Triển lãm "Rong chơi miền nhớ" của nhóm họa sĩ Ba Cái Bông
Ngày 23/8 đến ngày 29/8, nhóm họa sĩ Ba Cái Bông gồm Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào sẽ ra mắt công chúng hơn 60 tác phẩm trong triển lãm “Rong chơi miền nhớ” tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, quận 3, TP.HCM).
Theo 3 họa sĩ, lý do nhóm Ba Cái Bông lấy tên triển lãm “Rong chơi miền nhớ” là vì mỗi bông hoa là một thế giới, một màu sắc, một phong cách hội họa riêng. Với thông điệp đó và dựa trên tên thật, cũng như bút danh của mỗi họa sĩ, họ chọn tên nhóm là Ba Cái Bông - tương ứng với Đặng Thị Dương (hoa water lily), Liêu Nguyễn Hướng Dương (hoa hướng dương), Nguyễn Anh Đào (hoa anh đào).
Ở triển lãm này, Ba Cái Bông muốn gửi đến người thưởng lãm một chút hương sắc của mỗi tác giả bằng các tác phẩm hội họa, mà mỗi họa sĩ đều mang một màu sắc, một cá tính, một con đường hội họa riêng. Cho dù mỗi họa sĩ với phong cách vẽ khác nhau, nhưng luôn hiện diện trong tác phẩm của mình chính là tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống.
Triển lãm trưng bày hơn 60 tác phẩm của 3 họa sĩ, gồm các chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước... Các tác phẩm là thành quả của những chuyến đi giao lưu quốc tế Pháp, Ấn Độ, Mông Cổ... và trại sáng tác hàng năm ở Việt Nam do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức. Tại đây, họ cùng nhau trải nghiệm, vui chơi qua những miền đất và các nền văn hóa độc đáo.
Những bức tranh trong triển lãm được vẽ lại từ các nơi bộ ba đã đi qua, gợi thấy lại nhiều kỷ niệm đẹp về thiên nhiên 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, những mùa hoa, về thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn, phố cổ đặc sắc ở miền quê nước Pháp, rặng núi tuyết hùng vĩ ở Ấn Độ, cùng phong cảnh và con người tuyệt vời ở Việt Nam..., cũng như vẽ niềm vui, nỗi buồn, suy tư trăn trở về đời sống của mỗi cá nhân.
Họa sĩ - Nhà giáo Ưu tú - Thạc sĩ Nghệ thuật Ðặng Thị Dương
Trước 1975, họa sĩ Ðặng Thị Dương từng học Ðại học Luật khoa, Ðại học Văn khoa môn tiếng Pháp. Sau đó bà theo học Đại học Mỹ thuật TP.HCM khóa 1976-1982 chuyên khoa Sơn dầu, với sự hướng dẫn của các giảng viên như họa sĩ Văn Ðen, họa sĩ Trương thị Thịnh... Bạn cùng thời hầu hết đã thành danh, họ cùng góp phần làm nên diện mạo mỹ thuật phía Nam.
Họa sĩ – Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy nhận định: “Sở trường chất liệu sơn dầu, ngôn ngữ tạo hình trong tranh của chị có nét riêng rõ nét. Hình tượng trong tranh của chị không theo khuynh hướng hiện thực, ấn tượng, biểu tượng hay tả thực. Hình tượng trong tranh của chị từ con người, phong cảnh, con vật đều mang hơi thở hồn nhiên, ngộ nghĩnh giàu tính trang trí, nhí nhảnh và khoáng đạt”.
Còn họa sĩ Trần Thanh Cảnh chia sẻ: “Đây là cô giáo của tôi, như từ cổ tích bước ra, dịu hiền, duyên dáng từ đời sống đến các tác phẩm. Tạo hình trong tranh của cô có tính cách điệu cao, nhiều tính nhân hóa, có lẽ vì cô từng là Chủ nhiệm khoa Kiến thức cơ bản ở Ðại học Mỹ thuật TP.HCM”.
Theo họa sĩ Trần Thanh Cảnh, hành trình sáng tác của nữ họa sĩ Ðặng Thị Dương âm thầm như con suối mát, song song với sự nghiệp giáo dục mà cô đã dành trọn cuộc đời cống hiến. Các tác phẩm được sáng tác trong quá trình giảng dạy đã tham gia hơn trăm triển lãm trong và ngoài nước. Dòng suối sáng tạo về sau càng rộng dòng chảy khi họa sĩ có được khoảng không gian và thời gian cho tâm hồn nghệ sĩ của mình.
Họa sĩ Nguyễn Anh Đào
Nguyễn Anh Đào yêu thích hội họa từ bé. Học hết phổ thông, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Anh Đào đành rẽ lối học Sư phạm Mỹ thuật. Tình yêu hội họa đã thôi thúc cô sau đó, khi cô vừa đi dạy, vừa cắp cặp đến Hội Mỹ thuật TP.HCM học. Được người thầy đầu tiên là họa sĩ Lê Quang Luân tận tình chỉ dẫn, Anh Đào như được tiếp thêm sức sống.
Năm 2008, lần đầu tiên tranh của Anh Đào được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Cô cảm giác như chạm tay vào ước mơ của mình. “Lần đầu tiên tranh mình được treo tại triển lãm lớn, một không gian nghệ thuật thực thụ, được trân trọng và còn được người ta mua nữa. Cảm giác vui sướng, hạnh phúc lúc đó mình không thể nào quên được”, Anh Đào nhớ lại.
Năm 2011, niềm vui lớn khi cô chính thức trở thành hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM. Một lần xem tranh cô, họa sĩ Mai Trực nhận xét: “Màu tranh của em rất hợp với sơn mài. Hay là thử xem”. Thế là học thêm kỹ thuật sơn mài từ các họa sĩ Mai Trực, Nguyễn Lâm, Lê Xuân Chiểu… đến các thầy dạy ở Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Duyên nợ với sơn mài cũng bắt đầu từ đó.
Năm 2012, lần đầu tiên tranh Anh Đào được triển lãm tại một gallery ở Singapore. Cũng năm đó, tại Triển lãm Họa sĩ nữ quốc tế (Việt Nam đăng cai, diễn ra tại TP.HCM), Anh Đào là một trong 3 gương mặt nữ được chú ý. Một nhà sưu tập đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) mua một lúc gần 20 bức tranh, treo trang trọng trong một biệt thự tại TP.HCM. Năm 2013, lần thứ hai tranh của cô đến Singapore qua triển lãm Art Fairs.
Họa sĩ Nguyễn Anh Đào tâm sự: “Tôi được là chính mình khi đến với hội họa, được vẽ tranh như mình yêu thích, kiếm sống được bằng nghề, đi được nhiều nơi. Nhưng tôi còn phải cố gắng nhiều nữa từ kỹ năng chuyên môn hội họa, tiếng Anh, đến kỹ năng giao lưu, nói chuyện trước đám đông… để vượt qua chính mình. Tôi thấy mình có nhiều động lực. Sắp 40 tuổi, nhưng tôi nghĩ mình vẫn mới bắt đầu”.
Họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương
Nổi lên từ khoảng 2004, suốt 20 năm qua, xét trong các thế hệ họa sĩ 6X trở về sau, Liêu Nguyễn Hướng Dương (sinh 1975) là một trong vài họa sĩ bán tranh nhiều nhất tại Việt Nam.
Liêu Nguyễn Hướng Dương từng tham gia vòng hai Start Something New 2016 của Apple. Vòng một, Apple chọn ra 20 nghệ sĩ trên toàn thế giới, bao gồm các nhiếp ảnh gia, họa sĩ, nghệ sĩ sắp đặt... bằng cách dùng sản phẩm công nghệ của họ để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Khi hoàn thành tác phẩm trên máy trong vòng vài ngày các nghệ sĩ sẽ gửi lại sản phẩm để họ duyệt vòng hai.
Ở vòng hai họ sẽ chọn ra 10 người để chính thức dùng tác phẩm mà mình vẽ trên các sản phẩm cụ thể để quảng cáo sản phẩm. Liêu Nguyễn Hướng Dương đã vẽ tác phẩm của mình trên Ipad Air II và đồng thời dùng nó để quảng bá cho dòng sản phẩm này. Khi được chọn, các tác phẩm đã được in đồng loạt và treo trên khắp các cửa hàng Apple trong vòng 3 tháng đầu năm 2016 để quảng bá cho sản phẩm. Mật độ phổ biến của tác phẩm đại diện cho Apple này xuất hiện dày đặt ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Ngoài ra, tác phẩm hoa đào của Liêu Nguyễn Hướng Dương còn được dùng làm poster ở giao diện trang web chính của Apple để hưởng ứng cho chiến dịch này.
Liêu Nguyễn Hướng Dương chia sẻ: “Đối với tôi vẽ là niềm yêu thích. Tôi có thể chơi với màu sắc cả ngày mà không hề chán. Chỉ có làm hoạ sĩ mới có thể tạo cho bản thân nhiều hứng khởi và đam mê trong sáng tạo. Tìm ra được một phong cách khác biệt phù hợp với tâm hồn mình vốn là một điều hạnh phúc, nhưng khi được mọi người yêu thích và công nhận thì đó lại là một niềm hạnh phúc lớn lao hơn trong nghề nghiệp”.
Liêu Nguyễn Hướng Dương thừa nhận thích làm việc theo cảm tính, cảm xúc và sự rung động, nên anh để mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, xuôi theo dòng cảm xúc và những suy tư bất chợt của mình, chưa có kế hoạch cụ thể trong tương lai.