Chủ nhật, 22/06/2025
logo
Tiêu dùng thông minh

Tái diễn nạn mạo danh bác sĩ, các thương hiệu bệnh viện lớn hòng trục lợi trên mạng, người dân cần đặc biệt lưu ý để không ‘sập bẫy’

Lương Thụy Bình Thứ sáu, 06/06/2025, 14:59 (GMT+7)

Chỉ với vài chiêu trò trên mạng xã hội, một số cơ sở khám chữa bệnh, fanpage ‘trá hình’ đã mạo danh bác sĩ, các thương hiệu bệnh viện lớn để quảng cáo, thu hút bệnh nhân nhằm trục lợi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe và tài chính.

Thuê người mạo danh bác sĩ quảng cáo, doanh nghiệp có thể bị phạt tối đa bao nhiêu?

Chiêu trò tự xưng bác sĩ để quảng cáo: 'Thuốc đắng' nào cho hành vi lừa dối người tiêu dùng?

Bệnh viện K cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo tinh vi, người dân lưu ý tránh mắc bẫy

Trắng trợn mượn danh bệnh viện lớn

Hiện nay, việc mạo danh bác sĩ, bệnh viện trên mạng xã hội không phải tình trạng mới nhưng ngày càng rầm rộ. Các hình thức lừa đảo thời đại 4.0 lấy người bệnh là mục tiêu trục lợi ngày càng tinh vi hơn, từ việc sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo, bán thực phẩm chức năng, cho đến lập hàng loạt fanpage gắn thương hiệu bệnh viện lớn theo kiểu “lập lờ”. Thiệt hại không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe, tính mạng người bệnh, người dân.

Điển hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) mới đây ghi nhận phản ánh một số cơ sở khám chữa bệnh, các trang mạng xã hội có sử dụng tên gọi có chứa cụm từ “Việt Đức”, đồng thời mạo danh bệnh viện hoặc các đơn vị trực thuộc để quảng cáo, lôi kéo người bệnh.

Bệnh viện Việt Đức cảnh bảo, đây là hành vi giả mạo, sử dụng thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người dân và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người bệnh.

bvvd-1338
Các kênh truyền thông chính thức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện Việt Đức.

Theo Bệnh viện Việt Đức, hiện tại, đơn vị chỉ hoạt động tại một địa chỉ duy nhất tại số 40 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; cổng ra/vào phục vụ chủ yếu cho các hoạt động hành chính của bệnh viện.

Người dân có nhu cầu đăng ký khám chữa bệnh, điều trị có thể ra/vào qua các cổng sau: Cổng số 08 Phủ Doãn, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cổng số 14 – 16 Phủ Doãn, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cổng số 18 Phủ Doãn, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bên cạnh đó, những cơ sở y tế khác sử dụng tên gọi có chứa cụm từ “Việt Đức” nhưng không nằm trong phạm vi các địa chỉ nêu trên đều không thuộc hệ thống cũng như không có liên kết chuyên môn với Bệnh viện Việt Đức, đơn vị này nhấn mạnh.

Cũng theo Bệnh viện Việt Đức, mọi thông tin chính thức của Bệnh viện bao gồm hoạt động chuyên môn, kỹ thuật điều trị mới, thông tin y tế, thông tin về cơ sở và địa chỉ khám chữa bệnh cùng các hoạt động vì cộng đồng được Bệnh viện đăng tải qua các kênh truyền thông chính thức bao gồm:  facebook.com/bvvietduc; zalo.me/benhvienvietduc;  tiktok.com/@bvvietduc;  benhvienvietduc.org; youtube.com/benhvienvietduc1906.

bs-1340
Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM) khẳng định không hề có bất kỳ bác sĩ nào tên Hoàng Thị Nhung từng công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, cũng như tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện TP Thủ Đức.

Tương tự, ngày 28/5, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM) cũng phát đi cảnh báo khẩn cấp liên quan đến tình trạng mạo danh bác sĩ đang diễn ra tại đơn vị này. Theo thông tin từ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, một số đối tượng đã sử dụng tài khoản mạng xã hội mang tên “Bác sĩ Hoàng Thị Nhung” để quảng cáo, thực hiện các hành vi thiếu minh bạch, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân và chuyên môn của các y bác sĩ trong khoa.

Bệnh viện TP Thủ Đức khẳng định không hề có bất kỳ bác sĩ nào tên Hoàng Thị Nhung từng công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, cũng như tại bệnh viện. Do đó, mọi thông tin hay hoạt động gắn với danh xưng “Bác sĩ Hoàng Thị Nhung” liên quan đến khoa này đều là bịa đặt.

Là “nạn nhân” thường xuyên của chiêu mạo danh trên mạng xã hội, có lẽ phải kể đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Những năm qua, hàng loạt fanpage có chèn cụm từ “Chợ Rẫy” xuất hiện rầm rộ, chủ yếu trong mảng thẩm mỹ. Hậu quả là, người bệnh hiểu nhầm các cơ sở thẩm mỹ có chữ “Chợ Rẫy” trong tên gọi đều do bác sĩ Chợ Rẫy phụ trách hoặc bệnh viện liên kết. Từ đó, đồng ý lựa chọn thực hiện dịch vụ. Bệnh viện Chợ Rẫy rất nhiều lần khẳng định đây là tình trạng mạo danh bệnh viện để trục lợi.

Gần nhất ngày 25/5, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục lên tiếng về tình trạng tương tự khi nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải video, bài viết sử dụng tên “Chợ Rẫy”, địa chỉ bệnh viện hoặc tự nhận là bác sĩ tại đây. Trong số đó, nổi bật là một tài khoản TikTok có tên “Bác sĩ L.”, tự giới thiệu là chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, đồng thời gắn địa chỉ Bệnh viện Chợ Rẫy trong các nội dung đăng tải. Đại diện bệnh viện xác định những thông tin này hoàn toàn sai lệch...

Tra cứu, xác minh thông tin từ ngành y tế

Để phòng tránh những rủi ro đáng tiếc, người dân được khuyến cáo nên xác minh thông tin bác sĩ và các cơ sở y tế trước khi lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,  thông qua các kênh chính thức của các bệnh viện hoặc qua các cơ quan chức năng. Đồng thời, tuyệt đối không chia sẻ dữ liệu cá nhân, tài chính hay thực hiện giao dịch khi chưa chắc chắn về độ tin cậy của đối tượng.

Trong trường hợp phát hiện các hành vi giả mạo, người dân cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng hoặc liên hệ trực tiếp với các bệnh viện để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Tiếp thị và Gia đình, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật TNHH My Way (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Bộ Y tế quy định, các bác sĩ không được phép tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng. Chính vì thế, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để quảng cáo, bán thực phẩm chức năng trên mạng là giả mạo.

Cũng theo luật sư Hồi, hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác bị pháp luật nghiêm cấm. Việc mạo danh bác sĩ để quảng cáo trên Facebook là vi phạm Luật Công nghệ thông tin.

Do đó, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, theo khoản 5, Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP) quy định, phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại…

Luật Quảng cáo cũng quy định rất rõ đối với những nội dung quảng cáo mang tính chất đặc thù như trong lĩnh vực y tế, đơn cử các sản phẩm, dịch vụ như khám chữa bệnh, thuốc, thực phẩm chức năng… thuộc nhóm quảng cáo có điều kiện, phải qua kiểm định nội dung mới được đưa ra quảng cáo, tránh đưa thông tin quá mức về chất lượng sản phẩm, luật sư Hồi nhấn mạnh.

Ngoài ra, hành vi mạo danh bác sĩ, cơ sở y tế có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trường hợp thực hiện hành vi gian dối mạo danh bác sĩ, cơ sở y tế để nhận tiền, tài sản của bệnh nhân rồi chiếm đoạt thì đối tượng thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục