Sở Công Thương Hà Nội bất ngờ nói về 'địa chỉ trách nhiệm' vụ phát hiện gần 600 loại sữa giả
Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, đây là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế. Sở không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm thực phẩm của hai doanh nghiệp này.
Người nổi tiếng quảng cáo: Không chỉ cấm sóng, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe!
Người nổi tiếng quảng cáo: Khi niềm tin từ công chúng trở thành ‘công cụ’ để cá nhân trục lợi!
"Thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế"
Đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn, có doanh thu gần 500 tỉ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Đường dây này sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả với số lượng lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước khiến người tiêu dùng rất lo ngại và phẫn nộ.
Sau khi Bộ Công Thương (Cục Quản lý thị trường trong nước) và Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) nói về trách nhiệm quản lý, đến lượt Sở Công Thương Hà Nội lên tiếng.

Trong công văn phát đi hôm qua, Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Nghị định số 15/2018 ngày 2/2/2018 của Chính phủ, trách nhiệm quản lý Nhà nước về sản phẩm sữa được phân định rõ theo từng nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành.
Trong đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhóm sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng - bao gồm việc tiếp nhận tự công bố, xác nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.
Ngành Công Thương phụ trách nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường (không bao gồm sữa bổ sung vi chất hoặc thực phẩm chức năng).
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, sở không tiếp nhận hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm sữa do Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất. Thanh tra Sở và lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội cũng chưa tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm với hai công ty này từ năm 2021 đến nay do không thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành.
Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, đây là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế. Theo quy định, sở không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm thực phẩm của hai doanh nghiệp này.
Lực lượng Quản lý thị trường chỉ được kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Chuyển 2 vụ việc đến cơ quan điều tra
Sở Công Thương Hà Nội cho hay, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Công Thương Hà Nội.
Từ năm 2021 đến nay, sở đã kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành với 289 doanh nghiệp, xử phạt hành chính 47 đơn vị với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Riêng lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 2.256 vụ vi phạm liên quan đến ATTP, phạt hành chính hơn 31,6 tỉ đồng, buộc tiêu huỷ hàng vi phạm trị giá gần 56,7 tỉ đồng.
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (trước đây là Cục Quản lý thị trường) đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.256 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) và liên quan đến ATTP. Trong đó, đã xử phạt hành chính tổng số tiền 31,7 tỷ đồng, buộc tiêu hủy số tang vật, hàng hóa vi phạm về ATTP trị giá gần 56,7 tỷ đồng.

Đối với mặt hàng sữa, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt 53 vụ với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng. Tổng số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy với mặt hàng sữa là: 5.853 lon, hộp, chai với giá trị 200,1 triệu đồng.
Riêng năm 2024, chi cục đã kiểm tra, phát hiện và chuyển 2 vụ việc vi phạm liên quan đến sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng (TPCN) sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.