Trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt, nguyên nhân và cách xử lý
Trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt là do đâu? Đây là một trong những bệnh lý về da mà trẻ em hay mắc. Hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu về nguyên nhân và cách xử lý tình trạng nổi mẩn đỏ ở trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt
Những nốt mẩn đỏ như muỗi đốt thường nhỏ, hơi sưng và gây ngứa ngáy khiến bé hay đòi gãi. Khi thấy trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt như vậy, phần lớn các mẹ đều nghĩ là do muỗi đốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều nguyên nhân khác khiến da bé nổi mẩn đỏ mà mẹ cần lưu tâm. Hãy tham khảo những nguyên nhân dưới đây:
Trẻ bị nấm da
Các mẹ lưu ý, nếu con đột nhiên nổi nhiều mụn đỏ, ngứa thì rất có thể con đã bị nấm da. Mẹ có thể quan sát khu vực quanh miệng, tay chân, hay mặt của trẻ có nổi nhiều các nốt đỏ như muỗi đốt, nhưng còn các khu vực khác trên cơ thể thì không bị, khả năng cao là con đã bị vi trùng nấm men (Candida) bám trên cơ thể.
Trẻ bị chàm
Khi cơ thể của trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt thì rất có thể đó là một trong những dấu hiệu biểu hiện của bệnh chàm - một bệnh lý hay xuất hiện ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khoảng từ 1 đến 6 tháng tuổi. Các nốt đỏ này thường nổi nhiều ở những vị trí như má, quanh miệng, phía tai, gáy hay mu bàn tay của trẻ.
Trẻ bị tay chân miệng
Biểu hiện ở mấy ngày đầu bị tay chân miệng ở trẻ làm không ít cha mẹ nhầm lẫn với những vết muỗi đốt. Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng thường nổi những nốt ban hồng với đường kính khoảng vài mm trên da rồi trở thành bóng nước. Thông thường, những vết đỏ này xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, hay mông của trẻ, nhìn khá giống với vết muỗi cắn.
Trẻ bị muỗi đốt
Nếu bị muỗi đốt, da bé sẽ xuất hiện một số biểu hiện như nổi mẩn đỏ, vết cắn hơi sưng, ngứa ngáy,... Để giúp bé giảm tình trạng ngứa do muỗi đốt mẹ có thể dùng dầu gió, đá lạnh để chườm lên vết muỗi cắn. Bên cạnh những nốt đỏ do muỗi đốt thì một số loại côn trùng khác cắn cũng gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ chẳng hạn như kiến ba khoang, đây là loài kiến có độc tố mạnh có thể gây viêm loét và làm cho trẻ cảm giác đau rát.
Trẻ bị dị ứng thời tiết
Khi thời tiết thay đổi một cách đột ngột, có khả năng làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên da của trẻ. Nguyên nhân là do cơ thể của bé có các phản ứng dị ứng với các yếu tố thời tiết hoặc các yếu tố khác từ bên ngoài như trời quá nóng. Khi thay đổi thời tiết ngoài việc nổi mẩn đỏ, trẻ còn có thể bị sổ mũi, ho, hắt hơi,...
Cách xử lý khi trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt
Trẻ bị mẩn đỏ như muỗi đốt là hiện tượng thường gặp, thông thường những vết đỏ này sẽ khỏi sau vài giờ cho đến vài ngày. Mẹ có thể áp dụng một số cách xử lý dưới đây để có thể giúp bé giảm ngứa nhanh nhất mẹ nhé:
Lau vết mẩn đỏ bằng mát bằng khăn: Mẹ có thể sử dụng khăn mát, khăn ướt lau chườm ở những vị trí nổi mẩn để làm sạch da và tạo cảm giác dễ chịu, giúp bé đỡ ngứa.
Tắm sạch cho bé thường xuyên: Việc vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho trẻ giúp ngăn ngừa khả năng mắc bệnh chân, tay, miệng, nấm da. Nhưng mẹ cần lưu ý, nếu trẻ dưới 1 tuổi nên tắm nhanh, lau khô người sau khi tắm để phòng ngừa cảm, và lựa chọn loại sữa tắm an toàn dành riêng cho trẻ sơ sinh không chứa chất paraben, chất tạo mùi,… để tắm sạch, dịu nhẹ và an toàn cho da bé.
Cho con mặc quần áo sạch sẽ, thoải mái: Mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, dễ vận động, thấm mồ hôi. Mẹ không nên sử dụng các chất liệu len, chật cọ sát vào người trẻ sẽ dễ gây kích ứng, nốt mẩn đỏ.
Chú ý đến chế độ ăn của trẻ: Khi trẻ đang bị nổi mẩn mẹ nên hạn chế cho con ăn thực phẩm dễ gây dị ứng như thịt bò, trứng, sữa, hải sản vì chúng chứa hàm lượng protein cao, sẽ gây nổi mẩn đỏ nặng hơn. Trong giai đoạn con bị nổi mẩn đỏ, mẹ nên ưu tiên cho con ăn rau xanh, thịt lợn, trái cây,…
Chú ý đến sức khỏe của trẻ: Khi cơ thể nổi mẩn đỏ, trẻ rất dễ bị sốt. Vì vậy, mẹ nên đo nhiệt độ cho bé 2 giờ/ lần, nếu thấy hiện tượng sốt thì mẹ cho bé uống thuốc hạ sốt ngay, nếu con sốt trên 38.5 độ C mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám. Ngoài ra, nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi thì mẹ thường xuyên cho bé bú khoảng 2 - 3 giờ/lần để bổ sung đủ nước cho con, giúp con hạ sốt nhanh. Còn đối những bé lớn hơn 6 tháng, mẹ hãy cho bé uống thêm nước lọc hoặc nước hoa quả để trẻ tránh mất nước.
Trong trường hợp trẻ bị nổi mẩn đỏ do dị ứng nặng hoặc bị nhiễm virus thì mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi kỹ lưỡng khi thấy một trong các dấu hiệu sau đây:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi quấy khóc dữ dội liên tục trong 2 đến 3 tiếng không ngừng.
- Các nốt mẩn đỏ sưng, lở loét sâu, lan rộng ra các vùng da khác.
- Trẻ nổi mẩn đỏ như muỗi đốt và sốt cao trên 38.5 độ C, sử dụng thuốc hạ sốt mà không hạ.
- Trẻ ngủ li bì, cảm giác mệt mỏi, giảm ăn, lười bú sữa sau 1 ngày.
Cách phòng tránh khi trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt
Trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng mẹ cũng đừng quá chủ quan nhé! Bởi những vết đỏ này có thể lan rộng, lở loét, gây nhiễm trùng da rất nguy hiểm đối với trẻ. Dưới đây, Tiếp Thị Gia Đình sẽ chia sẻ cho các bạn những cách phòng tránh khi trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt.
- Vệ sinh không gian sống của bé sạch sẽ, thoáng mát. Thường xuyên quét dọn, lau chùi nhà cửa, hạn chế cho trẻ chơi với thú cưng bởi lông từ thú cưng là một trong những tác nhân gây dị ứng, nổi mẩn đỏ cho trẻ.
- Luôn giặt chăn ga, gối đệm của bé từ 1-2 tuần/ 1 lần để giữ khu vực bé nằm luôn sạch sẽ, tiêu diệt nấm, vi khuẩn, loại bỏ được các tác nhân gây mẩn đỏ cho trẻ.
- Mẹ nên che chắn cho bé mỗi khi đưa bé ra ngoài chơi. Mẹ nên sử dụng khăn, ô dù, đeo khẩu trang cho trẻ để tránh bụi bẩn, không khí ô nhiễm bám trên da gây kích ứng, nổi mẩn đỏ.
- Tránh để muỗi, côn trùng đốt trẻ, không nên để trẻ chơi 1 mình ở những khu vực ẩm ướt, các góc nhà, nên xông tinh dầu đuổi muỗi tự nhiên trong phòng của trẻ.
- Mẹ có thể sử dụng xịt kháng khuẩn làm dịu da bé. Những lọ xịt kháng khuẩn được chiết xuất từ tự nhiên có công dụng làm dịu da khi bé bị nổi mẩn đỏ, hạn chế tình trạng nhiễm trùng trên da. Ngoài ra, chúng cũng bảo vệ bé khỏi côn trùng cắn, vi khuẩn,…
- Không nên làm tổn thương nốt mẩn đỏ, mẹ tuyệt đối không chích, không gãi các nốt mẩn bởi việc này sẽ khiến dịch trong nốt mẩn lan rộng ra các vùng da khác, làm cho tình trạng nổi mẩn của con nặng hơn.
- Mẹ cắt móng tay cho bé 1 tuần một lần, thường xuyên vệ sinh tay, chân bé sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chơi để phòng tránh mắc bệnh chân tay miệng.
Trong bài viết này, Tiếp Thị Gia Đình đã chia sẻ cho bạn những nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt. Hy vọng những kiến thức trong chuyên mục: Làm cha mẹ này có thể giúp mẹ giải quyết được những lo sợ khi con bị nổi mẩn đỏ.