Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 03/08/2024, 09:09 (GMT+7)

Thuốc giả luồn lách trên thị trường, tìm đường đến tay người tiêu dùng

Dù đã được cơ quan chức năng siết chặt quản lý song vấn nạn thuốc giả vẫn nhức nhối trên thị trường, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người tiêu dùng. Để bảo vệ người tiêu dùng, vấn nạn này cần được xử lý triệt để.

Phát hiện nhiều trường hợp buôn bán thuốc giả

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong tháng 7 vừa qua, đơn vị đã kiểm tra và phát hiện nhiều cá nhân, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh đang kinh doanh nhiều sản phẩm thuốc giả. Thậm chí, nhiều sản phẩm đã bị cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi vẫn bày bán tại một số cửa hàng. 

Cụ thể, bà Lê Thị Hải có địa chỉ tạm trú 135 Nguyễn Văn Tiết, khu phố Đông Tư, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương; địa chỉ thường trú tại thôn Thanh Mỹ, Phù Lưu, Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh bị Sở Y tế xử phạt số tiền 4 triệu đồng vì hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Sản phẩm thuốc giả là thuốc Nhức khớp Tê Bại Hoàn GOLD, SĐK: VD-93312-13.

Ông Võ Anh Hào có địa chỉ tại số 83, tổ 14, khu phố 2, phường Phú Tân, thành phố Thủ dầu Một, tỉnh Bình Dương bị Sở Y tế xử phạt 29 triệu đồng vì buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; sản phẩm vi phạm là Viên hoàn cứng Nhức khớp tê Bại Hoàn - SĐK: VD-93312-13 và mua, bán thuốc, dược liệu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược... 

HIỂM HỌA TỪ THUỐC GIẢ
Thuốc giả đã tồn tại rất lâu, gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho người tiêu dùng. (Ảnh: M.H)

Ông Nguyễn Đình Dũng, địa chỉ cơ sở Nhà thuốc tây Thăng Long số 14G3/4C, khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đã thực hiện hành vi vi phạm buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Sản phẩm thuốc giả: Nhức khớp tê Bại Hoàn- SĐK: VD-93312-13 và VD-93312-19. Với hành vi trên ông Nguyễn Đình Dũng bị phạt 4 triệu đồng.

Ông Lê Hữu Trí, ngụ tổ 7, khu phố 3, phường Hội Nghĩa, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã thực hiện hành vi vi phạm buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (cụ thể: thuốc giả: Viêm Mũi Xoang - SĐK: VD-93312-13). Với hành vi trên bà ông Lê Hữu Trí bị Sở Y tế ban hành quyết định xử phạt số tiền 4 triệu đồng.

Bà Dương Thị Mỹ Diệu, ngụ 34/11/5A, tổ 44, khu phố 3, An Phú Đông, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hành vi vi phạm buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Sản phẩm vi phạm là thuốc giả Tọa cốt thiên ma thống phong. Với hành vi trên bà Dương Thị Mỹ Diệu bị phạt 4 triệu đồng.

Các cá nhân trên ngoài bị Sở Y tế tỉnh Bình Dương xử phạt hành chính còn bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc tiêu hủy tang vật; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, theo Thương Trường. 

Chế tài xử lý hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả?

Tại khoản 33, Điều 2 Luật Dược năm 2016 quy định, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không có dược chất, dược liệu; có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu; có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 Điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối; được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm, tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các chủ thể có hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với mức phạt từ 1 - 70 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 5 - 100 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc), mức phạt với tổ chức vi phạm là gấp hai lần.

Thuốc giả tác động xấu tới thị trường và sức khỏe người tiêu dùng
Cần xử lý triệt để vấn nạn thuốc giả để bảo vệ thị trường và sức khỏe người tiêu dùng. (Ảnh: M.H)

Các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Cá nhân phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm như: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; buôn bán qua biên giới; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm: Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500 triệu đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng; làm chết người; gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, có thể bị phạt tiền từ 1 - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.

Cùng chuyên mục