Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 25/07/2024, 15:13 (GMT+7)

'Bát nháo' cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, Bộ Y tế chỉ đạo 'nóng'

Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, không đủ điều kiện vẫn hoạt động “chui”, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và ngành Y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Đây là chỉ đạo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn thời gian qua, Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý Khám chữa bệnh thông tin.

Hoạt động thẩm mỹ “chui” trong khách sạn, nhà trọ

Thông tin tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân TPHCM diễn ra vào ngày 11/7/2023, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ, trong đó có 598 cơ sở do Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố thẩm định, cấp phép hoạt động.

Ông Thượng cho hay, TPHCM hiện có 20 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 15 bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 257 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 306 phòng khám chuyên khoa da liễu có dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, có đến 6.489 cơ sở (chiếm 85%) bao gồm các dịch vụ chăm sóc da, phun xăm thêu thẩm mỹ, dịch vụ gội đầu làm móng... do UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các cơ sở này hoạt động không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định, cấp phép.

Do những cơ sở này không thuộc thẩm quyền thẩm định và cấp phép của Sở Y tế TPHCM nên không quản lý được các hoạt động chuyên môn liên quan. Đây là thách thức không nhỏ bởi thời gian qua, nhiều cơ sở quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng và quảng cáo trái phép trên mạng xã hội, rất dễ gây hiểu nhầm cho người dân. Cùng đó, hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ này chưa thật sự được quan tâm, chú trọng đúng mức.

pttm
"Bát nháo" cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, Bộ Y tế chỉ đạo “nóng”. Ảnh minh họa: Internet.

Ngoài ra, theo ông Tăng Chí Thượng, các cơ sở thẩm mỹ “chui” ngày càng trở nên tinh vi hơn khi né tránh các cơ quan quản lý Nhà nước bằng cách thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trong khu dân cư, nhà trọ, khách sạn..., hậu quả là đã gây ra những tai biến y khoa đáng tiếc. Điển hình là một trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ “chui” tại một khách sạn trên địa bàn TPHCM xảy ra vào ngày 27/6/2023.

Cụ thể, trước đó, ngày 27/6/2023, Sở Y tế TPHCM nhận được báo cáo nhanh từ Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh về một trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Bệnh nhân là một phụ nữ (sinh năm 1996, cư trú tại Cà Mau), sau khi tiêm dung dịch nâng ngực, người bệnh rơi vào tình trạng tím tái, mạch, huyết áp bằng 0 và tử vong sau đó. Thông tin ban đầu cho biết, nạn nhân thực hiện thẩm mỹ nâng ngực tại một khách sạn trên địa bàn quận 10 do một nhân viên cơ sở thẩm mỹ tại tỉnh Cà Mau lên TPHCM thực hiện trong khách sạn.

Mặt khác, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, người dân cần lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ bằng cách tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/. Tại đây, sẽ có thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Đồng thời, tham khảo điểm đánh giá chất lượng của các cơ sở thẩm mỹ. Lưu ý, không nên lựa chọn cơ sở làm đẹp chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như: “Thẩm mỹ viện”, “Viện thẩm mỹ”...

Xử lý nghiêm cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, hoạt động “chui”

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đơn vị nhận được thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn. Theo phản ánh, có nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động “chui”, không ít cơ sở làm đẹp đã mạo danh các bệnh viện lớn lừa dối khách hàng và nhiều người đã là nạn nhân của các cơ sở mạo danh này (đối với các tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ như: “Thẩm mỹ viện”, “Viện thẩm mỹ”, “Trung tâm thẩm mỹ”…).

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm tra, xác minh trên địa phương thuộc Sở Y tế quản lý đối với phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trên.

Song song đó, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, không đủ điều kiện vẫn hoạt động “chui”, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và ngành Y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân; đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 15/11/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Mặt khác, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám chữa bệnh khi có kết quả để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế và trả lời cho báo chí.

Điều kiện cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được phép hoạt động?

Theo quy định tại khoản 13 Điều 22 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh, thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thuộc hình thức cơ sở dịch vụ y tế.

Theo đó, điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được quy định tại Điều 37 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, quy định các hoạt động cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được thực hiện là hoạt động xăm, phun, thêu trên da và không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Ngoài ra, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

Về cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có địa điểm cố định, bảo đảm các điều kiện vệ sinh. Về thiết bị, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vị hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Về nhân sự, người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Mặc dù theo quy định pháp luật, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng chủ cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vẫn phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ nêu trên theo mẫu quy định, gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không được thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Các hoạt động trên chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp cơ sở dịch vụ thẩm mỹ cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định, thì sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng theo khoản 6 Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. 

Cùng chuyên mục