Thứ sáu, 04/04/2025
logo
Sống khỏe

Cẩn trọng với hai bệnh về mắt trong mùa lạnh

Quỳnh Ly Thứ hai, 08/01/2024, 08:00 (GMT+7)

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa lạnh, thời tiết hanh khô là mắt chị Thuỳ Linh (39 tuổi) thường xuyên bị chảy nước mắt, ngứa và nổi cộm. Lạ một điều, chị dùng thuốc nhỏ mắt chỉ khỏi được vài ngày, lần sau nặng hơn lần trước khiến chị vô cùng khó chịu và lo lắng.

Cẩn trọng với những dấu hiệu về đêm cảnh báo bệnh tật

Cẩn thận với những loại vi khuẩn trong món ăn tươi sống quen thuộc

Mùa của khô mắt và viêm kết mạc dị ứng

Theo lời kể của chị Thuỳ Linh, mắt chị bị tình trạng trên bắt đầu từ mấy năm dịch Covid-19. Vì không thể đi khám, lại thấy không đáng ngại nên chị Linh cứ cố chịu đựng, một hai năm cũng thành quen nên xác định “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi nhiệt độ miền Bắc giảm mạnh khiến mắt chị Linh thêm khó chịu. Trời càng lạnh thì mắt càng ngứa, cộm rát như có sạn trong mắt. Đi khám bác sĩ, chị Linh được chẩn đoán bị bệnh khô mắt nặng.

Chị Hồng Hoa (35 tuổi) lại bị đỏ mắt, kèm ngứa nhiều, cả tuần nay dù trong nhà chị không ai bị đau mắt. Tự mua thuốc nhỏ mắt sử dụng tại nhà mãi không đỡ, chị Hoa mới đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh viêm kết mạc dị ứng.

Theo Ths.Bs. Hoàng Thanh Nga - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, khô mắt hay viêm kết mạc dị ứng là hai bệnh về mắt khá phổ biến vào mùa lạnh. Nguyên nhân là do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp, bề mặt nhãn cầu tiếp xúc với không khí lạnh khiến cho mắt bị kích ứng, lâu dần dẫn tới khô mắt hoặc có những phản ứng viêm kết mạc dạng dị ứng.

Với người mắc tật khúc xạ cận, viễn, loạn thị hoặc thường xuyên thức khuya, sử dụng nhiều các thiết bị điện tử, làm việc ngoài công trường, thì mắt dễ bị khô hơn do phải điều tiết nhiều hơn. Nếu không chăm sóc mắt đúng cách thì tình trạng khó chịu sẽ kéo dài, thậm chí có thể kèm các biến chứng ảnh hưởng đến thị lực.

01704681089.png

Nước mắt giữ vai trò quan trọng cung cấp độ ẩm, bảo vệ bề mặt nhãn cầu và làm cho mắt không bị khô. Khô mắt có thể là do lượng nước mắt được tiết ra ít hơn hoặc chất lượng nước mắt không ổn định, khiến cho mắt dễ bị kích thích, cộm, rát, nhạy cảm với ánh sáng.

Khi bị khô mắt hoặc xảy ra phản ứng viêm, theo phản xạ tự nhiên, nhiều người có thói quen dùng tay dụi mắt. Hành động này không giúp cải thiện tình trạng khô mắt mà còn có thể gây trầy xước giác mạc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây hại cho mắt.

Bên cạnh đó, khi mắt bị kích ứng, hầu hết người bệnh thường tự mua thuốc nhỏ mắt tại nhà mà không thăm khám. Từ đó, có thể khiến cho tình trạng bệnh lâu khỏi hơn, dễ tái phát. Bệnh thậm chí từ nhẹ có thể chuyển thành biến chứng nặng như glôcôm (một bệnh lý khá phổ biến ở mắt, hay được dân gian gọi là cườm nước, và là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu thế giới). Vì vậy, theo Ths.Bs. Thanh Nga, với những người có tiền sử dị ứng hay dễ bị kích ứng khi thay đổi thời tiết, khi có bất kỳ phản ứng nào ở mắt hay toàn thân thì nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định sử dụng thuốc phù hợp.

11704681228.jpeg
Ths.Bs Thanh Nga khám mắt cho bệnh nhân đang bị khô mắt

Bác sĩ chuyên khoa chỉ cách chăm sóc mắt mùa lạnh

Ths.Bs. Thanh Nga cho biết, chăm sóc mắt đúng cách sẽ góp phần hạn chế tối đa các bệnh về mắt trong mùa lạnh. Theo đó, dù muốn hay không, mỗi người đều phải đảm bảo uống đủ nước hàng ngày, giúp bổ sung lượng nước cho cơ thể và nguồn nước mắt tự nhiên. Bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý cho mắt, thường xuyên chớp mắt để tạo độ ẩm cho mắt, cũng như sử dụng kèm các loại nước mắt nhân tạo phù hợp.

Ngoài ra,  việc chườm ấm có thể giúp giảm cảm giác khô, cộm, khó chịu hay nhức mắt. Cụ thể, bạn có thể sử dụng miếng chườm ấm hoặc một chiếc khăn mặt sạch nhúng vào nước ấm rồi đặt lên mắt trong khoảng từ 5 – 10 phút. Sử dụng thêm nước mắt nhân tạo để bổ sung dưỡng chất cho mắt và các loại thực phẩm chứa omega-3 tốt cho mắt.

Trường hợp mắt bị khô hoặc viêm kết mạc, người bệnh cần hạn chế các thói quen không tốt như không dùng tay bẩn dụi vào mắt; sử dụng kính áp tròng không rõ nguồn gốc hoặc không theo hướng dẫn của bác sĩ vì có thể khiến cho bệnh nhẹ chuyển thành nặng..

Mặc dù tình trạng khô mắt hay viêm kết mạc dị ứng khá phổ biến vào mùa lạnh, nhưng hầu hết người bệnh đều bỏ qua các triệu chứng ban đầu, đến khi bệnh trở nặng hoặc ảnh hưởng đến thị lực thì người bệnh mới đi khám. Vì vậy, Ths.Bs. Thanh Nga khuyến cáo, khi mắt xuất hiện các triệu chứng như nổi cộm, ngứa, đau nhức hoặc các biểu hiện khác, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục