Thứ năm, 21/03/2024, 10:37 (GMT+7)

Sử dụng máy phát điện thế nào để không ngạt khí độc?

Máy phát điện là công cụ hữu ích với nhiều gia đình nhưng cũng có thể trở thành 'sát thủ thầm lặng' trong phòng kín. Tại sao lại như vậy?

Ngạt khí độc vì sử dụng máy phát điện trong phòng kín

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) gần đây tiếp nhận hai người đàn ông nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, sùi bọt mép. Được biết, khoảng 11h ngày 17/3, xóm trọ mất điện nên chủ nhà trọ mở máy phát điện. Sau khi đi làm về, hai người này ăn cơm, tắm rửa và ngủ trưa tại phòng trọ nhỏ, kín, không có cửa sổ, cách vị trí đặt máy phát điện khoảng 6m.

16h cùng ngày, không thấy hai người dậy đi làm như mọi ngày, chủ nhà trọ đã xuống phòng trọ và phát hiện cả hai người bất tỉnh nên đã hô hoán mọi người đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom. Do tình trạng quá nặng, cả hai được chuyển thẳng đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Các sĩ xác định bệnh nhân ngộ độc khí Carbon monoxide (CO) sản sinh từ máy phát điện trong không gian kín nên đã chỉ định điều trị oxy cao áp. Nếu phát hiện muộn hơn khoảng 1-2 tiếng, bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê, ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa tạng dẫn đến tử vong.

may phat dien
Khí CO2 và CO quá cao so với mức quy định trong không gian kín sẽ gây ngạt thở, khiến nạn nhân hôn mê và tử vong

Trước đó, vào tháng 7/2022, 6 người trong một gia đình ở Bình Dương đã tử vong do ngạt khí CO sinh ra trong quá trình vận hành máy phát điện. Sự việc tương tự từng xảy ra vào 4/2022 ở Phú Yên khiến 3 người hôn mê, trong đó cháu bé 13 tuổi không qua khỏi…

Khi đó, liên quan đến sự việc này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị điện đúng quy định, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, nhất là việc người dân tự sử dụng máy phát điện cá nhân cho tiêu dùng điện.

Tại sao máy phát điện sản sinh ra khí độc?

Khi hoạt động, máy phát điện thải ra rất nhiều khí Carbon dioxide (CO2) và Carbon monoxide CO để đốt cháy khí Oxy (O2). Khi đốt khí O2 quá nhiều thì khí CO2 và CO sẽ tăng cao. Khí CO2 và CO không có màu, không vị, không mùi nên rất khó nhận biết.

Khi hít phải khí CO, nạn nhân hoàn toàn không có cảm giác gì lạ. Chỉ khi nồng độ CO tăng lên trong máu thì lúc đó mới xuất hiện triệu chứng. Nhức đầu và buồn nôn có thể bắt đầu xuất hiện khi nồng độ từ 10-20% trong máu. Nồng độ > 20% gây cảm giác hơi chóng mặt, mệt mỏi thông thường, khó tập trung và giảm khả năng đánh giá. Nồng độ > 30% thường gây khó thở khi gắng sức, đau ngực (ở bệnh nhân có bệnh lý mạch vành) và lú lẫn. Nồng độ > 60% có thể gây ngất xỉu, co giật, tụt huyết áp, hôn mê, suy hô hấp và tử vong.

Khí CO vào mũi và phổi, khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch phổi vào máu và liên kết với huyết sắc tố, nó có ái lực lớn gấp 240 lần so với ái lực O2, liên kết này bền vững hơn O2 rất nhiều dẫn tới chất huyết sắc tố không thể gắn với O2 được nữa.

Việc này khiến tất cả mô và tế bào cơ thể không được cung cấp O2. Nếu não không được nạp O2 từ 4-5 phút sẽ bắt đầu bị tổn thương; sau 9-10 phút sẽ bị tổn thương hoàn toàn và không thể hồi phục được, người bệnh sẽ nhanh chóng bị tổn thương các cơ quan và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Sử dụng máy phát điện an toàn, tránh ngạt khí độc

Để không gặp phải cháy nổ, ngạt khí độc khi dùng máy phát điện, các chuyên khuyên người dân khi sử dụng cần chú ý như sau:

Khi mua máy phát điện, các gia đình nên chọn loại có hiệu suất biến đổi năng lượng cao để tiêu thụ tốt số xăng dầu đưa vào, biến nó thành điện thay vì khí thải độc hại. Theo EVN, nên sử dụng máy phát điện có công suất lớn hơn từ 10-15% công suất tổng của các thiết bị điện trong gia đình.

Đặt máy phát điện ở nơi thoáng khí. Chỉ sử dụng máy phát điện bên ngoài, cách xa nhà, cách xa cửa ra vào và cửa sổ từ 6m trở lên.

Không sử dụng máy phát điện trong nhà, kể cả để ở xa phòng ngủ như nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà kho, nhà xe... ngay cả khi cửa ra vào và cửa sổ đang mở cũng không an toàn. Không nên đặt máy ở khu vực ẩm ướt hoặc gần bếp lửa, tuyệt đối không vận hành thiết bị khi trời đang mưa.

may phat dien
Đặt máy phát điện ở nơi thoáng khí

Trường hợp phát hiện các nạn nhân bị ngạt khí, người dân cần mở các cửa để không khí tràn vào và nhanh chóng đưa ra khỏi nơi có khí độc. Nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh cần được đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.

Nên lắp cầu dao chuyển tiếp, đảo nguồn điện giữa hệ thống điện lưới và điện từ máy phát để tránh làm hỏng thiết bị khi có điện lưới trở lại; lắp đặt dây tiếp đất cho máy phát điện để đề phòng điện rò rỉ.

Chỉ sử dụng một loại nhiên liệu cố định và đúng với chỉ dẫn của nhà sản xuất. Nguồn nhiên liệu không đồng nhất, có lẫn nước hoặc tạp chất sẽ khiến máy hoạt động không ổn định, lắng cặn trong thùng chứa và phát ra tiếng nổ khi vận hành.

Đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo tư vấn lắp đặt, đấu nối máy phát điện từ những người có kinh nghiệm chuyên môn hoặc am hiểu kỹ thuật. Việc đấu nối nguồn điện từ máy phát điện không đúng kỹ thuật có thể gây nổ cầu chì, hỏng máy phát hoặc các thiết bị sử dụng trong gia đình.

Không nên tiếp thêm nhiên liệu khi máy đang hoạt động, vì sẽ gây nguy cơ cháy nổ. Người dân không sử dụng khi máy phát ra tiếng kêu to, khác thường hoặc xuất hiện khói, mùi khét; không vận hành máy khi nhiệt độ nước làm mát hoặc nhiệt độ động cơ quá cao.

Sau mỗi lần sử dụng, cần kiểm tra toàn bộ thiết bị, bổ sung nước làm mát và tra thêm dầu nếu cần thiết. Sau 50 giờ sử dụng, cần thay dầu, làm sạch bộ lọc nhiêu liệu và thay nhiên liệu mới. Sau khoảng 100 giờ sử dụng, nên tháo toàn bộ lượng dầu cũ trong máy và thay dầu mới, vệ sinh bộ chuyển động và bộ lọc gió…

Cùng chuyên mục