Cách để giúp trẻ hợp tác hơn khi uống thuốc
Thời tiết lạnh là lúc trẻ dễ mắc bệnh hơn. Việc trẻ bị bệnh phải uống thuốc là lẽ dĩ nhiên nhưng không ít gia đình vẫn phải khổ sở mỗi khi cho trẻ uống thuốc. Làm thế nào để trẻ hợp tác hơn khi uống thuốc?
Hầu hết các loại thuốc đều có mùi vị quá đắng hoặc quá ngọt. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến trẻ kháng cự và không muốn uống. Nhiều trẻ chỉ cần nhìn thấy thuốc là phản kháng không chịu uống, thậm chí còn la hét, nôn trớ. Trong khi đó, phụ huynh lại dùng cách ép buộc, dùng sức mạnh của người lớn giữ chặt khiến con chống đối quyết liệt hơn. Hành trình ép uống thuốc - nôn trớ - ăn lại - uống thuốc lại cứ liên tiếp xảy ra… Để giúp trẻ hợp tác hơn trong việc uống thuốc, cha mẹ có thể thực hiện một số cách sau:
Thuyết phục để trẻ hợp tác
Phụ huynh nên tạo tâm lý thoải mái, nói cho trẻ biết việc uống thuốc là điều bình thường. Khi cho trẻ uống, hãy khích lệ, động viên hoặc dùng một vật mà trẻ thích để thu hút sự chú ý. Bạn có thể tặng trẻ một phần thưởng sau khi trẻ uống thuốc xong.
Với trẻ lớn, đã hiểu chuyện, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu việc uống thuốc là cần thiết khi bị bệnh, mặc dù thuốc đắng nhưng nó sẽ giúp con hết bệnh và khỏe mạnh. Khi con đã thực hiện tốt, đừng tiếc lời khen ngợi và khuyến khích con lần sau làm tốt hơn.
Uống thuốc bằng thìa
Với những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc uống các viên thuốc dạng viên nén là khó. Cha mẹ nên cho uống dạng siro hoặc nghiền nhỏ thuốc ra rồi pha với nước, sau đó dùng thìa đút cho trẻ.
Bạn nên để bé ngồi thẳng hoặc đỡ bé nghiêng vào người, để đầu trẻ ngẩng cao, mặt hơi nghiêng rồi đưa thìa thuốc vào phía bên trong cằm. Không nên cho thuốc vào quá gấp cũng như lấy thìa ra quá nhanh mà nên chờ cho trẻ nuốt hết thuốc và hãy từ từ lấy ra.
Vị giác của trẻ tập trung ở phía trước và trung tâm của lưỡi. Để trẻ bớt cảm thấy đắng, cha mẹ nên dùng thìa có thuốc pha loãng đặt vào giữa lưỡi của bé.
Uống thuốc bằng xilanh
Uống thuốc bằng xilanh là cách cha mẹ có thể áp dụng mà không lo thuốc vị đổ hay cho quá nhiều thuốc vào miệng trẻ. Hãy đặt sẵn tất cả các loại thuốc cần uống vừa tầm với bé. Thuốc bột nên được pha sẵn vào cốc và để bên cạnh một cốc nước ấm. Bạn dùng xilanh hút thuốc và bơm thuốc từ từ vào miệng trẻ. Chú ý không bơm trực tiếp vào cổ họng mà bơm vào thành má để trẻ không bị sặc.
Chia nhỏ liều thuốc
Thay vì bắt con uống liền một lúc tất cả các loại thuốc, hãy chia ra để con uống ít một trong vài phút. Để trẻ uống từng thứ một sẽ tốt hơn là cho trẻ uống hết tất cả trong 1 lần. Việc này sẽ giúp trẻ nuốt thuốc dễ dàng hơn và tránh bị nôn trớ sau khi uống.
Cho trẻ lựa chọn
Bạn có thể cho trẻ lựa chọn uống trước những loại thuốc có hương vị hay màu sắc khác nhau. Bằng cách đó, trẻ có thể cảm thấy mình kiểm soát được tình hình chứ không phải bị ép buộc và sẽ thấy hứng thú hơn.
Kết hợp thuốc vào thức ăn/nước uống
Với cách này, cha mẹ hãy hỏi bác sĩ có thể giấu thuốc vào thức ăn hoặc thức uống hay không trước khi thực hiện. Nếu được, hãy khuấy đều thuốc vào một lượng nhỏ nước ép trái cây hoặc sữa… Lưu ý rằng khi kết hợp thuốc với món ăn hay thức uống, bé cần ăn hoặc uống hết toàn bộ lượng đó.
Thay đổi thuốc đắng sang thuốc ngọt
Có một số loại thuốc có các hương vị ngọt để mẹ lựa chọn cho trẻ uống. Các bác sĩ hoặc dược sĩ có thể giới thiệu cho mẹ một sản phẩm có hương vị giúp thuốc dễ uống hơn. Nếu trẻ đang gặp vấn đề với việc uống thuốc, hãy hỏi bác sĩ về việc thay đổi sang các loại thuốc có vị ngọt.
Nhờ sự tư vấn từ bác sĩ
Trong trường hợp trẻ nôn thuốc nhiều hơn một lần hoặc mẹ không thể cho trẻ uống những loại thuốc quan trọng, bác sĩ có thể cân nhắc đổi sang thuốc khác hoặc chuyển sang dùng thuốc đường để tiêm cho trẻ.
Không phản ứng tiêu cực
Mặc dù mẹ đang cảm thấy bực mình khi con không chịu uống thuốc. Nhưng hãy cố tỏ ra vui vẻ cho trẻ thấy uống thuốc để trẻ uống thuốc hiệu quả hơn.