Các cơ sở sản xuất bánh Trung thu vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào?
Trong đợt kiểm tra từ ngày 10 đến 13/9, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) TP. Pleiku đã tiến hành kiểm tra 17 cơ sở sản xuất bánh Trung thu, cửa hàng tạp hóa và dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Qua quá trình kiểm tra, 3 cơ sở đã bị phát hiện vi phạm và lập biên bản xử phạt hành chính.
Cụ thể, Công ty TNHH Minh Chung Gia Lai (số 326 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú) bị phát hiện có hệ thống thoát nước thải khu vực cửa hàng và nhà bếp bị ứ đọng. Cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại số 553 Lê Đại Hành, phường Yên Thế do bà Phạm Thị Tho làm chủ bị xử lý vì không duy trì vệ sinh đúng quy định tại nơi kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến.
Cơ sở sản xuất bánh mì và bánh ngọt tại số 100 Nguyễn Văn Cừ, phường Diên Hồng do bà Trương Thị Bích Ngọc làm chủ cũng bị phát hiện vi phạm khi người lao động không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, theo Cổng thông tin điện tử Gia Lai.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và đề xuất UBND TP. Pleiku ra quyết định xử phạt các cơ sở này với tổng mức phạt 14 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đoàn cũng tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về vệ sinh ATTP đến các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời nhắc nhở việc tuân thủ quy định về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, ghi nhãn mác và công bố tiêu chuẩn sản phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm được xử lý thế nào?
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có thể bị xử phạt theo nhiều hình thức, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và các quy định pháp luật tại Việt Nam.
Đối với các vi phạm thông thường, các cơ sở có thể bị phạt tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm và quy mô của cơ sở. Mức phạt cụ thể thường được quy định trong Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Nếu vi phạm gây nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, cơ sở có thể bị đình chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định (thường từ 1 đến 12 tháng).
Các sản phẩm không đạt chuẩn, không rõ nguồn gốc, hoặc có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị thu hồi và tiêu hủy. Hay yêu cầu cơ sở sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, nếu vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người, cá nhân hoặc tổ chức có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hình phạt có thể là phạt tù từ 1 đến 20 năm hoặc phạt tù chung thân tùy theo mức độ gây hại.
Người vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu vi phạm gây ra các tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe hoặc tính mạng của người tiêu dùng.
Cơ sở vi phạm có thể bị yêu cầu công khai thông tin vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, cơ sở có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh và buộc phải ngừng hoạt động.
- 9X Hà Nội chia sẻ cách làm bánh Trung thu nướng thập cẩm trứng muối vừa đơn giản lại siêu ngon, ăn một miếng là mê ngay
- Người đàn ông 60 tuổi nguy kịch vì mắc phải sai lầm tai hại này khi ăn bánh Trung thu
- Một chiếc bánh Trung thu bằng gần 2 bát phở bò: Ăn thế này vừa ngon lại chẳng lo tăng cân, béo bụng
- 9X Hà Nội chia sẻ cách làm bánh Trung thu nướng thập cẩm trứng muối vừa đơn giản lại siêu ngon, ăn một miếng là mê ngay
- Người đàn ông 60 tuổi nguy kịch vì mắc phải sai lầm tai hại này khi ăn bánh Trung thu
- Nha khoa APEC bị 'tuýt còi' với những vi phạm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khách hàng