6 kiểu gia đình dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề
Áp lực đến từ gia đình khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng tâm lý lâu dài. Đặc biệt, nguy cơ mắc phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần, trầm cảm trong trẻ là rất lớn.
Gia đình là cơ sở để nuôi dưỡng tình cảm, tâm hồn và rèn luyện phẩm cách cho mỗi người. Để trẻ em được lớn lên lành mạnh, thể chất và tinh thần phát triển tích cực, việc xây dựng một mái ấm đầy yêu thương đặc biệt quan trọng.
Dưới đây là 6 kiểu gia đình dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực về tinh thần mà phụ huynh nên lưu tâm!
Gia đình thiếu tình cảm
Không ít những gia đình hiện đại đều có cuộc sống bận rộn, các thành viên ít có cơ hội gặp mặt, sinh hoạt cùng nhau nên tình cảm dễ nhạt phai và kém gắn bó. Đặc biệt, nhiều phụ huynh châu Á thường chỉ quan tâm con cái bằng hành động mà thiếu đi những lời yêu thương hằng ngày. Điều này dễ khiến trẻ hiểu sai rằng mình không được bố mẹ yêu và trân trọng.
Khi mối quan hệ trong gia đình khi không đủ sự sẻ chia, yêu thương sẽ khiến trẻ trở nên lạnh lùng, bất an và dễ rơi vào trầm cảm. Bởi vậy, phụ huynh hãy chú trọng bày tỏ tình cảm nhiều hơn bằng cả lời nói và hành động, dành thời gian để chia sẻ, lắng nghe con nhiều hơn.
Gia đình đặt điểm số, thành tích lên hàng đầu
"Con cái là niềm hy vọng của bố mẹ", bởi vậy nhiều phụ huynh thường đặt kỳ vọng rất lớn vào mỗi đứa con của mình.
Khi thấy con điểm kém, thành tích không xuất sắc, bố mẹ liền trách mắng hay thậm chí dùng bạo lực để dạy dỗ con chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến điểm số vô tình sẽ khiến trẻ trở nên căng thẳng, sợ hãi.
Việc thường xuyên bị trách mắng, thúc ép sẽ khiến trẻ hình thành nên suy nghĩ thua kém, có lỗi cùng những cảm xúc tiêu cực khác. Về lâu dài, trẻ dễ nhút nhát, sợ sệt hoặc rơi vào chứng trầm cảm, rối loạn lo âu.
Mỗi đứa trẻ đều có khả năng về tư duy khác nhau, bố mẹ không nên tạo áp lực chỉ vì con thua kém bạn bè. Thay vào đó, hãy nỗ lực khai thác những thế mạnh vốn có và tạo điều kiện để con được thoải mái tỏa sáng theo cách của mình.
Gia đình thưỡng xuyên cãi vã
Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra sự khác nhau giữa một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường đầy tình yêu thương (đứa trẻ A) với một đứa trẻ sống trong những trận cãi vã, xích mích (đứa trẻ B). Trong đó, đứa trẻ A khi lớn lên sẽ luôn cảm thấy tự tin, yêu thương bản thân và những người xung quanh; đứa trẻ B thì ngược lại, thường xuyên thấy mình kém cỏi, nhạy cảm và có xu hướng giải quyết mọi việc bằng câu từ nặng nề hay thậm chí là bạo lực.
Theo đó, mối quan hệ trong gia đình có ý nghĩa lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm và tính cách của con cái. Bố mẹ không cãi vã, to tiếng trước mặt con sẽ giúp con cảm thấy an toàn, hạnh phúc, tránh được những ảnh hưởng xấu đến tâm lý.
Gia đình luôn đòi hỏi con phải biết nghe lời
Trẻ em ngoan, biết nghe lời sẽ được người lớn quý mến. Tuy nhiên, nhà tâm lý học Piaget từng chỉ ra rằng, những đứa trẻ ngoan ngoãn và biết điều khi còn nhỏ thường gặp nhiều vấn đề về tâm lý khi lớn lên. Điều này được lý giải như sau: Việc luôn luôn vâng lời, nghe theo ý kiến của người lớn mà không thực sự cảm thấy thích thú về lâu dài sẽ tích tụ những áp bức. Những cảm xúc này sẽ không tự mất đi mà có thể bùng phát cực đoan ở một thời điểm bất kỳ.
Ngoài ra, chúng ta dễ dàng thấy được những đứa trẻ ngoan thường nhút nhát, kém tự tin và không có ý chí, suy nghĩ độc lập. Bởi vậy, đừng luôn đòi hỏi con cái phải biết nghe lời mà hãy hướng trẻ làm việc đúng sở thích, mong muốn nhưng vẫn trong khuôn khổ cho phép.
Gia đình tồn tại hành vi bạo hành con cái
Bạo hành trẻ em là hành vi phạm đạo đức và pháp luật cần phải loại bỏ trong gia đình. Việc trẻ bị bạo hành không chỉ gây ra những tổn thương về sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý.
Tất cả những hành động như chửi mắng, đánh đập, làm nhục,.. đều khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc, hình thành nên những rối loạn trong hành vi và ứng xử. Khi trưởng thành, trẻ sẽ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái sợ hãi hoặc trở nên vô cảm, dùng chính bạo lực để giải quyết vấn đề.
Gia đình luôn kiểm soát con quá mức
Nhiều phụ huynh thường nói rằng, con phải tự lập, tự chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm. Tuy nhiên, họ vẫn muốn ép con vào trong khuôn khổ do chính mình đặt ra chỉ vì muốn con được tốt hơn.
Việc luôn nằm trong khuôn khổ và sự kiểm soát quá mức của gia đình sẽ khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, bó buộc. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa phụ huynh với con cái bị tổn hại, đồng thời tâm lý, tính cách của trẻ cũng dễ phát triển sai lệch. Không ít trường hợp những đứa trẻ tự giải thoát cho mình bằng cách chống đối cực đoan, trả thù hay thậm chí đáng tiếc hơn là tự kết liễu cuộc sống.
Tương lai của một đứa trẻ phụ thuộc rất lớn bởi cách nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình. Bởi vậy, bố mẹ cần phải trang bị cho mình phương pháp dạy trẻ phù hợp, luôn yêu thương, sẻ chia và động viên mỗi khi trẻ cần.
- Giao tiếp cùng con: 7 câu nói gây tổn thương đến trẻ
- Cách điều trị bệnh còi xương ở trẻ chỉ với chế độ dinh dưỡng
- 9 thực phẩm giúp con bạn trở nên thông minh hơn