Thứ sáu, 27/12/2024, 14:03 (GMT+7)

Vì sao nhiều cửa hàng mặt phố cho thuê lại đóng cửa dù sắp Tết?

Nhiều cửa hàng có vị trí đắc địa trên địa bàn TP.HCM trả mặt bằng, đóng cửa dù sắp đến Tết 2025.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết, đây là cơ hội để các cửa hàng thu lợi nhưng hàng loạt các cửa hàng thông báo đóng cửa trả mặt bằng. Một số nơi đóng cửa lâu đến nỗi biến thành nơi tập kết của những chiếc thùng rác, địa điểm buôn bán hàng rong.

01735271752.jpeg
Một mặt bằng tại đường Điện Biên Phủ đã trở thành điểm tập kết của những chiếc thùng rác.

Việc nhiều cửa hàng phải trả mặt bằng và đóng cửa không phải là chuyện quá xa lạ, mà đã xảy ra từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 và vẫn tiếp tục đến nay. Các tuyến đường trung tâm sầm uất ở TP.HCM như Nguyễn Huệ, Lê Lợi (quận 1), Võ Văn Tần (quận 3), Nguyễn Trãi (quận 5), Nguyễn Văn Linh (quận 7), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đang đối mặt với tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa hoặc tuy có người thuê nhưng vẫn không hoạt động được lâu dài.

Dọc con đường Hai Bà Trưng không khó để thấy những căn nhà đăng bảng cho thuê hoặc bán nhà. Ghi nhận tại đoạn đường giao giữa Điện Biên Phủ và Hai Bà Trưng chỉ dài khoãng 200m những có tận 3-4 tòa nhà cho thuê hoặc đóng cửa không kinh doanh. Đây đã trở thành mối lo ngại của thành phố khi tuyến đường này là tuyến đường sầm uất nối liền quận 1 và quận 3.

Anh Thanh Phong người dân sống ở gần đó chia sẻ, những căn nhà khu vực này lâu lâu vẫn có người thuê nhưng được vài tháng lại trả mặt bằng không kinh doanh nữa. Có lẽ vì kinh doanh ế ẩm mà chi phí thuê mặt bằng cao nên lỗ.

11735271790.png
Mặt bằng bỏ trống nhiều tháng liền vẫn chưa có người thuê
21735271807.jpeg
Nhiều mặt bằng liền kề nhau bị trả mặt bằng và không hoạt động

Trong bối cảnh giá mặt bằng tăng cao, nhiều hộ kinh doanh ở các khu vực trung tâm TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Chi phí thuê mặt bằng quá lớn đã trở thành gánh nặng, khiến các chủ cửa hàng không thể tiếp tục kinh doanh, dù họ đã cố gắng thích nghi.

Khi doanh thu không đủ để bù đắp chi phí, nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa, trả lại mặt bằng để giảm bớt thiệt hại. Đây là tình trạng phổ biến hiện nay, phản ánh sự khó khăn mà các hộ kinh doanh phải đối mặt khi chi phí vận hành ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế chưa ổn định.

31735283022.jpeg
Nhiều mặt bằng đóng cửa quá lâu khiến cảnh quan thành phố xuống cấp

Trong khi đó, kinh doanh online hiện nay đang trở thành một đối thủ nặng ký đối với các cửa hàng truyền thống. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, mua sắm trực tuyến mang lại nhiều tiện ích vượt trội như dễ dàng lựa chọn sản phẩm, so sánh giá cả và giao hàng tận nơi. Điều này đã thu hút một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là trong khi mọi người càng muốn tiết kiệm thời gian và chi phí.

Chính vì thế, nhiều cửa hàng truyền thống phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng thương mại điện tử, khiến không ít trong số họ phải thay đổi chiến lược hoặc thậm chí đóng cửa.

Một doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp quản lý cho ngành F&B đã công bố báo cáo ngành F&B Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, với những thông tin đáng chú ý. Báo cáo cho biết, ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, trong khi số lượng cửa hàng mới mở ra rất hạn chế. TP.HCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với số lượng cửa hàng giảm gần 6%, trong khi Hà Nội vẫn ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ 0,1%.

Điều này phản ánh tình hình khó khăn mà không chỉ doanh nghiệp trong ngành F&B mà tất cả các doanh nghiệp đều phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh giá mặt bằng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm và cạnh tranh từ các mô hình kinh doanh mới như trực tuyến.

Cùng chuyên mục