Thứ ba, 15/07/2025
logo
Cần biết

Thiếu sắt ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết sớm cha mẹ không nên bỏ qua

Hiền Bùi Thứ ba, 15/07/2025, 08:44 (GMT+7)

Thiếu sắt ở trẻ em có thể âm thầm ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, thể chất và khả năng miễn dịch của trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Bác sĩ cảnh báo: 4 nhóm người nên hạn chế ăn cà chua – đứng đầu là người mắc bệnh thận

Những thực phẩm giàu sắt giúp cơ thể bạn khỏe mạnh

3 loại thực phẩm tuyệt đối không nên ăn cùng đào: Sự kết hợp tưởng vô hại nhưng lại gây hại sức khỏe nghiêm trọng

Sắt là vi chất thiết yếu đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành hồng cầu, vận chuyển oxy và hỗ trợ phát triển trí não. Tuy nhiên, thiếu sắt ở trẻ em vẫn là một trong những vấn đề dinh dưỡng phổ biến và dễ bị bỏ qua, đặc biệt ở trẻ trong độ tuổi ăn dặm đến mầm non. Nhiều cha mẹ chủ quan vì chưa nhận ra những dấu hiệu thiếu sắt ở giai đoạn đầu, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Dễ nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường

Dấu hiệu thiếu sắt ở trẻ em không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy, đôi khi chỉ là những biểu hiện còn khá mơ hồ như mệt mỏi, hoặc chậm chạp, vận động kém hơn so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi… Trẻ có thể trở nên cáu gắt, mất tập trung, khi học tập, hay ngủ không sâu giấc.

Tình trạng da xanh xao – đặc biệt là ở lòng bàn tay, trên vành tai, bàn chân hoặc niêm mạc họng, rối loạn tiêu hóa hoặc sụt cân… đều là những biểu hiện đặc trưng của thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên, không phải lúc nào biểu hiện này cũng dễ nhận biết bằng mắt thường. Một số trẻ có thể gặp tình trạng chậm lớn, chậm biết đi, biết nói nếu để tình trạng thiếu sắt kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Một số hành vi bất thường

Một dấu hiệu đáng lưu ý khác là trẻ có hành vi ăn những thứ chất lạ như sơn, đất sét, chất bụi bẩn,… Điều này khiến trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, ngộ độc chì và gặp phải một số biến chứng khác. Đây là hội chứng Pica, thường liên quan đến thiếu sắt. Ngoài ra, trẻ thiếu sắt cũng có thể bị rụng tóc, viêm khóe miệng hoặc mắc một số bệnh lý nhiễm trùng, do hệ miễn dịch suy yếu.

Ở trẻ lớn hơn, việc giảm thành tích học tập, giảm khả năng tập trung, mệt mỏi thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu sắt nghiêm trọng mà không được phát hiện sớm.

Đối tượng có nguy cơ cao?

Trẻ sơ sinh sinh non, nhẹ cân hoặc trẻ không được cung cấp qua đường sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có nguy cơ cao bị thiếu sắt. Từ 6 – 24 tháng tuổi là giai đoạn trẻ phát triển nhanh, nhu cầu sắt cao, nhưng chế độ ăn nhiều khi chưa được đáp ứng đủ. Không bổ sung đủ các chất dinh dưỡng, nhất là sắt cho trẻ cũng dễ gặp tình trạng này.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoảng 30% trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam bị thiếu máu, chủ yếu do thiếu sắt – cho thấy đây là một vấn đề đáng báo động nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thiếu sắt ở trẻ em – Khi nào cần xét nghiệm?

Nếu nghi ngờ việc trẻ thiếu sắt, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được khám và chỉ định xét nghiệm máu cần thiết. Một số chỉ số như Hemoglobin (Hb), Ferritin huyết thanh MCV (thể tích trung bình hồng cầu) sẽ giúp xác định rõ tình trạng thiếu máu do thiếu sắt và mức độ nặng nhẹ.

Điều quan trọng là không nên tự ý bổ sung sắt cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ, vì thừa sắt cũng có thể gây hại cho bổ phận khác cơ thể như gan, tiêu hóa.

Cách phòng ngừa nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ

Để phòng ngừa tình trạng thiếu sắt ở trẻ em cần cung cấp đầy đủ chất sắt ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Sau khi sinh, lượng sắt mà trẻ hấp thu sẽ đến chủ yếu từ sữa mẹ. Vì vậy, trong khoảng thời gian cho con bú, các bà mẹ cần chú ý đến chế dộ dinh dưỡng thường ngày của mình để giúp trẻ nạp đủ lượng sắt cần thiết.

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể kết hợp sữa mẹ và ăn dặm hợp lý nhằm bổ sung nhu cầu sắt đầy đủ. Ở trẻ lớn hơn, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cũng cần đa dạng các loại thực phẩm dinh dưỡng chứa sắt có nguồn gốc từ động vật như thịt lợn, thịt bò, gan gà, sữa, trứng, cua, tôm, ốc, cá,… Hầu hết các loại thực phẩm này đều có nguồn chất sắt dồi dào với tỷ tệ hấp thu cao, hơn nữa đây cũng là nguồn cung cấp chất đạm tốt cho trẻ.

Trẻ cũng cần tích cực bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như sữa đậu nành, đậu phụ, đậu đen, đậu xanh, lạc hoặc vừng. Muốn trẻ hấp thu sắt tối ưu nhất, cha mẹ cần bổ sung thêm cho trẻ thực phẩm giàu vitamin C, bao gồm các loại quả như đu đủ, cam, chuối hoặc bưởi. Ngoài ra, các loại rau như rau muống, rau ngót, quả đậu, mồng tơi, cũng nên bổ sung để cơ thể nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Không chỉ chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, để phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ em, cha mẹ cũng cần cho con đi tẩy giun định kỳ. Ngoài ra, môi trường cũng như khâu vệ sinh ăn uống của trẻ cần thực hiện thận trọng nhằm phòng tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm giun móc.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, do chỉ số huyết sắc tố khi cần thiết cũng là cách quan trọng để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Thiếu sắt ở trẻ em có thể âm thầm nhưng lại gây hậu quả lớn nếu không được phát hiện và xử lý sớm. Việc cha mẹ nâng cao nhận thức về các dấu hiệu nhận biết thiếu sắt rất cần thiết để giúp con phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Một chế độ ăn hợp lý kết hợp khám định kỳ chính là “chìa khóa” để giữ gìn sức khỏe cho trẻ trong những năm tháng đầu đời.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục