Cách nấu bột sắn dây ngon bổ dưỡng, giải nhiệt mùa hè
Cách nấu bột sắn dây không hề đơn giản, bởi lẽ nếu bạn chế biến sai cách có thể khiến sắn bị vón cục và gây ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng vốn có của nó. Vậy làm thế nào khi bạn nấu sắn dây có thể giữ lại toàn bộ dinh dưỡng. Ngay sau đây, Tiếp thị và Gia đình sẽ chia sẻ đến bạn công thức nấu sắn vừa ngon miệng lại bổ dưỡng.
Nguyên liệu chuẩn bị
Cách nấu bột sắn dây ngon, bổ dưỡng do Tiếp thị và Gia đình chia sẻ sẽ gồm có những nguyên liệu dưới đây:
- 1 thìa canh bột sắn dây.
- 1 - 2 thìa cà phê đường (tùy chọn).
- 220 ml - 250 ml nước.
- Chút muối (tùy chọn).
- Nước cốt chanh (tùy chọn).
Cách nấu bột sắn dây
Cách nấu bột sắn dây ngon sẽ được thực hiện theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Pha hỗn hợp sắn dây: Cho 1 thìa canh bột sắn dây ra chén, thêm một ít nước, khuấy cho bột tan.
- Bước 2: Nấu nước: Bắc nồi lên bếp, đổ phần nước còn lại vào nồi, cho đường và chút muối, khuấy đều cho tan.
Bước 3: Nấu hỗn hợp sắn dây: Bật bếp nấu sôi nước, giảm lửa nhỏ, đổ từ từ bột sắn đã pha nước lạnh vào, vừa đổ vừa khuấy, bột trong là bạn tắt bếp.
Bước 4: Hoàn thành: Tiếp tục khuấy thêm 1 - 2 phút cho bột không bị vón. Đổ bột sắn đã nấu ra ly, dùng khi còn ấm. Có thể thêm nước cốt chanh tùy thích.
Thưởng thức
Múc sắn dây đã nấu chín ra bát, để nguội bớt hoặc để vào ngăn mát tủ lạnh, sau đó mang ra thưởng thức thì chắc chắn bạn sẽ thấy rất thích thú với vị ngon thanh mát của món ăn này.
Ngoài cách nấu bột sắn dây được chia sẻ ở trên, bạn có thể cho bột sắn, đường (nếu dùng), chút muối vào 220ml - 250ml nước. Khuấy đều cho tan rồi bắc lên bếp nấu sôi, khuấy liên tục đều tay. Bột trong là bạn có thể tắt bếp. Đổ bột sắn ra ly chờ nguội bớt rồi dùng. So với cách trên, cách nấu này bạn sẽ cần khuấy liên tục trong quá trình nấu.
Lưu ý cách nấu bột sắn dây chuẩn nhất
Tuy cách nấu bột sắn dây cũng không quá phức tạp, nhưng để giữ lại được vị thơm ngon và dinh dưỡng của loại bột này thì bạn cần lưu ý một số điểm sau.
1. Cách nấu bột sắn dây không bị vón cục
Nguyên nhân gây ra hiện tượng vón cục là do khi bột sắn dây tiếp xúc đột ngột với nước nóng làm cho bột chín và keo cứng lại. Vì vậy, bạn nên cho 1 ít nước mát để hòa tan bột sắn dây rồi mới đổ bột vào nước sôi. Bạn chỉ nên sử dụng nước nóng khoảng 80 - 90 độ C và khuấy đều tay.
2. Lưu ý khi sử dụng bột sắn dây
- Bột sắn dây để lâu dễ bị đông lại, bởi vậy bạn nên ăn luôn khi còn nóng hổi hoặc thưởng thức không quá 30 phút sau khi nấu.
- Không nên lạm dụng bột sắn dây (không quá 30g/ ngày) và nên chia làm 2 lần sử dụng trong ngày. Tiêu thụ quá nhiều bột sắn dây khiến cơ thể không thể hấp thụ, gây dư thừa.
- Tránh ướp hoa bưởi, hoa nhài cùng bột sắn dây, bởi sẽ giảm dược tính của bột sắn dây, gây nên tình trạng chướng bụng, khó tiêu.
- Chỉ nên sử dụng bột sắn dây được pha với nước nóng hoặc được nấu để tránh bị đau bụng.
- Nếu muốn giảm cân, bạn có thể thêm chút nước cốt chanh vào bột sắn dây, uống hoặc ăn tốt nhất là vào buổi sáng.
- Không nên thêm quá nhiều đường, vì sẽ gây nóng và bột sắn dây đã có sẵn vị ngọt thanh tự nhiên.
Mách nhỏ: Bạn nên chọn mua thương hiệu sắn dây uy tín trên thị trường, không bị pha tạp. Một cách để thử đó là pha bột vào nước. Bột tan không bị keo lại, không bị sạn thì là bột sắn dây không dính tạp chất.
3. Đối tượng không nên sử dụng bột sắn dây
- Đối với phụ nữ mang thai: Nếu pha bột sắn dây giải nhiệt với nước nguội thì sẽ làm cơ thể mệt mỏi, yếu hơn hoặc làm bệnh cảm lạnh trầm trọng hơn. Phải đảm bảo nấu chín bột sắn dây trước khi sử dụng.
- Đối với trẻ nhỏ: Bột sắn dây có tính hàn nên không sử dụng bột sắn sống với hệ tiêu hóa chưa phát triển của trẻ nhỏ, để ngăn ngừa tình trạng lạnh bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, chỉ sử dụng khi được nấu chín. Ngoài ra, tuyệt đối không được dùng nước sắn dây để thay thế nước lọc, sữa vì không thể đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé.
- Đối với người có bệnh lý về đại tràng hoặc đường ruột và tiêu hóa: Không nên sử dụng bột sắn dây vì tính hàn gây nhuận tràng.
- Đối với người có tính hàn: Những người có cơ thể đang bị hàn nên hạn chế sử dụng mật ong và bột sắn dây, vì bột sắn dây có tính hàn.
Lưu ý: Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nhận định rằng, thông tin bột sắn dây pha cùng mật ong có thể gây chết người là không chính xác. Bởi trên thực tế thì vẫn có rất nhiều người sử dụng bột sắn dây để nấu chè, bổ sung nguyên liệu là mật ong để thơm ngon hơn và nhiều dinh dưỡng hơn.
Bột sắn dây nên uống sống hay chín?
Bột sắn dây được chế biến qua nhiều công đoạn bắt nguồn từ củ sắn dây. Củ sắn dây đem nghiền nát, lọc lấy tinh bột rồi đem phơi khô. Bột sắn dây rất tốt cho sức khỏe con người. Nó có tác dụng giải nhiệt, chữa cảm, sốt, thanh lọc cơ thể, trị nhiệt miệng, mụn nhọt.Bột sắn dây chứa hàm lượng plavonodit cao có lợi cho đường tiêu hóa, chống oxy hóa.
Những loại bột sắn dây được bán trên thị trường hiện nay hầu hết đều được chế biến thủ công và chưa qua khử trùng hay đạt được bất cứ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nào. Quá trình chế biến, chắt lọc tinh bột sắn không thể loại bỏ được hết các tạp chất, bụi bẩn và các loại vi trùng. Vì vậy, nên sử dụng bột sắn dây đã được pha với nước sôi hoặc nấu chín để có thể tiêu diệt hết những mầm bệnh gây hại cho đường ruột.
Việc sử dụng bột sắn dây đã chín giúp thành phần tinh bột có trong bột sắn cắt thành những đoạn ngắn hơn, dễ hấp thụ qua thành ruột, tránh đem lại cho cơ thể cảm giác đầy hơi và chướng bụng. Ngoài việc sử dụng khi còn ấm, bạn vẫn có thể để nguội, thêm ít đá hay giữ trong ngăn mát tủ lạnh trước khi thưởng thức. Bột sắn dây vẫn giữ nguyên được vị thanh mát vốn có mà không gây ảnh hưởng đến đường ruột của bạn.
Trên đây là cách nấu bột sắn dây ngon, bổ dưỡng, giải nhiệt mùa hè vô cùng hiệu quả. Hy vọng rằng, với những thông tin được chia sẻ trên đây đã giúp bạn nắm rõ và thực hiện thành công món ăn này. Đừng quên theo dõi chuyên mục Bếp nhà của Tiếp thị và Gia đình để cập nhật thêm nhiều công thức nấu ăn hấp dẫn khác nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi!