Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 05/10/2023, 10:04 (GMT+7)

Trẻ cần bao nhiêu nước và nên uống thế nào để tốt cho sức khỏe?

Trẻ cần bao nhiêu nước và nên uống như thế nào? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu và cung cấp đúng cho trẻ.

Trẻ cần bao nhiêu nước mỗi ngày?

Nước là một trong những thành phần quan trọng đối với cơ thể. Đối với trẻ nhỏ, nước giữ xương khớp và răng chắc khỏe, có tác dụng lưu thông máu, duy trì cân nặng ổn định,.. Việc uống đủ lượng nước mỗi ngày giúp trẻ cải thiện trí nhớ, tâm trạng và sức đề kháng.

tre-can-bao-nhieu-nuoc
Uống đủ lượng nước mỗi ngày giúp trẻ cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần (Ảnh: Freepik)

Trẻ cần bao nhiêu nước mỗi ngày sẽ được cụ thể như sau:

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi được bổ sung nước thông qua sữa mẹ. Từ 6 tháng tuổi trở đi, trẻ có thể dần làm quen với nước lọc và khi tròn 1 tuổi, lượng nước cần cung cấp nằm trong khoảng từ 125 - 250 ml/ngày.

Độ tuổi từ 1 - 3 tuổi, phụ huynh cần cho trẻ dùng khoảng 4 cốc đồ uống mỗi ngày (gồm cả nước hoặc sữa); tăng lên 5 cốc khi ở 4 - 8 tuổi và 7 - 8 cốc với trẻ lớn hơn.

Ngoài ra, trẻ cần bao nhiêu nước còn dựa theo độ tuổi, cân nặng cũng như quá trình hoạt động mỗi ngày. Nếu trẻ thường xuyên hoạt động thể lực, toát nhiều mồ hôi thì nên bổ sung nhiều nước hơn để bù vào. 

Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị mất nước

Mất nước khiến các chức năng trong cơ thể hoạt động kém hiệu quả, đồng thời trẻ cũng dễ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt. Dưới đây là một số dấu hiệu của việc mất nước ở trẻ mà phụ huynh cần lưu ý để kịp thời xử lý: 

- Trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng

Trẻ trong độ tuổi này không được khuyến khích dùng nước mà chỉ bổ sung thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức. Những triệu chứng báo hiệu mất nước ở độ tuổi này như: tã ít bị ướt hơn, không phải thay tã nhiều, thóp trũng, buồn ngủ quá mức, khi khóc không có nước mắt.

- Trẻ lớn hơn (dưới 12 tuổi)

Triệu chứng mất nước thường gặp trong nhóm tuổi này là: môi khô hay dính miệng, cáu kỉnh, buồn ngủ, da ửng đỏ, ít đi tiểu hoặc nước tiểu có màu đậm. 

- Thanh thiếu niên

Đối với độ tuổi thanh thiếu niên, các dấu hiệu phổ biến bao gồm: môi và miệng khô, đau đầu, chóng mặt, chuột rút, nước tiểu đậm hoặc ít, mạch nhanh, da ửng đỏ,..

Nên cho trẻ uống nước như thế nào?

Những thức uống nên bổ sung cho trẻ

Nguồn nước tốt nhất để cung cấp cho trẻ vẫn là nước lọc tinh khiết với 0 calo. Bởi vậy, hãy thường xuyên cho trẻ uống và rèn luyện thói quen uống nước đều ở trẻ hằng ngày.

Đối với những trẻ lười, không thích uống nước lọc, phụ huynh có thể áp dụng một số giải pháp dưới đây để kích thích vị giác cho trẻ như:

- Pha nước với chanh, quả mọng, dưa chuột hoặc bạc hà để tăng thêm hương vị. Lưu ý không cho thêm đường hoặc chất tạo ngọt vào trong. 

tre-can-bao-nhieu-nuoc 2
Có thể pha nước với chanh, quả mọng, bạc hà,.. để tăng thêm hương vị (Ảnh: Freepik)

- Bổ sung thêm nước từ các loại rau củ như dưa chuột, cà chua, bí, rau xà lách, cần tây,.. và các loại quả như dưa hấu, bưởi, cam, dưa đỏ, việt quất, dâu tây,..

Những thức uống nên hạn chế cho trẻ uống

Không nên cho trẻ sử dụng nhiều loại đồ uống đóng chai sẵn vì chúng thường chứa nhiều đường và chất bảo quản. Cụ thể, không nên cho trẻ uống:

- Đồ uống có đường

Trẻ dưới 2 tuổi không nên sử dụng đồ uống có đường. Hạn chế nước ngọt, đồ uống thể thao,.. bởi chúng dễ gây sâu răng, tăng cân, bệnh đái tháo đường…

- Nước trái cây

Dù là nước trái cây nguyên chất, chứa nhiều vitamin có lợi song chúng lại bị mất chất xơ lành mạnh vốn có. Đồng thời, uống sẽ nhanh hơn ăn nên bạn khó kiểm soát được lượng đường trẻ nạp vào cơ thể. Do đó, hãy hạn chế cung cấp nước trái cây nhiều cho trẻ mà thay bằng việc ăn quả.

- Sữa có hương vị

Sữa nguyên chất và sữa có hương vị có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau. Sữa hương vị thường có lượng đường cao, một số còn kèm mùi và màu nhân tạo, bởi vậy nên hạn chế nó. 

Cùng chuyên mục