Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng Giải độc gan Tuệ Linh như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm, khách hàng nên cẩn trọng
Dù chỉ là thực phẩm chức năng, nhưng trên các website và mạng xã hội, sản phẩm Giải độc gan Tuệ Linh lại được công khai quảng cáo có công dụng “ngăn chặn xơ gan”, “điều trị viêm gan virus”, “phòng bệnh viêm gan B”, “giải độc”, hay thậm chí là “thuốc mát gan giải độc tốt nhất”, có dấu hiệu vi phạm các quy định hiện hành.
Ngang nhiên quảng cáo, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị thu hồi
Thêm sản phẩm bảo vệ sức khỏe bị 'tuýt còi', người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng
Quảng cáo “thuốc hóa” thực phẩm bảo vệ sức khỏe?
Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng chứ không có khả năng chữa bệnh. Bộ Y tế khẳng định, không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào thay thế thuốc chữa bệnh. Những lời quảng cáo như “chữa bách bệnh”, “thay thế thuốc chữa bệnh”, “hiệu quả tức thì”, “giúp khỏi bệnh hoàn toàn”, “tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày”, “bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên”… đều là những dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng.
Tại khoản 2, Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm cũng nêu rõ, nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. Việc sử dụng bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm cũng bị cấm.

Tuy vậy, ghi nhận thực tế của PV Tiếp thị và Gia đình cho thấy, trên các nền tảng internet, hiện các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang thương hiệu Tuệ Linh như Giải độc gan Tuệ Linh (nhãn xanh), Giải độc gan Tuệ Linh Plus (nhãn vàng – sản phẩm nâng cấp từ Giải độc gan Tuệ Linh nhãn xanh) đang được quảng cáo “vẽ” công dụng như thuốc điều trị bệnh viêm gan, xơ gan, có dấu hiệu hoạt động bất chấp quy định của pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.



Điển hình, tại bài viết “Tất tần tật về viêm gan B giai đoạn cuối” trên website: giaidocgan.vn, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giải độc gan Tuệ Linh hiện được quảng cáo với hàng loạt khả năng điều trị bệnh như: “Giảm nồng độ virus trong máu. Ức chế sự tạo thành tổ chức xơ trong tế bào gan, ngăn ngừa biến chứng xơ gan. Hạ men gan, làm giảm các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Giải độc và bảo vệ gan. Tái tạo các tế bào gan mới, hạn chế tổn thương gan”…

Hơn thế nữa, trong bài viết “Các biện pháp phòng bệnh viêm gan B hiệu quả nhất” nhấn mạnh, sản phẩm Giải độc gan Tuệ Linh "là lựa chọn tin dùng của hàng triệu người dân Việt Nam trong phòng bệnh viêm gan B". Đồng thời, công dụng sản phẩm cũng được website này quảng cáo với lời khẳng định: “Giúp điều trị viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan virus mạn tính thể hoạt động. Phòng bệnh viêm gan B hiệu quả...”.

Đặc biệt, đánh mạnh vào tâm lý muốn trị bệnh dứt điểm, nhanh chóng của người tiêu dùng, tại bài viết “Top những thuốc mát gan giải độc tốt nhất hiện nay” trên website: giaidocgan.vn, tổ chức kinh doanh còn “tự tin” khẳng định chắc nịch thực phẩm chức năng là thuốc như: “Thuốc giải độc gan Tuệ Linh… là loại thuốc được sử dụng phổ biến với các bệnh nhân viêm gan B, men gan cao, nhiễm độc gan. Giải độc gan Tuệ Linh là sản phẩm thuốc mát gan giải độc hàng đầu, thuốc mát gan giải độc tốt nhất hiện nay”…

Không chỉ vậy, để tăng tính thuyết phục, tạo sự tin tưởng nhằm thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm, trong một bài quảng cáo khác trên website: viemgan.com.vn, đơn vị kinh doanh còn sử dụng hình ảnh, ý kiến đánh giá, bài viết của các chuyên gia y tế, bác sỹ đầu ngành tại Việt Nam để quảng cáo cho sản phẩm Giải độc gan Tuệ Linh.

Đó là: Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó Giám đốc kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Y 103; TS. Nguyễn Ngọc Quang, Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108; PGS.TS Nguyễn Trọng Thông, nguyên trưởng bộ môn Dược lý Trường Đại học Y Hà Nội; Th.S, BS Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện 09…



Chưa dừng lại ở đó, đơn vị kinh doanh cũng sử dụng hàng loạt hình ảnh, phản hồi của người tiêu dùng quảng cáo công dụng sản phẩm dưới dạng các bài viết chia sẻ về việc sử dụng sản phẩm Giải độc gan Tuệ Linh, dễ khiến người bệnh lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh.
Đơn cử như: “Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Lào Cai chia sẻ cách vượt qua bệnh viêm gan virus B và xơ gan F4”; “Chặng đường 23 năm chữa bệnh viêm gan của trung tá quân đội”; “Chàng thanh niên 31 tuổi chỉ mất 6 tháng để âm tính virus viêm gan B cùng Giải độc gan Tuệ Linh”; “13 năm chữa viêm gan B không đỡ, vậy mà âm tính chỉ sau 2 tháng: Chuyện lạ có thật”…




Thêm nữa, trên mạng xã hội Facebook, fanpage “Giải độc gan Tuệ Linh” (có 32K lượt thích và 32K người theo dõi, ghi địa chỉ tại tầng 5, tòa nhà 29T1, đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội) có chỉ dẫn đường link liên kết đến các website: giaidocgan.vn và viemgan.com.vn, cũng đăng tải các bài viết, hình ảnh chuyên gia y tế, người tiêu dùng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm Giải độc gan Tuệ Linh có dấu hiệu quảng cáo vi phạm tương tự.

Trong khi đó, thông tin quảng cáo tại website: tuelinh.vn (thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tuệ Linh, địa chỉ tại tầng 5, tòa nhà 29T1, đường Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội – nay là phường Yên Hòa, TP Hà Nội), thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giải độc gan Tuệ Linh Plus có công dụng là: “Hỗ trợ giải độc gan, hỗ trợ tăng cường chức năng gan trong viêm gan virus, xơ gan, người uống nhiều bia rượu, thuốc có hại cho gan. Hỗ trợ giảm triệu chứng: Men gan cao, vàng da, mệt mỏi, chán ăn, mẩn ngứa do chức năng gan kém”.

Theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 693/2021/ĐKSP, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giải độc gan Tuệ Linh Plus do Công ty TNHH Tuệ Linh công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố.
Chế tài quy định ra sao?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Ngô Trọng Nghĩa, Trưởng chi nhánh Đống Đa - Công ty Luật TNHH Hà Chi cho biết, chiếu theo quy định pháp luật hiện hành, sản phẩm Giải độc gan Tuệ Linh đang quảng cáo tại các website, fanpage nêu trên sử dụng hình ảnh của các bác sỹ, người tiêu dùng là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.


Luật sư Ngô Trọng Nghĩa cho biết, về chế tài xử phạt đối với vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, theo khoản 4, Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, các hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Cùng với phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 34 Nghị định này, trường hợp quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, chất lượng, công dụng, xuất xứ, chủng loại… có thể bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng, theo quy định tại khoản 5, Điều 34 Nghị định này.
Mặt khác, đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội quảng cáo gian dối. Theo đó, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Hình phạt bổ sung là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Luật sư cũng kiến nghị Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra và làm rõ những thông tin quảng cáo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giải độc gan Tuệ Linh còn tồn tại trên những website để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.