6 cấp độ giáo dục gia đình ảnh hưởng đến tương lai trẻ
Sự trưởng thành của trẻ không thể tách rời khỏi việc nuôi dạy của phụ huynh. Vì thế, giáo dục gia đình rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ em.
Các chuyên gia đã chỉ ra 6 cấp độ giáo dục gia đình. Hãy cùng xem gia đình bạn đang ở cấp độ nào?
Cấp 1: Sẵn sàng chi tiền cho con
Tất cả những gì tốt đẹp nhất của cha mẹ đều dành cho con, trong đó có cả tiền bạc. Ngay từ khi con còn là bào thai, cha mẹ đã sẵn sàng chi trả để mua đồ dùng cho con, sau đó là thực phẩm, học phí, thuốc thang và những thứ con yêu thích… Ở những gia đình có điều kiện, chỉ cần có lợi cho trẻ thì cha mẹ đều sẵn sàng mua bởi họ tin chắc rằng tiền là biểu hiện của tình yêu thương dành cho con cái.
Để trẻ không bị chiều chuộng quá mức trong việc đòi hỏi chi tiền, ở cấp độ này, cha mẹ cần biết cách để cho con đúng mực. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể dùng tiền để rèn luyện thói quen ứng xử cho trẻ như khen thưởng những việc trẻ làm tốt và khuyến khích sự nỗ lực, tiến bộ của trẻ…
Cấp 2: Sẵn sàng dành thời gian cho con
Cao hơn cấp độ chi tiền chăm con là cha mẹ dành nhiều thời gian ở bên con. Nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến công việc, và nghĩ hoàn thành việc chi các khoản tiền cần thiết cho con là đủ. Tuy nhiên, họ đã bỏ qua thời gian quý báu bên con để chứng kiến từng bước trưởng thành của chúng. Khi con đã lớn, nhiều cha mẹ chợt hối hận vì đã không ở bên con nhiều hơn.
Thay vì điều đó, hãy cố gắng cân bằng công việc và gia đình. Cha mẹ có thể tìm thấy những sở thích chung, cùng con tham gia và để con cảm nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của cha mẹ. Hãy tận dụng những bữa cơm gia đình và những ngày nghỉ cuối tuần để gắn kết các thành viên trong gia đình, tạo không khí ấm áp và vui vẻ qua các hoạt động: nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp, thể thao, dã ngoại…
Cấp 3: Định hướng học tập cho con
Khi ở bên con nhiều và quan tâm đến sự phát triển của con, cha mẹ sẽ bắt đầu nghĩ nhiều hơn cho tương lai của con. Để đạt được những điều lớn lao và tốt đẹp nhất, cần có những mục tiêu và định hướng học tập cụ thể. Hãy tìm hiểu và chia sẻ xem con thực sự thích làm gì rồi cùng con lên kế hoạch để đạt được ước mơ đó. Những lời động viên, hướng dẫn kịp thời theo từng bước tiến bộ của con và bổ trợ cho con những gì còn thiếu sót rất cần thiết để con phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình.
Cấp 4: Học tập phương pháp giáo dục khoa học
Bạn có bao giờ chủ động tìm đến các phương pháp giáo dục khoa học để áp dụng cho con không? Nếu có thì bạn đã được được cấp độ thứ 4.
Khi phụ huynh tìm hiểu các lý thuyết giáo dục và kinh nghiệm thực tế mới nhất, đồng thời nâng cao kho kiến thức và kỹ năng giáo dục bằng cách đọc sách, tham gia đào tạo giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm với phụ huynh khác… họ sẽ nhận ra đâu mới là cách phù hợp để nuôi dạy con mình và đâu là cách lạc hậu cần phải loại bỏ. Cha mẹ không còn phàn nàn về việc con nghịch ngợm, không kiểm soát con quá mức nữa mà tích cực quan tâm đến các biểu hiện và nguyên nhân vấn đề của con, đồng thời chủ động can thiệp, khắc phục để thấu hiểu con hơn.
Cấp 5: Hoàn thiện bản thân
Khi đã tìm đến các phương pháp giáo dục hay, cha mẹ cũng sẽ nhận ra rằng, bản thân cha mẹ cũng cần hoàn thiện nhiều hơn nữa để làm tấm gương cho con. Trong giáo dục gia đình, phương pháp điển hình là dạy bằng lời nói và việc làm. Ở cấp độ này, phụ huynh có thể nâng cao trình độ lý thuyết giáo dục bằng cách học tâm lý, giáo dục và các kiến thức môn học liên quan khác… Hãy suy ngẫm về phương pháp và hiệu quả giáo dục của mình, liên tục điều chỉnh và cải tiến, nâng cao năng lực.
Cấp 6: Ủng hộ phát triển khả năng riêng biệt của con
Ở cấp độ cao nhất, cha mẹ thực sự nhận ra rằng con là duy nhất và chú ý đến sự khác biệt cá nhân cũng như nhu cầu phát triển của con. Cha mẹ hãy hết sức để khuyến khích con trở thành phiên bản tốt nhất của chính chúng.
Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc một cách tự do, tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của trẻ, đồng thời cho trẻ không gian và cơ hội phát triển. Đồng thời, cha mẹ cũng có thể giúp con khám phá những điểm mạnh và chuyên môn của bản thân, nuôi dưỡng sự tự tin và lòng tự trọng, cho phép con tìm thấy vị trí và giá trị của bản thân khi lớn lên.