Thứ sáu, 07/07/2023, 15:04 (GMT+7)

Trẻ tự kỷ và những điều quan trọng các bậc cha mẹ cần biết

Thu Trang (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Trẻ tự kỷ hiện nay không còn là căn bệnh lạ lẫm với các bậc phụ huynh. Tìm hiểu chi tiết hơn về chứng bệnh này sẽ giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời cho trẻ, ngăn ngừa những tác động đến cuộc sống và sự phát triển của trẻ.

Bệnh tự kỷ ở trẻ em là gì?

Bệnh tự kỷ ở trẻ em là một bệnh lý của não, có rối loạn phát triển thần kinh (như có thay đổi cấu trúc tiểu não, thùy trán, thùy thái dương, thiếu hụt hoạt hóa cấu tạo lưới, bất thường về sinh hóa thần kinh) vì xuất hiện những đoạn gen bất thường. Tuy vậy, những vấn đề nêu trên vẫn đang là giả thuyết chưa có những chứng minh cụ thể.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-1
Bệnh tự kỷ ở trẻ em là một bệnh lý của não, có rối loạn phát triển thần kinh. Nguồn: Vinmec

Nguyên nhân dẫn đến trẻ tự kỷ

Nguyên nhân dẫn đến trẻ tự kỷ vẫn chưa được xác định, nhưng được cho là do đa ‎yếu tố với vai trò chính là di truyền. Nhiều gen bất thường kết hợp với sự tác ‎động một phần của yếu tố bất lợi do môi trường đã gây tự kỷ.

Tự kỷ điển hình và hội chứng Asperger gặp ở nam nhiều hơn ở nữ, nên được cho là có liên quan đến nhiễm sắc thể X. Trẻ tự kỷ cũng thường có những rối loạn thần kinh khác. Nguyên nhân của tự kỷ không liên quan đến sự xa cách tình cảm giữa trẻ với cha mẹ. Nhiều nghiên cứu xác định, không có bằng chứng ‎về mối liên quan giữa tự kỷ với tiêm vaccine.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-2
Nguyên nhân dẫn đến trẻ tự kỷ vẫn chưa được xác định, nhưng được cho là do đa ‎yếu tố với vai trò chính là di truyền. Ảnh: sưu tầm

Phân loại bệnh tự kỷ ở trẻ

Phân loại theo thể lâm sàng, có 5 thể:

  • Tự kỷ điển hình (tự kỷ Kanner): Bao gồm các dấu hiệu bất thường trong những lĩnh vực: tương tác xã hội, chậm hoặc rối loạn ngôn ngữ giao tiếp, hành vi định hình cùng với những mối quan tâm bị thu hẹp, khởi phát trước 3 tuổi.

  • Hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao): Có các dấu hiệu kém tương tác xã hội nhưng vẫn có quan hệ với người thân, có khả năng nói được nhưng cách giao tiếp bất thường, không chậm phát triển nhận thức. Các dấu hiệu bất ‎thường xuất hiện sau 3 tuổi.

  • Hội chứng Rett: Hầu như chỉ có trẻ gái bị mắc, sự thoái triển các kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác, vận động xảy ra khi trẻ ở lứa tuổi 6 đến 18 tháng, có những động tác định hình ở tay, vẹo cột sống, đầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ mức nặng.

  • Rối loạn phân rã tuổi ấu thơ: Sự thoái lùi phát triển đáng kể xảy ra trước 10 tuổi về các kỹ năng: Ngôn ngữ, xã hội, kiểm soát đại tiểu tiện, kỹ năng chơi và vận động.

  • Rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu: Có những dấu hiệu bất thường thuộc một trong 3 lĩnh vực của tự kỷ điển hình nhưng không đủ để chẩn đoán.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-3
Theo thể lâm sàng, tự kỷ ở trẻ có 5 thể. Ảnh: sưu tầm

Tự kỷ ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Trẻ tự kỷ hiện nay có xu hướng tăng cao và đang được quan tâm mạnh mẽ, nghiêm túc hơn vì gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và cuộc sống của trẻ. Cụ thể:

Ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường

Rất nhiều nghiên cứu về não bộ của trẻ tự kỷ đã được tiến hành. Kết quả của những nghiên cứu đó cho thấy não bộ của trẻ tự kỷ sẽ phát triển ở tốc độ khác biệt và thường không sở hữu được các kỹ năng theo thứ tự nhất định giống như những đứa trẻ bình thường khác.

Ví dụ, một số bé bị trẻ tự kỷ có thể bắt đầu biết dùng vài từ đơn khi được 12 tháng tuổi. Thế nhưng sau đó, bé không có giai đoạn bùng nổ ngôn ngữ như bạn bè đồng trang lứa mà có thể sẽ chỉ học thêm được một vài từ mới mỗi tháng. Có trường hợp đến 3 tuổi hoặc muộn hơn, trẻ mới bắt đầu biết ghép từ đơn để tạo thành các cụm từ ngắn.

Một số trẻ tự kỷ khác thì có thể gọi được tên các bộ phận trên cơ thể mình nhưng nhìn vào trong tranh lại không phân biệt được, không biết gọi. Hoặc trẻ có thể nhận biết các màu sắc nhưng không biết phân loại theo màu sắc cụ thể. Đây chính là những ảnh hưởng của tự kỷ đến sự phát triển bình thường.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-4
Tự kỷ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Ảnh: sưu tầm

Trẻ tự kỷ gặp vấn đề trong việc tập trung và tương tác

Trẻ bị tự kỷ thường không tương tác với mọi người theo cách mà trẻ bình thường thực hiện. Chẳng hạn, trẻ kỷ có thể sẽ không phản ứng gì khi được gọi tên, không giao tiếp bằng mắt, không cười nói với người chăm sóc mình, không vẫy tay chào nếu người khác không nhắc.

Trẻ thường không biết sử dụng ánh mắt hoặc chỉ để được người khác chú ý và không để giao tiếp. Hiểu đơn giản hơn thì dùng ánh mắt và cử chỉ để chia sẻ trải nghiệm với người khác gọi là trao đổi 2 chiều bình thường nhưng với trẻ tự kỷ thì đây là cả một thách thức rất lớn. Tự kỷ khiến cho trẻ khó phát triển các kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ. Lấy ví dụ như khi người lớn chỉ vào bức ảnh về sự vật nào đó, trẻ sẽ nhìn ra chỗ khác, không quan tâm nên không hiểu được nhiều điều, khó học được các kỹ năng, không hiểu được biểu cảm khuôn mặt hay nói đúng chủ đề,…

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-5
Tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng tập trung và tương tác của trẻ. Ảnh: sưu tầm

Ảnh hưởng đến khả năng thấu hiểu và sẻ chia

Với tất cả những đứa trẻ bị tự kỷ, việc xem xét mọi việc từ góc nhìn của người khác là phi thường, là điều khá khó khăn. Trẻ có thể không hiểu được rằng ai cũng có mong muốn hay niềm tin khác nhau nên không hiểu được, không dự đoán hành vi của người khác, không biết rằng những hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Chúng ta đều biết rằng đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, thấu hiểu là khả năng xã hội rất quan trọng. Thế nhưng tự kỷ thì trẻ sẽ không có khả năng này nên không hiểu được rất nhiều sự việc cùng cách ứng xử và không hòa nhập được với mọi người, thậm chí còn gây mất thiện cảm.

Ngoài ra, những trẻ bình thường khả năng thấu hiểu sẻ chia sẽ phát triển khi trẻ được khoảng 3-5 tuổi. Trẻ tự kỷ thì có thể cần thêm rất nhiều thời gian nữa nên khó lòng bắt kịp tốc độ phát triển của bạn bè đồng lứa, bị lép vế hơn nhiều mặt liên quan đến các mối quan hệ.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-6
Tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng thấu hiểu và sẻ chia của trẻ. Ảnh: sưu tầm

Ảnh hưởng đến khả năng giải quyết, điều chỉnh

Tự kỷ có thể khiến cho trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung, sắp xếp, ghi nhớ, quản lý thời gian, thay đổi, điều chỉnh cảm xúc. Đây là những kỹ năng ở cấp độ cao, giúp trẻ thực hiện nhiều công việc hằng ngày như sắp xếp công việc hợp lý hàng ngày hay làm việc nhóm chung.

Khi những kỹ năng này không tốt, việc học tập của trẻ tất nhiên cũng bị ảnh hưởng nhiều. Chẳng hạn như lúc giải một bài toán, trẻ có thể đã thuộc hết lý thuyết nhưng vẫn không biết cách giải vì bản thân không thể sắp xếp các ý nghĩ hay kết hợp các thông tin để giải quyết vấn đề.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-7
Ảnh hưởng đến khả năng giải quyết, điều chỉnh của trẻ. Ảnh: sưu tầm

Ảnh hưởng đến khả năng nhìn tổng thể của trẻ

Trẻ bị tự kỷ thường quá chú ý đến các chi tiết thay vì tập hợp các nguồn thông tin để nhìn nhận tổng thể tình huống. Ví dụ như đứa trẻ khác biết nơi có vô vàn các loại cây là rừng còn trẻ tự kỷ có thể chỉ thấy đó là nhiều cây đơn lẻ hoặc chỉ biết 1 cây nào đó.

Vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình học tập và phát triển của trẻ. Lấy ví dụ như việc nhớ được các chi tiết nhỏ trong câu chuyện nhưng lại không biết ý nghĩa câu chuyện hay việc nhớ được từ ngữ riêng lẻ của một câu tiếng Anh nhưng không biết nghĩa của cả câu.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-8
Ảnh hưởng đến khả năng nhìn tổng thể của trẻ. Ảnh: sưu tầm

Những cách phòng ngừa bệnh tự kỷ ở trẻ em

  • Đảm bảo dinh dưỡng

Một số nghiên cứu chứng minh, 3 năm đầu đời là giai đoạn phát triển then chốt của trẻ, não bộ cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong giai đoạn này, các tế bào não có thể tạo ra tới 1.000 kết nối mới mỗi giây, giúp phát triển chức năng não bộ và khả năng nhận thức của trẻ.

Trong thời gian này, cha mẹ nên bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ của trẻ như: DHA, AA, taurine, lutein… Một số nghiên cứu mới đây cũng cho thấy vitamin E tự nhiên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ, giúp tăng các kết nối tế bào não, hỗ trợ khả năng học hỏi của bé. Bổ sung đầy đủ những chất này giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-9
Cha mẹ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ. Ảnh: sưu tầm
  • Tạo môi trường phát triển tốt nhất 

Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ, môi trường lành mạnh giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần tối ưu, ngược lại nếu trẻ sống trong môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, việc hình thành tính cách, và lối suy nghĩ của trẻ. Các bậc phụ huynh nên chú ý đến môi trường sống của trẻ để con có cơ hội được vươn mình lớn lên một cách tự tin và hoàn hảo. Những trường hợp mắc bệnh tự kỷ ở trẻ nặng, ba mẹ nên đưa bé đi khám để được điều trị kịp thời.

tre-tu-ky-tiep-thi-gia-dinh-10
Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ. Ảnh: sưu tầm

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý:

  • Đảm bảo thai sản an toàn cho người mẹ.

  • Hạn chế sinh con khi cao tuổi.

  • Quan tâm, tác động sớm tới trẻ trong chơi tương tác, vận động và phát triển giao tiếp.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh tự kỷ ở trẻ mà cha mẹ cần biết. Nếu thấy con có những biểu hiện bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị kịp thời!

Bài viết này thuộc series Trẻ tự kỷ

Xem thêm
Từ khóa:
Cùng chuyên mục