Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 05/08/2024, 05:21 (GMT+7)

Vì sao ngày càng có nhiều thương hiệu làm marketing trên Threads?

So với X (trước đây là Twitter), Threads mang đến những "hương vị" mới cho các marketer trong những chiến dịch trên mạng xã hội của mình.

Tháng 7 vừa qua là thời điểm tròn một năm Meta bất ngờ tung ra Threads, một mạng xã hội được thiết kế để cạnh tranh với X (trước đây là Twitter).

Cơn sốt ban đầu thu hút khoảng 70 triệu người dùng và hàng chục thương hiệu đến nền tảng này trogn 48 giờ đầu tiên có thể đã phai dần. Thế nhưng, với nhiều thương hiệu như Cinnabon, Calm hay Life360, Threads đang dần trở thành một mảnh ghép quan trọng trong chiến lược marketing trên mạng xã hội.

“Vì chúng tôi đã phát triển được một cộng đồng tuyệt vời trên Threads, mạng xã hội này đang trở thành một ưu tiên của chúng tôi”, Jane Hong, người đứng đầu mảng mạng xã hội tại Calm, chia sẻ. Ứng dụng sức khoẻ tinh thần này hiện đang có hơn 645.000 người theo dõi trên Threads.

gettyimages-1513200464
Threads là mạng xã hội được Meta tung ra nhằm cạnh tranh trực tiếp với X (trước đây là Twitter). (Ảnh: ZDNet).

“Tôi nghĩ điều đồng điệu nhất là giọng điệu thực sự mang tính con người mà chúng tôi dùng cho nội dung của mình. Chúng tôi chưa bao giờ muốn mình là một thương hiệu đang nói chuyện với bạn, chúng tôi muốn được cảm nhận như một người bạn đang tạo nội dung để bạn thưởng thức”, bà chia sẻ thêm.

Nhiều thương hiệu lớn đã lập tài khoản Threads vài giờ sau khi mạng xã hội này ra mắt như Wendy’s, American Eagle, Taco Bell, Ulta Beauty và Sour Patch Kids. Các thương hiệu này vẫn duy trì hiện diện đều đặc trên Threads trong suốt một năm qua. Hiện tại, họ thường đăng bài từ 2 đến 3 lần mỗi tuần trên Threads, chủ yếu là đăng lại/đăng chéo các nội dung đã chia sẻ trên X.

Một số thương hiệu lớn khác như Dunkin’ và Chili’s thì dường như đã bỏ Threads để trở lại với X sau khi thử nghiệm marketing trên mạng xã hội này vào mùa hè năm ngoái. Dunkin’ không chia sẻ thông tin trên Threads từ tháng 9/2023 còn bài đăng gần nhất trên Threads của Chili’s cũng đã là từ tháng 8 năm ngoái.

Ngược lại, một số thương hiệu, ví dụ như Tinder, hiện đăng vài bài trên Threads mỗi tuần và không chia sẻ gì trên X trong 3 tháng gần nhất.

Calm, cùng Cinnabon và Life360, hiện tập trung chiến lược Threads của mình vào việc xây dựng quan hệ gắn kết với thương hiệu thông qua kết hợp giữa quản lý cộng đồng toàn diện và các nội dung trò chuyện nhẹ nhàng, tự nhiên.

“Đây thực sự là cơ hội để khách hàng nhìn thấy chúng tôi như những con người đằng sau một thương hiệu”, Hannah Gregus, giám đốc mạng xã hội tại Cinnabon, nói.

Và vì Threads hiện chưa triển khai quảng cáo trả phí, quản trị cộng đồng và tạo ra các nội dung tự nhiên hấp dẫn là các công cụ duy nhất mà các marketer có thể sử dụng được trên mạng xã hội này, Nick Miaritis, giám đốc khách hàng tại VaynerMedia, nhận định. Ông nói thêm rằng điều này tạo ra một cuộc chơi công bằng cho các thương hiệu. “Bạn không thể trả tiền để được xuất hiện trước mọi người”.

Life360 vẫn tiếp tục chia sẻ nội dung trên X bên cạnh Threads. Dù vậy, bắt đầu từ khoảng 4 tháng trước, thương hiệu này bắt đầu coi X chỉ như một kênh để đăng lại các nội dung nổi bật trên Threads của mình thay vì ngược lại, bà Brittany Lamp, giám đốc cộng đồng, nội dung và thương hiệu của Life360, nói.

“Chúng tôi đã có mặt trên Twitter như một thương hiệu trong nhiều năm nhưng khôgn thấy được mức độ tương tác trên Twitter như trên Threads”, bà nói. Các bài đăng của Life360 trên Threads thường có hàng trăm và đôi khi hàng nghìn like, trong khi đó lượng like trên X thường chỉ đạt 1 chữ số. Life360 có 23.000 người theo dõi trên X và 38.000 người theo dõi trên Threads.

Trong năm qua, Threads đã tung ra thêm một số tính năng để giao điện người dùng có thể cạnh tranh tối hơn với X, ví dụ như tính năng chủ đề nổi bật hay hệ thống hashtag. X có khoảng 600 triệu người dùng hàng tháng ở thời điểm tháng 5. Trong khi đó, mới đây, Meta cho biết Threads đang tiến dần đến cột mốc 200 triệu người dùng.

Dù vậy, phần lớn trong số người dùng của Threads dường như không phải GenZ, nhóm khách hàng mà nhiều thương hiệu nhắm đến trên mạng xã hội. Theo một nghiên cứu của Ypulse, 29% nhóm người tham gia khảo sát từ 13 đến 39 tuổi sử dụng X, con số này của Threads là 9%. Tuy nhiên, nhóm người dùng thường dùng Threads và tương tác với thương hiệu là “nhóm độc giả tương tác cao”, bà Lamp nói.

Trên Threads, người dùng “dường như cởi mở với việc tương tác cùng các thương hiệu hơn”, bà chia sẻ thêm. “Threads và Twitter là hai nền tảng rất, rất khác nhau, và nhóm người theo dõi chúng tôi có trên Threads có vẻ có tính xã hội cao hơn. Họ nhảy vào phần bình luận và mang đến tỷ lệ đăng lại cao hơn”.

Calm cũng thường tham gia vào các “cuộc trò chuyện trực tiếp, 2 chiều với cộng đồng” trên Threads, bà Hong chia sẻ. Người theo dõi Calm thường tag thương hiệu này vào các chia sẻ trên Threads và mong đợi nhận được phản hồi.

Bên cạnh các đoạn văn bản đơn thuần, người dùng có thể tải ảnh, video và nhiều hình thức nội dung khác trên Threads, nhưng phần lớn (63%) các bài đăng trên Threads là văn bản đơn thuần. Đây cũng là nhóm nội dung mang lại hiệu quả tốt nhất với Cinnabon, Calm và Life360. Họ có thể đăng loại nội dung này vài lần mỗi ngày vì thời gian sản xuất chúng thấp hơn nhiều so với các video TikTok hay Instagram Reels.

Việc có thể đưa các nội dung nhanh chóng lên mạng xã hội của Threads khiến ba thương hiệu trên có xu hướng chọn Threads như một nền tảng để thử nghiệm nội dung mà sau đó họ có thể sử dụng lại trên Facebook, Instagram hay TikTok.

Dù vậy, các thương hiệu chưa quá hiểu về thuật toán của Threads. Mạng xã hội này cũng chưa có nhiều công cụ để các marketer đánh giá về hiệu quả của nội dung mà mình đăng tải cũng như hiểu thêm về nhóm người đang theo dõi/tương tác với thương hiệu của mình. Hồi tháng 6, Meta cho biết sẽ sớm công bố giao diện lập trình ứng dụng (API) của Threads cho các nhà lập trình. Bằng cách này, các thương hiệu có thể sẽ sớm có thêm thông tin mà mình cần trên Threads.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục