Cần lưu ý những gì để kiểm soát huyết áp vào mùa lạnh?
Khi nhiệt độ giảm, mức huyết áp của những người có tiền sử tăng huyết áp có thể tăng đột biến. Tình trạng này làm tăng nguy cơ đau tim và các vấn đề về tim.
Tại sao huyết áp dễ tăng vào mùa lạnh?
Theo The Times of India, huyết áp là lực mà máu tác động lên thành mạch máu khi tim đập. Huyết áp phải đủ để đưa máu đi khắp cơ thể nhưng không cao đến mức làm tổn thương mạch máu, tim, não, thận hoặc các cơ quan khác.
Vào mùa lạnh, nhiệt độ giảm thấp, nhiều người phải đối mặt với vấn đề huyết áp tăng vọt, đặc biệt là những người lớn tuổi. Nguyên nhân là thời tiết lạnh làm thu hẹp các mạch máu và động mạch, để vận chuyển máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, cần nhiều lực hơn khiến cho huyết áp tăng lên. Huyết áp tăng đột ngột, dễ hình thành cục máu đông gây ra nhồi máu não, ảnh hưởng đến hoạt động tim mạch.
Huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng do sự thay đổi đột ngột của độ ẩm, áp suất khí quyển, mây che phủ hoặc gió. Tình trạng tăng cân vào mùa đông và thiếu hoạt động thể chất cũng có thể góp phần làm tăng huyết áp. Vì vậy, trong mùa đông, nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về mức huyết áp, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Cách kiểm soát huyết áp trong mùa lạnh
Mặc nhiều lớp áo
Khi trời lạnh, cơ thể thường có những phản xạ co mạch máu nhằm giữ nhiệt, tránh mất nước. Thay vì mặc một chiếc áo khoác dày, mặc nhiều lớp áo sẽ giúp giữ nhiệt tốt hơn, khiến cơ thể bạn ấm áp hơn. Bạn cũng nên giữ ấm các bộ phận khác như đầu, cổ, tay chân… và dưỡng da thường xuyên để ngăn ngừa khô da.
Tập thể dục vừa phải
Tập thể dục thường xuyên là cách lành mạnh nhất để giảm huyết áp. Tuy nhiên, người bệnh huyết áp nên vận động nhẹ nhàng, không nên tập thể dục nặng khi huyết áp không được kiểm soát tốt.
Các bài tập yoga bao gồm kỹ thuật kiểm soát hơi thở, thiền định có hiệu quả trong việc giảm căng thẳng. Theo các chuyên gia, thiền, thở, bài tập yoga góp phần làm giảm huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương ở những bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp.
Nếu bạn đang bị tăng huyết áp thì không nên hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp mà nên duy trì hoạt động thể dục ở trong nhà.
Ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mức huyết áp. Các chuyên gia khuyên người bệnh huyết áp nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, các loại đậu, hạt kê, hạt diêm mạch... chứa nhiều kali hỗ trợ giảm huyết áp, bảo vệ mạch máu, ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch. Bổ sung thêm vitamin C trong rau củ quả sẽ có ích trong phòng trị cao huyết áp, giúp giảm cholesterol, tăng tính đàn hồi mạch máu.
Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ ngăn ngừa nhiều axit béo không bão hòa, phòng ngừa xơ cứng động mạnh, tốt cho huyết áp. Một số thực phẩm giàu vitamin E như: dầu ngô, dầu đậu tương, dầu ô liu, bơ, xoài, cà chua… Người bệnh tăng huyết áp cũng nên duy trì uống sữa tươi mỗi ngày để có đầy đủ canxi cần thiết.
Người bệnh tăng huyết áp nên hạn chế ăn mặn. Natri có trong muối ăn làm cơ thể tiết ra nhiều dịch tế bào, khiến tim đập nhanh hơn và kéo theo tăng huyết áp.
Tránh uống bia, rượu
Uống quá nhiều bia, rượu có thể làm tăng huyết áp. Bởi đồ uống có cồn chứa nhiều đường và calo, có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Bia, rượu cũng có thể làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc hạ huyết áp, kéo theo nguy cơ khác như xơ gan, tổn thương hệ thần kinh nếu sử dụng nhiều.
- Uống sữa trước bữa ăn có thể giúp hạ huyết áp, giảm 4kg/tháng
- Những thực phẩm tốt cho tim mạch và huyết áp
- 9 loại trà thảo dược bạn nên uống để hạ huyết áp