
Ngoài ra, hãy nhắc con cài đặt phần mềm chống các chương trình độc hại trên thiết bị di động. Phần mềm này sẽ giúp phát hiện xem có virus độc hại nào đã được cài đặt trên thiết bị của con hay không.