Thứ năm, 15/12/2022, 11:33 (GMT+7)

Sự nguy hiểm của chứng phình mạch máu não

(Tiepthigiadinh) - Trong các trường hợp nghiêm trọng, tình trạng xuất huyết khi phình mạch máu não có thể gây tổn thương não, liệt, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

1. Phình mạch máu não nguy hiểm thế nào?

Phình mạch máu não là bất cứ một vị trí nào của động mạch não rộng hoặc giãn ra. Phình mạch máu não có thể rất nguy hiểm khi thành mạch ở một vị trí trở nên yếu, có thể vỡ gây chảy máu não gây đột quỵ não. Thông thường phình mạch máu não có thể vỡ đột ngột, gây tử vong nhanh nếu không cấp cứu kịp thời. Trường hợp nhẹ hơn có thể để lại di chứng nặng nề cho người bệnh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây phình mạch máu não là do bẩm sinh. Nhưng ngày nay một số nghiên cứu đã chứng minh phình động mạch não là do tổn thương vi mô của thành động mạch vữa xơ động mạch, do dòng chảy bất thường ở vị trí phân chia của các động mạch.

phinh mach mau nao Tiepthigiadinh H1

Đa phần phình mạch não được hình thành và phát triển dần trên cơ sở những chỗ thành mạch bị suy yếu bẩm sinh hoặc do bệnh lý. Ở những chỗ phân chia của các động mạch lớn do tác động của dòng máu lên thành mạch tạo nên túi phình động mạch.

2. Đối tượng nào dễ mắc phình mạch máu não?

Phình mạch máu não có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, vỡ phình mạch thường gặp nhất ở lứa tuổi 50 - 60 và nữ giới có tỷ lệ cao hơn nam giới.

phinh mach mau nao Tiepthigiadinh H2

Các ghi nhận cho thấy đối tượng dễ phình mạch máu não bao gồm: người có xơ vữa động mạch, xơ cứng động mạch, nhóm người trưởng thành, người cao tuổi từ 35 – 60 tuổi các túi phình mạch não dễ phát triển. Phụ nữ thường có nhiều khả năng mắc phình mạch máu não cao hơn nam giới do sự suy giảm nồng độ Estrogen trong giai đoạn mãn kinh. Những người lạm dụng thuốc điều trị, lạm dụng các chất kích thích hoặc rượu bia, có chấn thương ở đầu... dễ dẫn đến phình mạch máu não. Người ta còn thấy, những người bị dị tật tại động mạch não (do bẩm sinh hoặc di truyền...)… cũng dễ bị phình mạch máu não.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc phình động mạch được phát hiện ở những người có người thân mắc phình động cao hơn với người bình thường khác. Theo các nhà nghiên cứu nếu tiền sử trong gia đình có người mắc phình mạch não hoặc chảy máu dưới nhện thì người thân có nguy cơ cao có phình mạch não hơn 3,6 lần với người bình thường. 

3. Làm thế nào để phát hiện phình mạch máu não?

Hầu hết túi phình mạch não nhỏ thường không có triệu chứng rõ rệt tuy nhiên một số trường hợp có thể đè ép vào các mô não và thần kinh gây đau ở trên và phía sau mắt, thay đổi thị lực, tê yếu hoặc liệt mặt một bên, sụp mi.

Khi túi phình vỡ, máu tràn vào khoang dưới nhện và có thể vào nhu mô não, não thất gây đau đầu dữ dội đột ngột, buồn nôn, nôn, gáy cứng, liệt nửa người, mất ý thức, lẫn lộn, hôn mê. Chảy máu dưới nhện có tỷ lệ tử vong cao. Nếu sống sót, người bệnh có thể bị di chứng nặng nề như liệt, rối loạn ý thức, sống thực vật,… phải sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, mất khả năng lao động và nhất là kiệt quệ về kinh tế do phải điều trị kéo dài.

phinh mach mau nao Tiepthigiadinh H3

Để xác định phình mạch máu não các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch máu não hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não. Hai phương pháp này có giá trị chẩn đoán tương tự nhau, việc lựa chọn phương pháp nào do bệnh nhân và bác sĩ lựa chọn.

Theo thống kê, túi phình mạch máu não vỡ có tỉ lệ tử vong trước khi đến bệnh viện là 10-15%. Túi phình mạch não đã vỡ không xử trí trong 24 giờ đầu tử vong là 25%, trong 30 ngày đầu là 50%. Túi phình mạch não vỡ tái phát tỉ lệ tử vong tàn tật lên đến 60% – 80%. Vì vậy, đây là bệnh lý cần phải cấp cứu, can thiệp ngay nhằm phòng vỡ tái phát. Để điều trị phình mạch máu não, có nhiều phương pháp như: phẫu thuật kẹp túi phình, can thiệp nút coil mạch máu não,… Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp đem lại kết quả cao cho người bệnh.

Đa phần người bệnh có phình mạch não là không triệu chứng, chỉ khi phình mạch vỡ gây ra chảy máu dưới nhện thì mới có biểu hiện: đột ngột đau đầu, chóng mặt, nôn, yếu liệt chân tay, hôn mê… Đây là căn bệnh nguy hiểm, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nguy cơ tử vong cao, điều trị cũng rất tốn kém.

Do vậy, người dân nên xây dựng lối sống lành mạnh: không hút thuốc lá, không dùng chất kích thích, nên ăn nhạt, kiểm soát huyết áp… đặc biệt cần tầm soát mạch máu não, phát hiện túi phình, điều trị từ khi túi phình chưa vỡ.

Cùng chuyên mục