Thứ bảy, 06/05/2023, 13:59 (GMT+7)

TP.HCM đầu tư phát triển cho du lịch sông Sài Gòn

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Khai thác tuyến đường sông Sài Gòn là điểm nhấn quan trọng, sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM nếu được đầu tư và khai thác một cách có hiệu quả.

Trong văn bản gửi Văn phòng UBND TP.HCM về dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025 với việc khai thác các tuyến du lịch đường thủy cả nội đô và đường biển, Sở Du lịch TP.HCM có nêu: Đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu) liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.

song Sai Gon Tiepthigiadinh H1
TP.HCM sẽ đầu tư phát triển cho du lịch sông Sài Gòn

Việc phát triển các sản phẩm đường thủy TP.HCM được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2023-2024 là các dự án cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như hoàn thiện tuyến du lịch đi Bình Quới, hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Thanh Đa – bến Khu du lịch Bình Quới, tuyến đi Củ Chi, tuyến đi Cần Giờ; làm mới tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè hướng tuyến từ bến Thị Nghè trở về phía thượng lưu đến bến chùa Candaransi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và ngược lại….

Trên tuyến quan trọng này, sẽ đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí trên mặt nước như chèo SUP - thuyền kayak, các hoạt động team building, kết hợp với một số hoạt động mang tính lễ hội để thu hút du khách đến bến, từ đó kết hợp quảng bá, tăng mức độ quan tâm đến du lịch đường thủy.

Một số hoạt động được gợi ý trong kế hoạch như: Thả hoa đăng, đua thuyền, sân khấu dưới nước, tái hiện chợ nổi... Kết hợp với phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) tham quan, ăn uống, giải trí nên cần đầu tư xây dựng một bến thủy nội địa gần khu vực này để tăng tính kết nối.

song Sai Gon Tiepthigiadinh H2
TP.HCM sẽ phát triển các dịch vụ chèo SUP - thuyền kayak, các hoạt động team building... trên sông Sài Gòn

Giai đoạn 2024-2025 sẽ mở rộng, tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông (phát triển cốt truyện quan trọng cho du lịch trên sông như: tái hiện chợ nổi trên sông tại khu vực cầu Tân Thuận định kỳ thứ 7, Chủ nhật hằng tuần vì khu vực này đang tồn tại 3-5 thuyền mua bán hàng hóa trên sông hiện tại). Xây dựng loại hình tàu nghỉ cao cấp qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn, Cần Giờ (50-200 phòng), tàu gỗ nhỏ vừa vận chuyển 10-50 khách nhằm kết nối với các khu vực rạch nhỏ, kênh kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề trên tuyến.

Giai đoạn này cũng sẽ đầu tư các tuyến mới như tuyến đi quận 7 (hướng tuyến từ bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa) với chương trình trải nghiệm dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước như chèo thuyền kayak, ca nô kéo… Hay tuyến du lịch mới liên quận 1, 4, 5, 6 và 8 (hướng tuyến từ bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Tàu Hủ đến bến Bình Đông hoặc tiếp tục theo kênh Đôi đến đình Bình Đông).

Sở đề xuất nghiên cứu chọn bến Bạch Đằng là bến trung tâm, làm điểm xuất phát đi các tuyến du lịch đường thủy.

Bên cạnh đó, Sở du lịch TP.HCM dự kiến mở mới nhóm các sản phẩm du lịch thủy tầm xa từ TPHCM đi các tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (An Giang) để kết nối qua Campuchia. Các tuyến xa sẽ hướng tới phục vụ khách nhu cầu giải trí, thể thao, đánh golf, nghỉ dưỡng, tâm linh…

Cùng chuyên mục