Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 23/02/2024, 10:15 (GMT+7)

Vì sao cần vệ sinh tủ lạnh sau dịp Tết Nguyên đán?

Tủ lạnh là thiết bị chứa nhiều loại thực phẩm trong dịp Tết, và đây là thời điểm phù hợp để bạn vệ sinh tủ lạnh.

Vệ sinh tủ lạnh sau Tết rất quan trọng

Các gia đình vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 kéo dài nhiều ngày. Trong dịp này, tủ lạnh của các gia đình thường tích trữ nhiều thực phẩm mà có thể đến ngày Rằm thàng Giêng vẫn chưa sử dụng hết. Đủ các loại thực phẩm từ thịt cá, rau củ, trái cây, đồ hộp, chế biến sẵn, bánh chưng, giò chả và các món nấu sẵn… để trong tủ lạnh nhiều ngày khiến chúng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Để trữ lượng thực phẩm “đồ sộ” này, tủ lạnh cũng phải hoạt động hết công suất, cần được kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng.

tu lanh
Tủ lạnh đầy ắp thực phẩm mỗi dịp lễ Tết

Vì vậy, khi dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng kết thúc, khi lượng thực phẩm đã được giải quyết phần nào, bạn nên tiến hành vệ sinh tủ lạnh để đảm bảo thiết bị hoạt động được lâu bền, hiệu quả, ngăn chặn những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dùng.

Cách vệ sinh tủ lạnh tại nhà

Vệ sinh tủ lạnh là công việc đơn giản, mọi người đều có thể tự thực hiện tại nhà. Các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Ngắt điện tủ lạnh

Trước khi tiến hành vệ sinh tủ lạnh, bạn cần đảm bảo ngắt điện hoàn toàn vào thiết bị bằng việc rút điện hoặc ngắt cầu giao tủ lạnh. Việc này giúp đảm bảo an toàn cho người thực hiện công việc vệ sinh tủ lạnh, ngăn chặn tối đa trường hợp xảy ra chập điện nguy hiểm.

Bước 2: Lấy thực phẩm ra

tu lanh
Lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh để vệ sinh tủ

- Thực phẩm bên trong tủ lạnh có thể được lấy ra trước hoặc sau lúc ngắt điện thiết bị, tuỳ vào từng gia đình. Song dù lấy ra trước hay sau, người dùng cũng nên phân loại các loại thực phẩm.

- Để riêng thực phẩm sống – chín. Những loại đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu, quá hạn sử dụng cần bỏ đi. Các thực phẩm dễ hỏng ở nhiệt độ thường như sữa chua, váng sữa, đồ đông lạnh thì cần có phương án bảo quản bổ sung trong các hộp mát cạnh nhiệt hoặc trong các hộp chứa đá lạnh.

Bước thứ 3: Vệ sinh ngăn chứa

- Tiến hành tháo rời các khay, ngăn có thể tháo rời trong tủ lạnh ra và đem rửa chúng với xà phòng/nước rửa bát hoặc các dung dịch tẩy rửa phù hợp khác để vệ sinh kỹ càng hơn so với việc chỉ lau thông thường.

- Tráng sạch bằng nước và phơi khô trước khi lắp các khay, ngăn này về vị trí cũ trong tủ lạnh.

Bước 4: Vệ sinh mặt trong, ngoài tủ lạnh

- Sử dụng khăn vải mềm, thấm với các dung dịch tẩy rửa nhẹ để lau nhiều lần. Tốt nhất nên sử dụng các dung dịch tẩy rửa nhẹ, không chứa nhiều chất tẩy rửa hoá học hay cồn. Bạn cũng có thể dùng các nguyên liệu: giấm, chanh, baking soda hay các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng để đảm bảo an toàn với thực phẩm sau khi việc vệ sinh hoàn thành.

tu lanh
Vệ sinh tủ lạnh bằng khăn mềm

- Chú ý các ngóc ngách, khó quan sát khi vệ sinh vì đó là những vị trí dễ bị tích tụ chất bẩn nhất. Lâu ngày có thể tạo nên ổ vi khuẩn trong tủ lạnh.

- Lau lại mặt trong tủ lạnh lần cuối với một chiếc khăn mềm, ẩm, sạch khác. Mặt ngoài tủ lạnh thì có thể lau chùi nhẹ nhàng bằng chiếc khăn mềm riêng.

Bước 5: Cắm điện và cho tủ lạnh hoạt động lại

- Vệ sinh sạch sẽ xong thì cắm điện tủ lạnh lại để thiết bị hoạt động bình thường.

- Đợi 30 phút để khí lạnh được cung cấp đều bên trong thiết bị rồi cho thực phẩm vào tủ lạnh.

Theo các chuyên gia, tủ lạnh là thiết bị điện hoạt động liên tục 24/24. Tủ lạnh cũng luôn cần tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm khác nhau, trong đó có cả thực phẩm tươi sống. Vì vậy, bạn nên vệ sinh tủ lạnh khoảng 1-2 tháng/lần. Việc vệ sinh không chỉ giúp tủ lạnh sạch hơn mà còn giúp thiết bị hoạt động hiệu quả, tiết kiệm điện.

Cùng chuyên mục