Chi tiêu khéo như mẹ đảm Hà Nội: Bí quyết nuôi 2 con nhỏ vẫn đủ đầy trải nghiệm lại chẳng lo áp lực tài chính
Nuôi con nhỏ là hành trình tốn kém cả về tài chính lẫn công sức. Tuy nhiên, với sự linh hoạt và lựa chọn thông minh, chị Trang (35 tuổi, Hà Nội) đã tìm ra những cách tiết kiệm hợp lý, giúp con phát triển toàn diện mà vẫn đảm bảo tài chính gia đình ổn định.
Chuyên gia tài chính cá nhân "bóc trần" 3 nguyên nhân khiến bạn dễ rơi vào khủng hoảng tiền bạc
Mẹ đảm 9X gợi ý thực đơn ăn dặm hấp dẫn cho bé, để hành trình nuôi con không còn là 'cuộc chiến'
Gửi tiết kiệm cho con có lợi ích gì? 4 lưu ý khi mở sổ tiết kiệm cho con
Vấn đề tài chính, chi tiêu cho con là chủ đề được nhiều bố mẹ quan tâm bởi chỉ khi có con bạn mới nhận thấy, việc nuôi dưỡng một em bé tốn kém đến nhường nào. Từ những năm tháng đầu đời với bỉm, sữa, thực phẩm, thuốc men, tiêm chủng… đến khi con lớn hơn với hàng loạt khoản chi cho học chính khóa, ngoại khóa, học thêm – mỗi giai đoạn đều gắn liền với áp lực tài chính.
Đặc biệt, khi số lượng con tăng lên thì gánh nặng ấy càng nhân lên gấp bội, trở thành lý do khiến nhiều gia đình ngần ngại sinh con thứ hai, hay nhiều người trẻ trì hoãn chuyện lập gia đình vì lo lắng về chi phí nuôi con.
Chính vì vậy, tiết kiệm và chi tiêu hợp lý trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo tương lai cho con. Điều quan trọng là cần biết cân đối – không nên chi tiêu quá tay khi tài chính gia đình còn hạn chế, nhưng cũng không nên tiết kiệm đến mức cực đoan, khiến con đánh mất những cơ hội trải nghiệm quan trọng trong tuổi thơ.

Dưới đây là những chia sẻ thực tế từ hành trình nuôi con của chị Trang (35 tuổi, Hà Nội) – về cách quản lý chi tiêu một cách thông minh và tiết kiệm hiệu quả, để con vẫn có một tuổi thơ đủ đầy và phát triển toàn diện.
Ưu tiên những điều cốt lõi: Ăn uống an toàn, đủ chất
Ngay từ khi sinh con, chị Trang đã xác định rõ: Các khoản chi tiêu liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là ăn uống, cần được ưu tiên. Thay vì chạy theo các loại thực phẩm đắt tiền, chị chọn phương án tiết kiệm và an toàn hơn: “Những thực phẩm như đồ ăn, sữa, hoa quả... cần đảm bảo tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, không ham rẻ mua đồ giảm giá hay kém tươi hơn nhưng cũng không cần thiết phải “sính ngoại”, lựa chọn đồ nhập khẩu hay organic khi điều kiện kinh tế còn chưa quá dư dả.
Nếu gia đình nào có ông bà ở quê, có thể nhờ ông bà mua đồ ở quê gửi lên hay tận dụng rau sạch trong vườn của ông bà, vừa đảm bảo an toàn, vừa kinh tế. Còn nếu không thì mình nghĩ đồ tươi ở chợ hay siêu thị được mua về tự chế biến cũng là khá an toàn đối với các em bé", chị nói.

Về sữa và bỉm – hai khoản chi không nhỏ trong giai đoạn đầu đời của trẻ - chị Trang lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ và dặm sữa tươi sau khi con qua 1 tuổi. Điều này vừa giúp giảm bớt chi phí, vừa giúp con có thể bổ sung thêm dinh dưỡng từ nhiều nguồn thực phẩm phong phú hơn. Vì qua giai đoạn 1 tuổi, các bạn nhỏ đã không còn nạp dinh dưỡng chính từ sữa nữa.
Còn đối với bỉm, chị Trang chia sẻ kinh nghiệm: săn sale, mua combo lớn để tiết kiệm và cai bỉm ban ngày sớm cho bé. "Bỉm thì nên chọn loại bỉm chất liệu tốt, thấm hút tốt để bảo vệ làn da mỏng manh của em bé, tránh bị hăm hay các vấn đề khác phát sinh còn tốn tiền chữa hơn. Tuy nhiên, có thể tiết kiệm bằng cách mua combo hoặc săn sale vào những ngày giảm giá trên shoppee.
Khi bé tầm 2 tuổi mình cai bỉm ban ngày cho con nên cũng có thể tiết kiệm được 1 khoản. Hiện còn mình vẫn còn dùng bỉm đêm vì uống sữa buổi tối và mình dự định sắp tới cũng sẽ tập cai bỉm đêm cho con", mẹ đảm Hà Nội nói.
Tăng đề kháng thay vì “vung tiền” chữa bệnh
“Mỗi lần con ốm là tốn một khoản không nhỏ”, chị Trang tâm sự. Vì vậy, chị chú trọng xây dựng nền tảng sức khỏe cho con từ sớm bằng cách khuyến khích vận động ngoài trời, ăn uống đa dạng và sử dụng thảo dược khi con mới chớm bệnh.
"Mình thường cho con chơi ở không gian ngoài trời nhiều hơn để thích nghi với điều kiện thời tiết, bổ sung thực phẩm phong phú, đa dạng... các bạn nhỏ nhà mình trộm vía ít ốm vặt nên mình cũng tiết kiệm được về khoản chi phí khám chữa bệnh. Nếu có ốm nhẹ như viêm họng, ho, sổ mũi... mình thường cho con sử dụng các loại siro thảo dược (mua hoặc tự làm từ húng chanh, hẹ, diếp cá...) ngay từ khi mới chớm có biểu hiện nên cũng giúp con hạn chế việc phải sử dụng thuốc kháng sinh", chị bộc bạch.

Bên cạnh đó, gia đình chị cũng lựa chọn mua bảo hiểm sức khỏe cho con để đề phòng trường hợp phải nhập viện. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc cẩn thận, các bé nhà chị ít khi phải dùng đến. Bên cạnh đó, chị còn khuyến khích các bậc phụ huynh tiêm chủng cho con để hạn chế nguy cơ mắc những bệnh lây nhiễm.
"Chi phí dành cho việc tiêm chủng cũng khá cao, nếu như tiêm tất cả các mũi dịch vụ đầy đủ sẽ mất khoảng hơn 20 triệu cho một em bé cho những năm đầu đời. Vì vậy, nếu muốn tiết kiệm hơn, các bố mẹ có thể chọn tiêm miễn phí tại phường với những mũi tiêm phổ cập và chỉ tiêm dịch vụ cho những mũi tiêm chủng mở rộng, có mất phí", chị tâm sự.
Không chạy theo hàng hiệu: Tiết kiệm từ quần áo và đồ chơi
Không “đầu tư” quá nhiều vào quần áo hay phụ kiện đắt tiền, chị Trang chọn mua những bộ đồ đơn giản, dễ vận động, phù hợp với tính cách hiếu động của trẻ nhỏ.
“Mình chỉ mua vài ba bộ đẹp đẹp để con có thể mặc vào những dịp trang trọng hơn như đi chơi hay tham gia sự kiện gì đó. Ngoài ra, mình cũng không ngại xin lại đồ cũ và cho con mặc lại quần áo của anh chị em họ hay con của bạn bè thân thiết. Trẻ con lớn rất nhanh nên mình thấy việc đầu tư quá nhiều vào trang phục cho con là khá lãng phí và không cần thiết”, mẹ đảm Hà Nội tâm sự.
Đồ chơi cũng được chị lựa chọn có chọn lọc. Những món có tính giáo dục cao như sách và LEGO được ưu tiên, còn các đồ chơi khác chỉ xuất hiện vào dịp đặc biệt như sinh nhật hay Tết thiếu nhi.
Đầu tư vào giáo dục và trải nghiệm thực tế
Khoản chi lớn nhất của gia đình chị Trang lại nằm ở giáo dục. Hai bé nhà chị đều theo học trường tư để được tiếp cận chương trình chất lượng, đặc biệt là tiếng Anh và các kỹ năng mềm.
“Mình chấp nhận cắt giảm chi tiêu ở những khoản khác để đầu tư cho việc học của con. Đó là khoản đầu tư lâu dài, mình nghĩ là xứng đáng. Cho con học trường tư mình không phải mất thời gian đưa đón con đi học thêm ngoài, không phải chi nhiều tiền quà cáp cho thầy cô những dịp lễ tết, con cũng nhận được sự giáo dục tốt cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Đặc biệt về chương trình tiếng Anh thì thời lượng học tập nhiều hơn trường công nên sẽ không mất nhiều thời gian để học thêm bên ngoài", chị kể.
Ngoài học chính khóa, chị còn cho con theo học năng khiếu như đàn, vẽ, múa và ưu tiên các hoạt động trải nghiệm thực tế: từ thăm làng nghề, dã ngoại ngoại thành cho đến những chuyến du lịch kiểu “trải nghiệm” thay vì nghỉ dưỡng xa hoa.

Gia đình chị ưu tiên cho các con đi chơi trải nghiệm ngoài không gian tự nhiên hơn là đi trung tâm thương mại và đến các khu vui chơi dành cho trẻ nhỏ. Số lần đi chơi ở trung tâm thương mại hay các khu vui chơi trong nhà của hai bạn nhỏ nhà chị khá ít vì cả 2 vợ chồng đều không thích nơi ồn ào, náo nhiệt.
Thay vào đó, gia đình chị ưu tiên cho các bé trải nghiệm thiên nhiên, đi chơi cuối tuần ở công viên, bảo tàng hay thăm thú các địa điểm ở ngoại thành.... Vì vậy, các bạn nhỏ nhà chị rất yêu thiên nhiên, yêu côn trùng, sinh vật xung quanh và cũng có sự hiểu biết nhất định về môi trường sống...
Về du lịch, chị Trang tâm sự: "Trước đây các bạn nhỏ còn bé, gia đình mình cũng ưu tiên đi du lịch kiểu nghỉ dưỡng, ở những nơi có đầy đủ dịch vụ tiện nghi một chút. Tuy nhiên, khi các bạn lớn hơn, gia đình mình ưu tiên du lịch kiểu trải nghiệm nhiều hơn. Tức là không cần phải đi nghỉ ở những nơi nghỉ dưỡng sang chảnh, đắt tiền mà mình cho con đi du lịch theo đoàn, trải nghiệm ở những làng nghề, làng quê để tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa...
Nơi ở không quá sang chảnh, đắt tiền, chỉ cần đủ an toàn và những tiện nghi cần thiết vừa đủ. Mình nhận ra qua mỗi chuyến đi như vậy, con trưởng thành hơn bằng cách quan sát, học hỏi và trải nghiệm thực tế".
Với chị Trang, tiết kiệm không đồng nghĩa với sự tằn tiện quá mức. Đó là cách phân bổ chi tiêu thông minh, để dù không dư dả, con vẫn có được những trải nghiệm tuổi thơ trọn vẹn. “Nuôi con là hành trình dài. Nếu biết chi tiêu hợp lý từ sớm, cha mẹ sẽ có thể để dành được một khoản cho tương lai của con, hoặc ít nhất cũng giúp con vững vàng hơn sau này", mẹ đảm Hà Nội tâm sự.