9 món ăn mang lại may mắn đầu năm mới
Ngày đầu năm mới, thưởng thức những món ăn truyền thống theo quan niệm của mỗi quốc gia sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả năm.
Dưới đây là 9 món ăn trong ngày đầu năm mới mang lại may mắn trên thế giới. Dù khác nhau trong cách chế biến song nhìn chung những món ăn này đều mang ý nghĩa về một năm mới thịnh vượng đủ đầy, qua đó tạo điều kiện để mọi người xích lại gần nhau.
Món Hoppin' John, Mỹ
Trong ngày đầu tiên của năm mới, Hoppin' John là món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc người Mỹ, đặc biệt là ở các bang phía Nam. Theo quan điểm của người Mỹ, đây là món ăn mang ý nghĩa về sự thịnh vượng và bội thu. Trong đó, các loại đậu tương tượng trưng cho tiền xu, các loại rau mang sắc xanh tượng trưng cho đồng đô-la.
Để chế biến món Hoppin' John truyền thống, ngoài đậu tương, các loại rau thì gạo và thịt lợn là hai nguyên liệu không thể thiếu. Hoppin' John được ăn kèm với bánh ngô. Sắc vàng của bánh càng khiến món ăn vốn tượng trưng cho sự thịnh vượng nay thêm phần giàu có bởi sự xuất hiện của “vàng” (màu bánh ngô).
12 quả nho may mắn, Tây Ban Nha
Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới, khi tiếng chuông nhà thờ lần lượt vang lên, người dân Tây Ban Nha từ già đến trẻ sẽ cùng nhau quây quần, ăn 12 quả nho sau 12 hồi chuông ngân.
Theo quan niệm của người dân “xứ sở bò tót”, 12 quả nho tượng trưng cho 12 tháng may mắn. Ăn hết 12 quả nho trước khi tiếng chuông cuối cùng kết thúc sẽ mang lại may mắn trong năm mới.Sau đó, người dân Tây Ban nha sẽ uống một cốc cava, ăn turron (được làm từ hạnh nhân và mật ong Alicante), gọi điện thoại cho những người yêu thương để chúc mừng năm mới.
Bánh Tamales, Mexico
Trong văn hóa ẩm thực của Mexico, bánh Tamales là món ăn truyền thống đại diện cho thời điểm tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới trong sự đoàn viên gia đình và niềm vui lan tỏa.
Bánh Tamales thực chất là món bánh được làm từ bột ngô cùng thịt, mỡ, rau và phô mai, sau đó được gói trong lá ngô và đem hấp trong 2 giờ.
Trong ngày cuối cùng của năm, người Mexico sẽ quây quần bên nhau để gói bánh Tamales. Do công đoạn gói bánh rất dễ nên hầu như ai trong gia đình cũng có thể làm được. Bánh sau khi gói xong sẽ được mang đi hấp. Ngồi bên nồi hấp Tamales, thưởng thức món bánh nóng hổi trong không gian ấm cúng càng khiến mọi người xích lại gần nhau hơn.
Bánh Oliebollen, Hà Lan
Người dân Hà Lan đón năm mới bằng những chiếc bánh rán phủ đường có tên Oliebollen. Trong tiếng Hà Lan, Oliebollen mang ý nghĩa là “Old and New” - “cũ và mới”. Vì thế, ăn bánh này trong dịp năm mới tượng trưng cho những điều đã qua trong năm cũ và hướng đến những điều mới mẻ trong năm mới.
Oliebollen có hương vị gần giống với món bánh donut. Bánh được làm từ bột mì, nho khô và táo. Sau khi chế biến xong, bánh được mang rán đến khi đạt tới độ vàng giòn, đợi ráo dầu rồi phủ thêm lớp bột đường trông vô cùng hấp dẫn.
Cotechino con lenticchie, Ý
Tại Ý, cotechino con lenticchie là món ăn truyền thống mỗi dịp đón năm mới. Món ăn được làm từ hai nguyên liệu chính là xúc xích và đậu lăng.
Trong quan niệm của người dân nước Ý, đậu lăng là loại thực phẩm tượng trưng cho tiền bạc, vận may vì chúng có hình dạng như đồng xu. Ăn đậu lăng trong ngày đầu tiên của năm mới sẽ mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho cả năm.
Chế biến món cotechino con lenticchie rất đơn giản. Đậu lăng sau khi đem hầm nhừ sẽ được nêm nếm gia vị theo công thức riêng của mỗi gia đình, rồi mang ăn kèm với xúc xích cotechino. Hương vị béo ngậy của xúc xích cùng hương thơm của các loại gia vị khiến món ăn trở nên hấp dẫn.
Bánh Vasilopita, Hy Lạp
Đây là món bánh ngọt truyền thống của người Hy Lạp, được ăn vào những dịp đặc biệt cũng như đầu năm mới.Món bánh này đơn thuần chỉ là bánh ngọt làm từ bơ bình thường, song điểm đặc biệt là bên trong bánh có giấu một đồng xu được xem là biểu tượng cho sự may mắn trong năm mới theo văn hóa của người Hy Lạp.
Bánh được cắt tuần tự theo vai vế từ lớn đến bé, nếu ai may mắn bắt được đồng xu này trong phần bánh của mình sẽ trở thành người may mắn và hạnh phúc nhất năm.
Cá trích, Ba Lan và các nước Bắc Âu
Cá trích là món ăn đón năm mới phổ biến ở Ba Lan và các nước ở khu vực Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển. Theo quan điểm của các quốc gia này, màu bạc lấp lánh của cá trích tượng trưng cho sự vương giả về tiền bạc. Vì vậy, ăn cá trích muối trong thời khắc giao thừa sẽ mang lại sự thịnh vượng, giàu có cho năm mới.
Người Ba Lan thường ăn món cá trích ngâm giấm trắng Sledzenie Marynowane. Trong khi đó, người dân khu vực Bắc Âu thường ăn cá trích cùng dưa chua, hành tây, pate, thịt viên và sốt kem trong một đĩa lớn.
Bánh Kransekage, Đan Mạch và Na Uy
Ngoài cá trích, người Đan Mạch và Na Uy cũng ăn một món bánh ngọt khá đẹp mắt trong đêm giao thừa có tên Kransekage, nghĩa là “bánh vòng hoa”.
Bánh được tạo nên từ nhiều chiếc bánh nhỏ hình tròn xếp chồng lên nhau, tạo thành một tháp bánh. Trong đó, vòng tròn tượng trưng cho ý nghĩa về sự tròn đầy, viên mãn. Vì vậy, ăn Kransekage trong dịp đầu năm sẽ mang lại may mắn, hạnh phúc trong năm mới.
Mì Soba, Nhật Bản
Khác với các nước châu Á khác, Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi đón năm mới theo lịch Tết dương như các nước phương Tây. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Nhật thường có thói quen ăn một bát mì Soba - món ăn truyền thống trong ẩm thực Nhật Bản.Sợi mì thuôn dài trong văn hóa người Nhật tượng trưng cho sự trường thọ.
Sợi mì mềm có ý nghĩa cắt đứt những điều không may của năm cũ, mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng trong năm mới.