Một chiếc bánh Trung thu bằng gần 2 bát phở bò: Ăn thế này vừa ngon lại chẳng lo tăng cân, béo bụng
Bánh Trung thu rất ngon nhưng cũng cực kỳ béo ngậy, cung cấp nhiều năng lượng. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát khi ăn bánh sẽ rất dễ gây tăng cân, béo bụng lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vì sao ăn bánh Trung thu lại tăng cân?
Bánh Trung thu là món ăn truyền thống của người Việt Nam vào mỗi dịp rằm tháng 8. Trải qua thời gian, bánh Trung thu hiện nay đã có nhiều thay đổi đa dạng cả về kiểu dáng lẫn chất lượng. Ví dụ như: gà quay, lạp xưởng, nấm đông cô, hải sâm, bào ngư, trứng… đến khoai môn, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, hạt sen, sữa dừa, rau câu, trà xanh, mứt bí, hạt dưa, hạt điều, mè…
Tuy hương vị bánh rất thơm ngon, hợp khẩu vị của trẻ em và người lớn nhưng đây lại là món ăn cung cấp rất nhiều calo cho cơ thể, thậm chí là mối nguy lớn với bệnh nhân thừa cân béo phì, tiểu đường,... Để tiêu thụ hết số calo đã nạp vào cơ thể khi ăn bánh Trung thu, bạn sẽ phải tập luyện rất nhiều.
Tùy vào loại bánh Trung thu, bánh nướng hay bánh dẻo, các nguyên liệu và nhân bánh bên trong mà lượng calo sẽ dao động khác nhau ở mức hơn 700 - 1000 calo.
Một bát cơm vừa cung cấp khoảng 200 Kcal, một tô phở trung bình cung cấp khoảng 350-400 Kcal. Như vậy, việc ăn một chiếc bánh Trung thu thập cẩm 2 trứng nặng 250g sẽ nạp vào cơ thể lượng Kcal tương đương với 5 bát cơm hoặc gần 3 tô phở bò. Chưa kể, phần đường lại chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Vậy cụ thể, lượng calo có trong các loại bánh Trung thu là bao nhiêu?
Ăn bánh Trung thu thế nào để không bị tăng cân?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho biết, để ăn bánh không lo ngại tăng cân, nên cắt nhỏ bánh, chỉ nên ăn góc 1/8 của bánh hoặc nhiều nhất là góc 1/4 (200 kcal của miếng bánh) tương đương với một bữa ăn sáng.
Ngoài ra, khi đã ăn bánh Trung thu, bạn nên giảm bớt các thực phẩm khác, đặc biệt là những thực phẩm giàu năng lượng như: cơm, bánh mì, bún, phở… Bên cạnh đó, để giảm năng lượng trong bánh Trung thu, khi ăn các loại bánh có nhân thập cẩm nên loại bỏ mỡ do 1g chất béo cung cấp 9 kcal, ăn bánh càng có nhiều mỡ tổng năng lượng sẽ tăng.
Với những người bị thừa cân, béo phì, hay mắc bệnh đái tháo đường càng phải cẩn trọng khi sử dụng bánh Trung thu. Nếu muốn ăn bánh nướng, bánh dẻo nên lựa chọn các sản phẩm dành cho người đái tháo đường và người cần ăn kiêng. Loại bánh Trung thu này được làm với kích cỡ nhỏ và sử dụng đường ăn kiêng nên chỉ số đường và năng lượng rất thấp. Người đường máu cao vẫn có thể thưởng thức mà không lo ngại tăng đường huyết.
Để giảm ngọt khi thưởng thức bánh nướng hay bánh dẻo, PGS.TS Lâm khuyên rằng bạn nên ăn kèm với hoa quả có nhiều nước và chỉ số đường thấp.
Nhiều người Việt vẫn có thói quen uống nước trà nhâm nhi miếng bánh Trung thu. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, cách ăn này giúp tôn hương vị của bánh Trung thu và cũng là cách giảm đi vị ngọt gắt trong bánh.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn thực phẩm khi ăn bánh Trung thu, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho biết: "Bánh Trung thu ngon có vỏ bánh nướng mềm vừa phải, sắc màu vàng đậm và không quá nhiều dầu. Còn bánh Trung thu dẻo phải có lớp bột áo mỏng trên mặt. Nhân bánh nếu vị thập cẩm phải có đủ hương vị thơm ngon, vị mặn ngọt, độ bùi béo. Nhân đỗ phải thật thơm, mịn, quyện nhuyễn vào nhau; Bánh không ướt, mùi vị không thơm ngon đặc trưng, không bị nấm mốc và đặc biệt chú ý còn hạn sử dụng".
Bánh dẻo nên chọn loại hơi có phủ bột nhẹ trên mặt bánh. Khi ấn vào cảm thấy vỏ mềm nhưng không dính, nhão. Bánh nướng nên chọn loại có độ bóng vừa phải, khi ấn vào thấy có độ mềm và đàn hồi nhẹ là bánh ngon. Bánh có mùi thơm đặc trưng, trứng không có mùi tanh, không bể nát khi cắt.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên chọn mua bánh Trung thu của những thương hiệu lâu đời, đáng tin cậy…. Việc làm này sẽ giúp cho bạn an tâm hơn về chất lượng bánh cũng như an toàn. Dù là bánh truyền thống hay của công ty cũng cần có nguồn gốc, nguyên liệu rõ ràng, còn hạn sử dụng, bánh không bị dập nát, hay ướt, có hình ảnh nấm mốc.