Thứ sáu, 08/09/2023, 11:34 (GMT+7)

Trẻ tựu trường: 5 dịch bệnh dễ bùng phát và cách phòng chống

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Thời điểm trẻ tựu trường thường dễ bùng phát những căn bệnh truyền nhiễm do sự thay đổi của thời tiết kết hợp với môi trường đông đúc, nhiều người.

Một số bệnh dịch dễ bùng phát trong mùa trẻ tựu trường

Mùa trẻ tựu trường có thể gây nguy cơ lây lan, bùng phát mạnh ở một số bệnh dịch. Cụ thể, có 5 bệnh truyền nhiễm phụ huynh cần lưu ý, bao gồm: 

Cúm là bệnh dễ xuất hiện nhất mùa tựu trường

Khi thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể có thể chưa kịp thích nghi nên dễ bị virus, vi khuẩn có hại xâm nhập. Những trẻ sức đề kháng yếu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

tre-tuu-truong
Cúm thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể chưa kịp thích nghi với môi trường mới (Ảnh: Freepik)

Trẻ em bị cảm cúm có thể xuất hiện những triệu chứng như sốt cao, đau họng, ho, nghẹt mũi, hắt hơi, nhức mỏi toàn thân. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao thông qua dịch tiết đường hô hấp của người bệnh. 

Đau mắt đỏ

Hiện tại, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,.. đang là các điểm nóng của dịch đau mắt đỏ cùng nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Triệu chứng điển hình của bệnh là mắt có màu đỏ và nhiều ghèn. Ghèn mắt có màu xanh hoặc vàng, mí mắt sưng nề, mọng, đau nhức và chảy nước mắt.

Dịch đau mắt đỏ thường lây qua: đường hô hấp, nước bọt, nước mắt, bắt tay,.. Đặc biệt, nước mắt của người bệnh là nguồn chứa nhiều virus gây bệnh nhất.

tre-tuu-truong 3
Dịch đau mắt đỏ thường lây qua: đường hô hấp, nước bọt, nước mắt, bắt tay,.. (Ảnh: Freepik)

Tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng cũng đang là mối lo ngại của nhiều phụ huynh khi thời điểm trẻ tựu trường trùng với cao điểm dịch (khoảng từ tháng 9 - 11 hằng năm). Nếu mắc phải, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các mụn nước ở những vị trí đặc biệt như khoang miệng, quanh vùng miệng, lòng bàn tay, chân,..

tre-tuu-truong 4
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện các mụn nước ở khoang miệng, lòng bàn tay, chân,.. (Ảnh: Freepik)

Bệnh tay chân miệng dễ lây lan từ người này qua người khác thông qua đường hô hấp và tiêu hóa. Cụ thể, khi tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng hoặc dịch từ bóng nước trên da của người bệnh. 

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue có trong muỗi vằn truyền nhiễm sang cho người. Các triệu chứng của bệnh thường có nhiều điểm khác nhau tùy theo trường hợp nặng hay nhẹ. Ở giai đoạn đầu, nếu mắc phải, trẻ thường bị sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, chán ăn,..

tre-tuu-truong 1
Ở giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường bị sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, chán ăn,.. (Ảnh: Freepik)

Hiện tại, sốt xuất huyết chưa có vắc xin chưa phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. 

Các bệnh đường hô hấp khác

Mùa trẻ tựu trường có thời tiết mưa ẩm, thuận lợi cho sự phát triển, sinh sôi của các mầm bệnh hô hấp. Cụ thể, những bệnh mà trẻ dễ mắc phải bao gồm: viêm VA, amidan, hen phế quản, viêm hô hấp trên, hen suyễn, viêm phổi,..

Các phương pháp phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Theo nhiều chuyên gia, để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cho trẻ trong thời điểm trở lại trường, phụ huynh lưu ý:

(1). Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Rèn luyện thói quen rửa tay thường xuyên cho trẻ, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi chơi hoặc đi vệ sinh. 

(2). Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo đúng quy định.

(3). Chú trọng chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Đảm bảo trẻ được ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc. Hạn chế cho trẻ thức khuya để giữ gìn sức khỏe cho những ngày đi học sớm. 

(4). Rèn luyện cho trẻ thói quen tập thể dục, thể thao vừa sức để tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.

tre-tuu-truong 5
Rèn luyện cho trẻ thói quen tập thể dục, thể thao để tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch (Ảnh: Freepik)

(5). Chú ý giữ ấm cho trẻ vào những ngày mưa, gió lạnh. Khi sử dụng điều hòa, không nên đặt nhiệt độ quá thấp mà chỉ nên chọn ở mức 27 - 28 độ C.

(6). Vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ của trẻ thường xuyên. Lưu ý, thực hiện diệt muỗi, bọ gậy quanh khu vực nơi ở.

(7). Hướng dẫn, trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng, chống lây lan bệnh ở trường học như không tiếp xúc gần với những bạn bị bệnh,..

(8). Khi nhận thấy con có dấu hiệu bất thường của bệnh, cần đưa đến bệnh viện để được kiểm tra, điều trị và hướng dẫn chăm sóc phù hợp.

(9). Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hay những loại thuốc điều trị khác mà chưa có sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

Cùng chuyên mục