Từ vụ gần 600 loại sữa bột giả tuồn ra thị trường, người tiêu dùng đã mua, sử dụng sản phẩm có thể khởi kiện không?
Theo luật sư, người tiêu dùng đã mua và sử dụng các sản phẩm sữa bột giả, nếu có tổn hại đến sức khỏe hoặc tài chính có thể làm đơn khởi kiện để yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh…
Kê đơn cho bệnh nhân có sản phẩm liên quan đường dây sữa giả, Bệnh viện 108 phản hồi thế nào?
Từ vụ phát hiện đường dây sữa giả: Làm sao nhận biết sữa bột giả giữa thị trường hỗn loạn?
Trước ồn ào bị tố quảng cáo sữa giả, sữa kém chất lượng, MC Quyền Linh nói gì?
Chỉ trong khoảng 4 năm, từ năm 2021 đến nay, 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, đã được phân phối và tiêu thụ trên thị trường, thu về gần 500 tỷ đồng. Kết quả giám định cho thấy, nhiều mẫu sữa không có thành phần như công bố, chứa phụ gia không rõ nguồn gốc, chỉ đạt dưới 70% tiêu chuẩn dinh dưỡng.
Thông tin trên không chỉ gây chấn động vì số tiền bất chính thu được mà còn là thu ngay trên sản phẩm làm giả được công bố, lưu thông công khai. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy sản phẩm với không biết bao nhiêu thứ nguyên liệu thay thế, được mạo danh bằng “chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó” đã đi thẳng vào… dạ dày của người tiêu dùng, đặc biệt là các đối tượng dễ tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu.

Từ vụ việc trên, vậy người tiêu dùng mua và sử dụng phải hàng giả, nhất là các sản phẩm thực phẩm như sữa giả, thuốc… gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tài chính thì quy trình, thủ tục pháp lý cần có như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công Ty Luật TNHH My Way (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, hành vi của các bị can trong vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả nêu trên đã vi phạm các quy định tại Điều 193 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 221 Bộ Luật Hình Sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại gây ra về tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, số tiền các bị cáo đã thu lợi bất chính để xác định mức hình phạt các bị can có thể phải chịu. Mặt khác, các bị can còn có thể bị áp dụng các tình tiết tăng nặng như: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp khi xây dựng hệ sinh thái nhóm các công ty để thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Ngoài trách nhiệm hình sự, các bị can còn có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho người tiêu dùng, các thiệt hại có thể kể đến là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe do sử dụng các sản phẩm sữa giả, thiệt hại về tài chính do mua, sử dụng các sản phẩm là sữa giả.
Ở góc độ người tiêu dùng, theo Luật sư Lê Văn Hồi, nếu mua phải sản phẩm sữa giả, người tiêu dùng có thể liên hệ, làm việc trực tiếp với người bán đề nghị làm rõ về nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
Nếu không được làm rõ, có cơ sở để nghi ngờ về nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu nại kèm theo các hồ sơ, tài liệu đã thu thập được tới một trong những cơ quan sau: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan Công an nơi người tiêu dùng mua sản phẩm để yêu cầu giải quyết, xử lý vi phạm của các cá nhân, tổ chức.
Trong trường hợp đã sử dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, người tiêu dùng cần khám sức khỏe, xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến tính mạng, sức khỏe bị ảnh hưởng.
Khi có kết luận của bệnh viện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khẳng định việc người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng bởi các sản phẩm là hàng giả, có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh như chi phí khám chữa bệnh, thời gian tổn thất điều trị bệnh, chăm sóc hồi phục sức khỏe, chi phí mua sắm hàng hóa…, luật sư nhấn mạnh.
Đối chiếu với những quy định của pháp luật hiện hành, người tiêu dùng đã mua, đã sử dụng các sản phẩm sữa giả có thể tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người bị hại.