Thị trường khách sạn Hà Nội phục hồi mạnh trở lại
Sau hơn một năm kể từ khi chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/03/2022, thị trường khách sạn Hà Nội đã liên tiếp ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tăng trưởng GDP quý I/2023 giảm tốc, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, nhưng khu vực dịch vụ lại thể hiện rõ sự phục hồi với mức tăng 6,79%. Thị trường khách sạn tại Hà Nội đang phục hồi tích cực do lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đều tăng.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã đón tổng cộng 8,14 triệu lượt khách, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó lượng khách nội địa ước đạt 6,7 triệu lượt và khách quốc tế vượt xa cùng kỳ 2022, đạt 1,44 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 30.150 tỉ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường khách sạn tại Hà Nội, khách lưu trú tăng 220% theo năm, đạt 1,1 triệu lượt, trong đó 339.000 lượt khách lưu trú nội địa, tăng 21% theo năm và 712.000 lượt khách lưu trú quốc tế, tăng 1.400% theo năm.
Nguồn cung khách sạn tại Hà Nội trong 4 tháng qua cũng đạt 10.260 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 18 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao, tăng 1% theo quí và theo năm.
Lượng khách du lịch gia tăng đã kéo theo sự cải thiện về công suất thuê, trung bình đạt 58%, tăng 9% theo quí và 35% theo năm. Nhu cầu gia tăng đồng thời kéo theo giá thuê trung bình và doanh thu phòng trung bình đều tăng.
Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc đã chính thức mở lại các tour du lịch đến Việt Nam, đồng thời nối lại các chuyến bay thường lệ giữa hai nước. Sự trở lại của các du khách từ thị trường nguồn quan trọng này được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sự phục hồi của phân khúc khách sạn, cả từ hoạt động du lịch nghỉ dưỡng lẫn du lịch kết hợp công tác.
Về nguồn cung, thị trường Hà Nội trong năm 2023 dự kiến sẽ có thêm 2 dự án mới với tổng số phòng là 471. Từ năm 2024 trở đi dự kiến sẽ có 66 dự án mới với 11,123 phòng. Trong tổng số 68 dự án mới này, số lượng khách sạn 5 sao chiếm tới 61%. Các dự án đáng chú ý gồm: L7 Westlake, Dusit Từ Hoa Plalace, The Ritz Cartlon, Four Seasons, Waldorf Astoria Hanoi và Fairmont.
Đây sẽ là sự bổ sung tích cực cho nguồn cung khách sạn, đặc biệt là khách sạn hạng sang tại Hà Nội. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của sản phẩm "căn hộ hàng hiệu" cũng như khách sạn 3-4 sao tại nội thành và khu vực lân cận sẽ gia tăng thêm tính đa dạng cho các sản phẩm du lịch hiện có trên thị trường.
Tuy nhiên, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ngay lúc này. Do đó, việc đưa ra chiến lược vận hành hợp lý để nâng dần công suất và xây dựng, cải tạo dự án theo từng giai đoạn là một trong những chiến thuật tiêu biểu mà các chủ đầu tư nên áp dụng để tận dụng hiệu quả cơ hội này.