10 kỹ năng sống mà trẻ 13 tuổi nhất định phải nắm được
Theo các nhà tâm lý học, độ tuổi 9 đến 13 là thời kỳ chuyển giao của trẻ. Việc để trẻ nắm được các kỹ năng sống là cần thiết để trẻ phát triển độc lập trong giai đoạn này. Theo đó, cha mẹ cần giúp trẻ đạt được một số kỹ năng sống thiết yếu ở tuổi 13.
1. Làm việc nhà cơ bản
Trẻ có thể làm việc nhà từ rất sớm như rửa bát, cho quần áo vào máy giặt, đổ rác... Đến tuổi 13, trẻ cần biết là quần áo, rửa bát, gập chăn màn, dọn nhà tắm, phòng bếp, phòng khách... Cha mẹ cần yêu cầu rõ ràng, cụ thể từng nhiệm vụ phù hợp với thời gian biểu của trẻ nhằm khuyến khích trẻ làm việc nhà.
2. Nấu ăn
Trẻ 13 tuổi trẻ cần biết cách chuẩn bị một bữa ăn gia đình, nấu theo công thức đơn giản, sử dụng các dụng cụ trong phòng bếp. Một số món ăn mà trẻ ở độ tuổi này có thể thực hiện như: rán trứng, luộc rau, làm salad, nấu cơm…
3. Đi chợ
Mẹ nên đưa trẻ cùng đi chợ hoặc siêu thị để phát triển kỹ năng sống thiết yếu như lên thực đơn, viết danh sách đồ cần mua, mua sắm trong khoản tiền nhất định. Việc lựa chọn các sản phẩm cũng giúp trẻ biết cách đọc thông tin dinh dưỡng, hạn sử dụng trên sản phẩm để mua loại hàng tốt.
4. Vệ sinh cá nhân
Trẻ ở độ tuổi mầm non được học cách làm vệ sinh cá nhân đơn giản như đánh răng, thay quần áo, tự đi vệ sinh… Ở độ tuổi vào cấp 2, trẻ cần tự tắm rửa hằng ngày, chọn đúng quần áo đi học, đi chơi, khử mùi một số vật dụng…
5. Kỹ năng sơ cứu
Kỹ năng sơ cứu cơ bản sẽ giúp trẻ có thể tự sơ cứu khi bị thương và không có ai khác giúp đỡ. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ 4, 5 tuổi đã có thể ghi nhớ đúng số điện thoại khẩn cấp, kiểm tra hơi thở của một người, nhớ một số tư thế hồi phục trong sơ cấp cứu. Với trẻ lớn hơn, trẻ có thể học được cách cầm máu, sơ cứu vết bỏng và vết ong đốt.
6. Quản lý tiền bạc
Ngay từ nhỏ, cha mẹ cần dạy trẻ những kỹ năng sống về tài chính cơ bản từ việc học đếm, phân loại tờ tiền… Đến tuổi 13, trẻ cần biết giá trị của các vật dụng trong nhà, bắt đầu học cách tiêu tiền hợp lý và tiết kiệm tiền từ các khoản tiền tiêu vặt.
7. Quản lý thời gian
Quản lý thời gian là kỹ năng sống cực quan trọng. Cha mẹ có thể áp dụng dạy trẻ cách quản lý thời gian trong việc học tập và vui chơi. Chẳng hạn như: lên kế hoạch học tập, đặt ưu tiên và làm việc hiệu quả. Khuyến khích trẻ sử dụng một số công cụ để quản lý thời gian hiệu quả hơn như đồng hồ báo thức, lịch ghi chú. Trên hết, cha mẹ nên làm tấm gương tốt cho trẻ trong cách quản lý thời gian.
8. Các kỹ năng, chuẩn mực xã hội
Trẻ cần được dạy những kỹ năng ứng xử và giao tiếp ngay từ nhỏ. Khi lớn hơn, trẻ nhỏ cần biết cư xử lịch sự, tôn trọng mọi người… Đặc biệt. trong thời đại công nghệ số thì phép lịch sự trên mạng xã hội cũng quan trọng không kém.
9. Định vị phương hướng
Khi còn nhỏ, trẻ cần hiểu cách sử dụng các thiết bị định hướng, biết cách xem bản đồ. Đến tuổi 13 trẻ cần học cách nhớ phương hướng, xem các ký hiệu bản đồ và xác định đường.
10. Quản trị cảm xúc
Không chỉ trẻ tuổi 13 mà nhiều người lớn cũng thiếu kỹ năng chấp nhận và kiểm soát cảm xúc như tức giận, căng thẳng hay lo câu. 13 tuổi là độ tuổi dậy thì của trẻ nên không tránh khỏi những suy nghĩ muốn thành người lớn và chống đối nhiều hơn.
Cha mẹ cần bình tĩnh và kiên nhẫn trong giai đoạn này để hướng dẫn trẻ các kỹ năng quản trị cảm xúc gồm khả năng nhận biết cảm xúc, hiểu hoàn cảnh, quản lý tâm trạng và tìm kiếm giúp đỡ khi cần thiết…