Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 18/07/2024, 10:37 (GMT+7)

Sản xuất mỹ phẩm khi chưa đủ điều kiện, Công ty Hưng Việt lĩnh phạt nặng

Sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ và ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa là những hành vi vi phạm của Công ty CP đầu tư và thương mại Hưng Việt và đã bị xử phạt gần 91 triệu đồng.

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội thông tin, Thanh tra Sở vừa ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở hành nghề dược tư nhân và 5 cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm (từ ngày 1 - 12/7), với tổng số tiền xử phạt hơn 247,2 triệu đồng.

Cụ thể, trong danh sách xử phạt trên, đáng chú ý có Công ty CP đầu tư và thương mại Hưng Việt (địa chỉ tại số nhà 19, ngõ 193/15 phố Cầu Cốc, tổ dân phố Hạnh, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đã có hành vi vi phạm sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn vi phạm buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ và ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Do đó, với các hành vi vi phạm này, Công ty CP đầu tư và thương mại Hưng Việt đã bị xử phạt hành chính gần 91 triệu đồng.

sxmypham
Ảnh minh họa.

Tiếp đó, với lỗi không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật, quầy thuốc Khánh Huyền (Thái Phú, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) bị xử phạt vi phạm hành chính mức 7,5 triệu đồng.

Cùng mắc lỗi không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật, 3 công ty dược phẩm bị xử phạt vi phạm cùng mức 15 triệu đồng/doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Dược phẩm và Thiết bị y tế Chìa Khóa Vàng (địa chỉ số 28 ngõ 211, tổ 43, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân); Công ty TNHH thương mại dược phẩm TH Pharma (số 17, tổ 68, khu dân cư 14, phố Tân Mai, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) và Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Phú An (địa chỉ số 55 Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm).

Tương tự, cũng mắc lỗi như 3 công ty dược phẩm nêu trên và có thêm hành vi vi phạm không niêm yết giá bán buôn tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược, Công ty CP thương mại và Dược phẩm Kim Long (địa chỉ số 33, ngõ 132 Hoa Bằng, tổ 9, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 19 triệu đồng.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, Công ty TNHH sản xuất nước sạch Hà Nội (xóm 2 La Tinh, xã Đông La, huyện Hoài Đức) bị xử phạt 4 triệu đồng. Cùng đó, Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Ba Miền (xóm Thượng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) bị xử phạt 12 triệu đồng do hành vi vi phạm khu vực chiết rót nước uống đóng chai không kín.

Đặc biệt, Công ty TNHH Happy Food Catering (địa chỉ tại lô 4, khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) bị xử phạt 32 triệu đồng do nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không đảm bảo ngăn ngừa ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn.

Trong khi đó, với các hành vi vi phạm như: Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc và quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng, Công ty CP sản xuất Goldsengsu Hàn Việt (địa chỉ tại thôn Mục Uyên 2, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất) bị xử phạt 37 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất cần đáp ứng điều kiện gì để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm?

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 93/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 13 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP), tổ chức, cá nhân muốn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng được các điều kiện sau:

Thứ nhất, điều kiện về nhân sự: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.

Thứ hai là điều kiện về cơ sở vật chất bao gồm: Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

Thứ ba, có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu sau: Nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất. Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm; có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm;

Bên cạnh đó, khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 93/2016/NĐ-CP cũng quy định trình tự cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Theo đó, trước khi tiến hành sản xuất, cơ sở sản xuất mỹ phẩm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm tới Sở Y tế. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và phí thẩm định theo quy định, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra cơ sở sản xuất, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; trường hợp không cấp giấy chứng nhận hoặc yêu cầu cơ sở thay đổi, khắc phục, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cùng chuyên mục