Thứ hai, 01/07/2024, 10:49 (GMT+7)

Vì sao chi phí khám bệnh BHYT gia tăng bất thường, Hà Nội tăng trên 23%? 

6 tháng đầu năm 2024, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của Hà Nội đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Hà Nội có hơn 8 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 94,3% dân số

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, số liệu ước tính hết tháng 6/2024, tỷ lệ bao phủ của Bảo hiểm y tế Hà Nội đạt 94,33% dân số, tăng 0,78% so với cuối năm 2023. Số người tham gia (BHYT) là 8.051.149 người, tăng 62.317 người, theo An ninh Thủ đô.

Hiện nay, BHXH TP Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế với 187 cơ sở. Tính đến cuối tháng 5, toàn thành phố phát sinh gần 5 triệu lượt khám chữa bệnh, trong đó số ngoại trú lên tới trên 4,2 triệu lượt.

Nhiều bệnh nhân có cơ hội hồi sinh, kéo dài sự sống nhờ Quỹ Bảo hiểm y tế. Đơn cử có thể kể đến trường hợp bệnh nhân N.Đ.L (trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai cùng lúc nhiều loại bệnh; bệnh nhân L.N.N (trú tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Nhi trung ương... với bệnh tích lũy glycogen, bệnh Pompe, viêm họng cấp...

Hình ảnh 83

Không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT sinh sống, học tập, làm việc tại Thủ đô, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội còn chi trả viện phí cho bệnh nhân chuyển tuyến từ nơi khác đến. Mới đây, ngày 27/6 Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ xuất viện cho ca bệnh hiếm đối với bệnh nhân N.Q.T, đến từ tỉnh Thanh Hóa. Bệnh nhân này mắc bệnh Pemphigus á u, một loại bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ ghi nhận trên thế giới dưới 1/1.000.000 người. Bệnh nhân N.Q.T đã được BHXH thành phố Hà Nội chi trả tiền viện phí với số tiền 688 triệu đồng.

Trước đó, BHXH thành phố Hà Nội đã chi trả hơn 3 tỷ đồng chi phí điều trị cho một số bệnh nhân BHYT từ địa phương khác đến. Đó là bệnh nhân T.M.Đ, đến từ huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang); bệnh nhân N.P.A đến từ thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương)..., cùng điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Cùng với số người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng đáng kể nên số thu BHXH, BHYT, BHTN của thành phố ước hết tháng 6/2024 đạt 33.500 tỷ đồng, tăng gần 5.140 tỷ đồng (tương đương tăng 18,16% so với cùng kỳ năm 2023).

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, ổn định nguồn quỹ

Thực tế này đặt ra yêu cầu, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội phải vừa bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, vừa duy trì sự phát triển an toàn, ổn định của nguồn quỹ.

Với mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT, thành phố Hà Nội yêu cầu, các cơ sở chỉ định thuốc, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật đối với bệnh nhân BHYT đúng quy định, quy trình chuyên môn; tập trung khám, chữa bệnh theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được. Đặc biệt, tuyến y tế cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân...

Riêng các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về BHYT, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về nội dung này. Căn cứ vào kết quả thanh tra, lực lượng chức năng yêu cầu thu hồi về Quỹ BHYT những khoản chi sai.

Hàng tháng, BHXH thành phố tập trung phân tích dữ liệu trên hệ thống giám định BHYT, qua đó có thể phát hiện sớm những vi phạm, từ chối thanh toán những chi phí không đúng.

Về dược, vật tư y tế, khi phát hiện một số loại thuốc có giá cao so với mặt bằng chung, BHXH thành phố đã thông tin trực tiếp tới lãnh đạo và trưởng khoa dược của các cơ sở khám, chữa bệnh để yêu cầu rà soát, làm rõ. Ngành cũng cảnh báo các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT sử dụng thuốc biệt dược gốc theo đúng quy định, tránh lạm dụng thuốc, dẫn đến lãng phí...

Giải pháp khác được thành phố Hà Nội triển khai là yêu cầu các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chứng từ, dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán, còn người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh BHYT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra những sai phạm liên quan...

Cùng chuyên mục