Thị trường bánh Trung thu 2024 có gì mới?
Còn gần 2 tháng nữa mới tới Rằm tháng 8 nhưng thị trường bánh Trung thu đã khởi động, với nhiều hương vị, mẫu mã, kiểu dáng mới. Năm nay, xu hướng "healthy" với những nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao, ít đường, tiếp tục được các nhà sản xuất bánh Trung thu lựa chọn.
Bánh trung thu “rục rịch” đón khách sớm
Theo ghi nhận, thị trường bánh trung thu trong nước năm nay đã cập nhật thêm các mẫu mã mới bắt mắt và hương liệu mới tới người tiêu dùng. Bên cạnh những chiếc bánh truyền thống với nhân đậu xanh, hạt sen, trứng muối, các nhà sản xuất còn giới thiệu nhiều loại nhân mới như nhân sen, socola, matcha, phô mai, và cả các loại nhân kết hợp giữa trái cây và hạt dinh dưỡng, theo Thương hiệu & Sản phẩm.
Ngoài việc đưa nguyên liệu mới vào bánh trung thu, các nhãn hàng còn chú trọng đến hình thức, kiểu dáng như vỏ hộp được làm bằng gỗ in hoa văn nổi, hoặc hộp giấy cao cấp được thiết kế hiện đại, sang trọng…
Một số đại lý bán hàng chia sẻ, do Trung Thu năm nay rơi vào giữa tháng 9 dương lịch nên các đơn vị đã triển khai kế hoạch bán sớm, vừa để nhận diện thương hiệu đối với khách đồng thời phục vụ thưởng thức và nhu cầu biếu, tặng cho người dân trong dịp 2/9 tới.
Theo các doanh nghiệp đánh giá, thị trường bánh trung thu ngày càng có sự cạnh tranh, bởi nhiều thương hiệu đều phát triển thêm nhiều dòng bánh mới từ bình dân đến cao cấp, đổi mới thiết kế để thu hút khách hàng. Do đó, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn với từng mức giá khác nhau phù hợp với túi tiền.
Nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng
Ngoài các thương hiệu truyền thống, năm nay các mẫu bánh trung thu xách tay, handmade cũng đang bắt đầu sôi động và xuất hiện nhiều mẫu bánh mới lạ, bắt mắt.
Không chỉ gồm các loại nhân truyền thống như thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen, khoai môn... bánh trung thu handmade còn có các loại vỏ bánh mới lạ như: vỏ bánh có thành phần từ tinh than tre, trà xanh, vỏ bánh được tạo màu từ nước cốt các loại củ quả (chanh leo, củ dền, lá dứa…).
Ngoài các dòng bánh nội địa, handmade còn có các loại bánh trung thu nhập khẩu. Vài năm trở lại đây, loại “Bánh trung thu nhân trứng chảy” đã làm mưa làm gió mỗi dịp Tết Trung thu, có những loại giá vài trăm nghìn nhưng cũng có những loại giá bán lên tới trên dưới 1 triệu đồng/hộp 8 bánh.
Năm nay, lọai bánh trung thu lava trứng chảy năm 2024 có nguồn gốc từ Trung Quốc với phiên bản áo mới đang được các tiểu thương xách tay nhập về bán trên khắp mạng xã hội Facebook, Tiktok… và được nhiều người đặt mua. Hay hãng Bibizan của Trung Quốc đang chạy set trung thu 16 bánh 11 vị được các chủ shop trên mạng xã hội facebook gom đặt hàng mang về với giá rẻ gần 200 ngàn đồng.
Đặc biệt, nhiều nhà sản xuất đã tung ra các dòng sản phẩm bánh trung thu "healthy" với nguyên liệu hữu cơ, ít đường, không chất bảo quản và giảm calo. Thị trường bánh trung thu chay, bánh trung thu không đường, và bánh trung thu sử dụng các loại bột thay thế như bột hạnh nhân, bột yến mạch đang được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng.
Ngoài quầy bán hàng trực tiếp, các doanh nghiệp như Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị... cũng đang đẩy mạnh kênh bán hàng online với đa dạng chủng loại, mẫu mã và nhiều ưu đãi hấp dẫn. Đây có thể coi là “đòn chiến lược" khiến khách hàng không mặn mà với việc mua hàng trực tiếp tại các quầy truyền thống.
Trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, TikTok, Lazada... gian hàng chính hãng của một số thương hiệu cũng có các chương trình giảm giá từ 3 đến 13%.
Thận trọng với các loại bánh trung thu trôi nổi
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số khuyến cáo người dân nên chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản…
Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website này phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người dùng nên tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm…
Người dùng tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể...
- Bánh trung thu đại hạ giá 'khuấy đảo' các con phố lớn ở Hà Nội
- Mãn nhãn với bộ sưu tập bánh trung thu của mẹ đảm Đắk Lắk
- Bánh trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc vẫn nổi cộm
- Nên mua lò vi sóng loại nào? Lựa chọn nào tốt nhất cho gia đình?
- Chưa cuối tháng đã hết lương, vì sao người trẻ không thể tiết kiệm?
- Vì sao Công ty Phong Cách Sống Kim Cương Việt Nam bị phạt nặng, chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp?
- Sẵn 200 triệu đồng, có nên vay ngân hàng mua nhà lúc này?
- Điều tra vụ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Unilever Việt Nam tại Quảng Nam, nhập từ tổng kho qua mạng xã hội
- Kệ lò vi sóng có gì nổi bật mà khiến chị em nội trợ mê mệt?