Giá thuê mặt bằng bán lẻ TP.HCM ở mức cao và đón nhiều 'gương mặt mới'
Theo Savills, thị trường bán lẻ khu trung tâm TP.HCM trong năm 2024 tiếp tục đón nhiều thương hiệu quốc tế mới góp mặt tại các dự án Trung tâm Thương mại (TTTM) đắc địa.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Cấp cao Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM cho rằng, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cho thấy sức hút của nền kinh tế trẻ quy mô 100 triệu dân với các thương hiệu ngành thời trang, đời sống và dịch vụ ăn uống.
Đáng nói, thị trường thời trang TP.HCM đang ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế đình đám.
Về đặc thù hoạt động của phân khúc mặt bằng bán lẻ hiện đại cho thuê, theo bà Quyền, đây là mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nhà vận hành TTTM (bên cho thuê) và các nhóm bán lẻ lớn (bên thuê) luôn liên tục làm mới trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
“Những vị trí đó hầu như không thay đổi bên thuê, chỉ là bên thuê thay thế bằng các nhãn hàng mới hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn mà họ vừa thu hút về được cho thị trường Việt Nam. Những thay đổi này cũng giúp làm mới diện mạo của TTTM và giữ chân người mua sắm. Dù cho là TTTM ở các quận trung tâm cũng phải luôn duy trì sự mới mẻ với những thương hiệu mới”, bà Quyên chia sẻ.
Theo quan sát của Savills, hiện nay có một vài thương hiệu muốn gia nhập TP.HCM nhưng vẫn gặp khó khăn do mặt bằng Quận 1 khan hiếm, thủ tục cấp giấy phép cần nhiều thời gian, vì vậy người tiêu dùng vẫn phải chờ thêm để thực sự thấy các cửa hàng mở cửa.
Phân tích về động lực chính cho việc gia nhập thị trường Việt Nam của các thương hiệu đó bà Quyên cho biết, Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, thị trường gần 100 triệu dân. Đặc biệt là các thành phố lớn có nhóm người tiêu dùng trẻ, nhạy bén với các xu hướng, mức sống ngày càng cao, nhu cầu hòa nhập và thể hiện bản thân lớn. Đây là những yếu tố giúp cho các nhãn hàng mua sắm và những dịch vụ ăn uống, vui chơi vẫn còn nhiều tiềm năng.
Theo đánh giá của Savills, giá thuê bán lẻ TP.HCM cao hàng đầu khu vực. Giá thuê mặt bằng tại các quận trung tâm hiện nay trung bình đắt gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với các quận bán trung tâm. Khi so với các thành phố khác, khoảng cách này lại còn lớn hơn nhiều.
Giá thuê của mặt bằng trung tâm dự kiến sẽ đi đều trong năm sau và vùng ven sẽ gặp nhiều khó khăn do nhóm khách thuê vẫn tập trung trong nhóm ngành nhu yếu phẩm, dịch vụ và ăn uống, trong khi đó các thương hiệu nhóm ngành thời trang và mua sắm thì sẽ chưa tự tin để mở các điểm bán hàng ở khu dân cư mới.
Báo cáo của bộ phận Nghiên cứu Savills chỉ ra, tính đến quý 3/2024, công suất thuê các dự án bán lẻ hiện đại tại TP.HCM được duy trì ở mức cao với 94%, tăng 0,5 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm. Theo Sở Công Thương TP.HCM ước tính, năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 11% theo năm. Chi tiêu tiêu dùng dự kiến tăng 7,6%.
Nguồn cung mới hạn chế, kết hợp với sức tiêu dùng mạnh mẽ, tình hình hoạt động của thị trường dự kiến sẽ duy trì tốt. Trong quý 4/2024, hơn 27.600 m2 sàn từ ba dự án ngoài trung tâm sẽ khai trương với công suất dự kiến đạt ít nhất 80%.