Rủi ro của thị trường tài chính năm 2024
Mặc dù về tổng thể thị trường tài chính Việt Nam 2023 có những điểm sáng nhưng bước vào năm 2024 vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro như vấn đề thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, sở hữu chéo hay cơ cấu lại các tổ chức tài chính…
Đây là một trong những nội dung được TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng chia sẻ.
PV: Gói hỗ trợ lãi suất 2% đã kết thúc, nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn gói hỗ trợ này khởi động lại. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả không mong muốn này?
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Sau hơn 1 năm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% (40.000 tỷ đồng), tính đến hết năm 2023 cả nước mới hoàn thành được 873 tỷ đồng (gần bằng 2% kế hoạch). Nguyên nhân của việc chưa hoàn thành kế hoạch là doanh nghiệp nhận được gói đó cần đáp ứng một số điều kiện rất ngặt nghèo như phải có BCTC, phương án hoạt động, tài sản đảm bảo…
Năm 2023 kinh tế vĩ mô gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận doanh thu của đa số doanh nghiệp đều giảm. Từ “sức khoẻ” yếu như vậy nên doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay và hỗ trợ lãi suất 2%.
Để thành công, trước khi triển khai, các cơ quan quản lý phải đánh giá doanh nghiệp có vay được không vì nếu không vay được thì gói hỗ trợ đó vô nghĩa. Trên thực tế, năm 2023 số doanh nghiệp có thể vay được không nhiều. Không chỉ cho vay thế chấp mà cần cả cho vay tín chấp. Nghịch lý, trong khi có doanh nghiệp cần vay lại không vay được do họ không có tài sản thế chấp.
PV: Thưa ông, lãi suất hiện đã giảm sâu, có thể thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi suất cho vay còn cao. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Từ giữa năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên tôi cho rằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng giảm không tương xứng. Có lẽ rủi ro của nền kinh tế mà bắt buộc các ngân hàng cần phải giữ lãi suất cho vay cao. Trong hoạt động kinh doanh có bù trừ cho rủi ro, như vậy bù trừ rủi ro được tính cho lãi suất cho vay. Những ngân hàng nào lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Chính vì điểm đó các ngân hàng đã cho vay rất chậm trong năm 2023, đến cuối năm mới đạt được tăng trưởng tín dụng hơn 13%. Các NH không phải họ không cho vay mà họ đang tính đến những rủi ro, do đó lãi suất phải bù trừ cho rủi ro đó.
PV: Vấn đề sở hữu chéo, đây là một trong những điểm hạn chế của hệ thống ngân hàng. Luật Tổ chức tín dụng 2024 vừa được thông qua liệu có giải quyết được tồn tại?
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Sở hữu chéo trong ngân hàng không những không được triệt tiêu mà còn “phát triển” hơn trong 20 năm qua, đơn cử như SCB nằm trong tay tài phiệt, được điều hành bởi một một nhóm người.
Tại Luật Tổ chức tín dụng vừa được thông qua hồi đầu năm 2024, cân đối tỷ lệ cho vay/vốn chủ sở hữu là việc cần thiết, để tránh 1 cổ đông hay 1 nhóm cổ đông lợi dụng ngân hàng làm sân sau cho họ, lợi dụng tín dụng trục lợi cho bản thân doanh nghiệp của mình. Tất cả vấn đề kéo cổ phần của cổ đông xuống thấp tại một ngân hàng chỉ là hình thức. Điều quan trọng là NHNN có thể kiểm tra cổ đông chiếm cổ phần. Trước đây, theo Luật Tổ chức tín dụng, cổ đông chiếm 10%; theo Luật Tổ chức tín dụng 2024 cổ đông tối đa chỉ được 5%. Như vậy, họ có thể nhờ 2 người mua 1 lượng cổ phần đúng theo quy định, gộp chung lại, góp lại họ có thể khuynh đảo ngân hàng.
Hiện NHNN chưa có biện pháp nào ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo. Việc yêu cầu các cổ đông khai báo họ hàng thân thiết và các bên liên quan, nhưng các cổ đông vẫn qua mặt NHNN được một cách dễ dàng. Bởi họ tìm những người không có trong danh sách khai báo, những người đó nắm giữ cổ phần theo chỉ định của họ, NHNN không đưa ra chế tài xử lý được.
Vì vậy, quy định giảm tỷ lệ cổ phần của các cổ đông không giải quyết được vấn đề, mà NHNN phải có biện pháp chế tài có thể xử lý tình trạng gian dối, không minh bạch. Những NHNN đưa thông tin sai lệch, gian dối thì cần có biện pháp mạnh là rút giấy phép ngân hàng đó, khai tử 1 ngân hàng.
- PV: Để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tài chính và thị trường tài chính (theo các đề án đã ban hành) cần lưu ý những vấn đề gì?
-TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết chúng ta thực hiện theo Luật TCTD, các ngân hàng cần có chính sách tín dụng thực chất, ngoài việc cho các doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì cho các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo và cho vay tín chấp. Nhưng cho vay tín chấp tại Việt Nam vẫn cần có tài sản đảm bảo để tránh rủi ro, vì nếu hoàn trả đầu tiên, dòng vốn của doanh nghiệp không thực hiện được trả nợ cho ngân hàng thì ngân hàng có tóc để nắm. Có lẽ cần cho vay tín chấp, sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp có phương án kinh doanh nhưng không có tài sản đảm bảo.
Đối với vấn đề hạn chế sở hữu chéo, NHNN nên có biện pháp chế tài cực mạnh, thu hồi giấy phép nếu ngân hàng sai phạm. Ngành ngân hàng phải hiểu rằng họ là định chế tài chính, được sự bảo vệ của Luật pháp, họ cần nghĩ đến đại cuộc thay vì lợi ích cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp, ngân hàng, tránh việc sử dụng sân sau của mình.
Nhìn chung, thời gian qua NHNN đã thành công trong việc giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát được lạm phát, đã đóng góp cho GDP Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 5,05%. Tuy nhiên, điểm hạn chế là NHNN đã không thực hiện được thúc đẩy các TCTD cung cấp lượng vốn dồi dào cho doanh nghiệp, để nhiều Doanh nghiệp rời thị trường, trung bình 14.000 doanh nghiệp rời thị trường trong 1 tháng, đa phần vì sức khoẻ tài chính, mặc dù đã giảm lãi suất nhưng không hỗ trợ được nhiều.