Cơ sở thẩm mỹ “núp bóng” thương hiệu bệnh viện quảng cáo láo?
Cơ sở thẩm mỹ CCI Beauty “mượn” địa chỉ các bệnh viện quảng cáo trái phép các dịch vụ thẩm mỹ nâng ngực, nâng mông, nâng mũi, hút mỡ tạo hình thành bụng...
Mạo danh thương hiệu bệnh viện, vi phạm Luật Quảng cáo
Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TPHCM vừa phát hiện, xử lý một cơ sở thẩm mỹ mang tên “Viện thẩm mỹ quốc tế CCI Beauty Center” quảng cáo nâng ngực, nâng mông, nâng mũi, hút mỡ tạo hình thành bụng… tại địa chỉ website: ccibeauty.vn, Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TPHCM thông tin.
Theo đó, qua rà soát, tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TPHCM phát hiện trang website nêu trên có đăng tải nội dung quảng cáo về các dịch vụ thẩm mỹ sử dụng “công nghệ tế bào máu gốc CD34+” cùng hình ảnh các bác sĩ thực hiện dịch vụ thẩm mỹ và các video clip tư vấn kiểu “người thật, việc thật”.
Bên cạnh đó, tại trang website này còn giới thiệu cơ sở tên “CCI Beauty” hoạt động tại 4 địa chỉ gồm: 61 Vũ Thạnh (Đống Đa, Hà Nội); MG1 - 21 Vincom (TP Thanh Hóa); và 2 cơ sở ở TPHCM tại 69 Hoàng Trọng Mậu (D1), Khu đô thị Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7 và 781 C9 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thực tế tại địa chỉ số 69 Hoàng Trọng Mậu (D1), Khu đô thị Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở có treo biển hiệu tại mặt tiền căn nhà 4 tầng mang tên “Viện thẩm mỹ Quốc tế CCI Beauty Center” cùng slogan “Niềm tin của phái đẹp” và một tấm bảng nhỏ gắn bên dưới ghi “Phòng khám chuyên khoa da liễu thuộc Công ty CP Viện thẩm mỹ CCI Group”.
Tiếp tục kiểm tra tại địa chỉ 781 C9 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10 (theo website là cơ sở 2 của CCI Beauty tại TPHCM) thì đây lại là trụ sở của Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn.
Sở Y tế TPHCM cho biết, tại thời điểm kiểm tra, “Viện thẩm mỹ Quốc tế CCI Beauty Center” và Phòng khám chuyên khoa da liễu tại quận 7 không có bác sĩ đang làm việc, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật không có mặt và không có nhân viên nào có chứng chỉ hành nghề. Sau đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đã đến tiếp đoàn kiểm tra cùng với bà V.T.U là quản lý cơ sở.
Tại buổi làm việc, đại diện cơ sở thẩm mỹ đã cung cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế TPHCM cấp ngày 22/2/2024 cho Phòng khám chuyên khoa da liễu thuộc Công ty CP Viện thẩm mỹ CCI Group, do ông P.T.T. là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, phòng khám này chưa được cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt danh mục kỹ thuật và xác nhận nội dung quảng cáo.
Cùng với đó, đại diện cơ sở thẩm mỹ cũng không cung cấp được giấy tờ pháp lý đối với tên gọi xuất hiện trên bảng hiệu chính “Viện thẩm mỹ Quốc tế CCI Beauty Center”.
Theo tường trình của bà V.T.U. - quản lý cơ sở, trước đây CCI Beauty dự kiến hợp tác phẫu thuật thẩm mỹ với Bệnh viện Korean Star - Sao Hàn nhưng việc tiếp nhận bệnh nhân có vấn đề nên đã rút hợp tác nhưng chưa rút địa chỉ Bệnh viện Sao Hàn xuống nên địa chỉ này vẫn tồn tại trên website.
Trong khi đó, khi được mời làm việc với Thanh tra Sở Y tế TPHCM, ông N.T.T., Giám đốc điều hành Bệnh viện chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn khẳng định, qua rà soát hồ sơ, bệnh viện không ký hợp đồng hợp tác với cơ sở nào có tên CCI Beauty tại địa chỉ số 69 Hoàng Trọng Mậu (D1), Khu đô thị Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7.
Đáng chú ý, khi kiểm tra trên internet thêm một địa chỉ khác được quảng cáo là cơ sở của CCI Beauty tại Hà Nội thì địa chỉ 61 Vũ Thạnh, Đống Đa, Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện đây lại là trụ sở của Bệnh viện Đa khoa Hà Thành.
Sau khi bị Sở Y tế TPHCM “tuýt còi” vi phạm về quảng cáo, ghi nhận tại địa chỉ website: https://ccibeauty.vn/ ngày 23/4 cho thấy, khi truy cập vào trang website này hiện thông báo: “Ccibeauty giúp bạn trở thành phiên bản hoàn hảo nhất. Hệ thống đang trong quá trình nâng cấp bảo trì, xin vui lòng truy cập lại sau!”.
Cơ quan chức năng khuyến cáo gì?
Sau khi xác định rõ các vi phạm, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu Phòng khám chuyên khoa da liễu thuộc Công ty CP Viện thẩm mỹ CCI Group và “Viện thẩm mỹ Quốc tế CCI Beauty Cente” ngưng ngay việc quảng cáo trái phép và tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo vi phạm. Các đơn vị này chỉ được hoạt động sau khi được phê duyệt danh mục kỹ thuật và chỉ được quảng cáo theo nội dung được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.
Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị Phòng Y tế quận 7 giám sát việc tiếp nhận bệnh nhân của cơ sở cho đến khi được phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Mặt khác, Thanh Tra Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp tục mời đại diện Phòng khám chuyên khoa da liễu thuộc Công ty CP Viện thẩm mỹ CCI Group đến làm việc nhằm làm rõ việc quảng cáo rầm rộ các dịch vụ thẩm mỹ “nâng ngực, nâng mông, nâng mũi, hút mỡ tạo hình thành bụng…” trên website https://ccibeauty.vn và các trang mạng xã hội để đưa bệnh nhân đến thực hiện tại phòng khám hay ở những cơ sở nào khác để xử lý nghiêm.
Từ trường hợp trên, Sở Y tế TPHCM nhận định, việc lợi dụng tâm lý một số người có nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và thường tin vào những quảng cáo trên mạng xã hội kiểu “người thật, việc thật” (nhanh, rẻ, đẹp, không đau, hiệu quả tức thì, công nghệ hiện đại...), một số cơ sở chăm sóc sắc đẹp (không phải y tế) đã núp bóng phòng khám chuyên khoa và quảng cáo trái phép để dẫn dắt người có nhu cầu đến thực hiện dịch vụ. Điều này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng dịch vụ.
Đồng thời, sự việc này cũng báo động hiện tượng một số cơ sở lấy địa chỉ của các bệnh viện khác “biến” thành cơ sở của mình để quảng cáo trên mạng khiến người tiêu dùng dễ lầm tưởng đây là một hệ thống lớn, trải dài từ Nam chí Bắc, tạo sự tin cậy “ảo” cho người có nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM cũng kêu gọi người dân cảnh giác với thông tin quảng cáo dịch vụ y tế không đáng tin cậy trên mạng xã hội. Khi phát hiện các quảng cáo trái phép, sai sự thật, có dấu hiệu giả mạo, cố tình gây nhầm lẫn trong lĩnh vực y tế, người dân có thể gọi ngay cho đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc tải thông tin lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế kịp thời nắm bắt, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Quảng cáo sai sự thật bị xử phạt thế nào?
Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 liệt kê 16 hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó khoản 9, Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 đã quy định quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo gian dối, không đúng sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5, Điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51; điểm b khoản 4 Điều 52; khoản 1, Điều 60; điểm c khoản 1 Điều 61, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.
Trường hợp cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo gian dối mà còn vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197, Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau:
Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.