Thứ tư, 08/05/2024, 14:43 (GMT+7)

Một phụ nữ tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ, TPHCM chỉ đạo nóng

Sở Y tế TPHCM yêu cầu xác minh, làm rõ việc tuân thủ quy trình chuyên môn, quy định của ngành đối với bệnh viện, người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, cương quyết xử lý vi phạm.

Ngày 8/5, Sở Y tế TPHCM thông tin vừa chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế vào cuộc vụ việc một trường hợp người bệnh trở nặng và nguy kịch sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng. Người bệnh này sau đó được chuyển sang Bệnh viện Quân Y 175 hồi sức tích cực nhưng không qua khỏi, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TPHCM.

Làm rõ chuyên môn hành nghề, xử lý nghiêm

Thông tin ban đầu, ngày 5/5/2024, sau khi người bệnh đã tử vong tại Bệnh viện Quân Y 175 thì Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (địa chỉ tại số 871, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7) mới báo cáo sự cố y khoa về Sở Y tế.

Cụ thể, trước đó, sáng ngày 27/3/2024, một người phụ nữ (sinh năm 1960) đến Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ gồm: Cắt da thừa mí mắt; hút mỡ bụng toàn phần; hút mỡ ở eo, đùi, cánh tay; tái tạo thành bụng phức tạp; cấy mỡ vùng mông và thay túi độn ngực hai bên. Sau phẫu thuật cùng ngày, tình trạng người phụ nữ tạm ổn định.

Đến ngày 29/3, người bệnh có dấu hiệu mệt, khó thở, huyết áp tụt, bệnh viện tiến hành hồi sức cấp cứu, hội chẩn toàn viện. Ngay sau đó người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 để cấp cứu.

Tại Bệnh viện Quân y 175, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân suy đa cơ quan nghi do phản vệ độ 3, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi do huyết khối sau phẫu thuật thẩm mỹ nhiều bộ phận. Nạn nhân được hồi sức tích cực bằng tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu liên tục, thay huyết tương, thở máy… Tuy nhiên, đến sáng ngày 3/5, bệnh nhân đã tử vong.

bv tan hung
Trụ sở Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng tại quận 7, TPHCM. Ảnh: Internet.

Ngay khi nhận được báo cáo về tai biến y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ, Sở Y tế TPHCM đã có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng và Bệnh viện Quân y 175 để nắm thêm các thông tin liên quan.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 tổ chức họp kiểm thảo tử vong theo quy định nhằm phân tích, đánh giá toàn bộ quá trình chẩn đoán, điều trị và cấp cứu người bệnh, giúp phát hiện ra những bất cập (nếu có) trong suốt quá trình chẩn đoán và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng.

Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế TPHCM giao Thanh tra Sở tiếp tục xác minh làm rõ việc tuân thủ các quy trình chuyên môn, quy định của ngành đối với bệnh viện và người thực hiện phẫu thuật, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Ê kíp phẫu thuật phải có chứng nhận đào tạo hồi sức cấp cứu tối thiểu 3 tháng

Cùng với việc chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế vào cuộc, Sở Y tế TPHCM yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố nghiêm túc phổ biến và nghiên cứu, vận dụng triển khai hiệu quả các khuyến cáo của hội đồng quản lý chất lượng khám, chữa bệnh liên quan đến an toàn người bệnh trong phẫu thuật.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các hoạt động an toàn người bệnh trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Đây là căn cứ để Sở Y tế TPHCM kiểm tra, đánh giá và công khai kết quả chất lượng đối với các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ để người dân chọn lựa khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.

Cụ thể, theo khuyến cáo đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ được ban hành ngày 26/4/2024, Sở Y tế TPHCM yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố tuân thủ quy định về nhân sự tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, đảm bảo tất cả nhân sự tham gia phải được đăng ký hành nghề theo quy định, có giấy phép hành nghề phù hợp.

Đáng chú ý, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật phải có giấy chứng nhận đào tạo liên tục về an toàn người bệnh trong phẫu thuật. Cùng đó, các thành viên trong ê kíp phẫu thuật đều được tập huấn về hồi sức ngưng tim, ngưng thở cơ bản, nâng cao hoặc chứng nhận đào tạo về hồi sức cấp cứu tối thiểu 3 tháng. Luôn đảm bảo người bệnh phải được phẫu thuật viên chính trực tiếp khám, tư vấn và thực hiện phẫu thuật. Không kết hợp cùng lúc các kỹ thuật ở vùng ngực, bụng, căng da mặt trong cùng một cuộc mổ.

Đảm bảo đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc phục vụ cho phẫu thuật, gây mê và hồi sức; đồng thời định kỳ kiểm định, bảo trì bảo đảm các máy móc, trang thiết bị phòng mổ theo đúng quy định. Luôn có máy khử rung sẵn sàng trong phòng mổ; vật liệu cấy ghép dùng cho người bệnh phải vô khuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Song song đó, thực hiện khám đánh giá tiền mê cho tất cả trường hợp trước phẫu thuật, cân nhắc thực hiện phẫu thuật khi người bệnh có bệnh lý đi kèm vì có nguy cơ cao xảy ra biến chứng. Thực hiện các giải pháp ngăn ngừa thuyên tắc do huyết khối trước, trong và sau phẫu thuật, đặc biệt lưu ý các trường hợp nguy cơ như béo phì, thời gian phẫu thuật kéo dài từ 3 giờ trở lên, người vừa ngồi lâu trên máy bay, tàu, ô tô từ 3 giờ trở lên. Chủ động các phương án cụ thể để kiểm soát đường thở đối với người bệnh có nguy cơ đặt nội khí quản khó.

Mặt khác, theo dõi người bệnh trong suốt quá trình vô cảm, phẫu thuật và hồi tỉnh phải được thực hiện bởi bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê - hồi sức để xử trí kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường. Các bác sĩ, điều dưỡng đều phải được tập huấn về hồi sức cấp cứu, ít nhất phải có kỹ năng hồi sức ngưng tim ngưng thở cơ bản và xử trí phản vệ. Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn liên quan đến thủ thuật, phẫu thuật. Định kỳ tổ chức diễn tập các tình huống cấp cứu để có thể xử trí thuần thục khi có tình huống cấp cứu trên thực tế...

Cùng chuyên mục