Rửa bát có những thói quen này chẳng khác nào nuôi vi khuẩn, sửa ngay kẻo rước bệnh vào người
Rửa bát tưởng chừng là việc đơn giản nhưng nếu còn giữ thói quen sai lầm này, bạn sẽ khiến vi khuẩn gia tăng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cất bát đĩa sai cách gây nguy hiểm như thế nào?
Theo Phụ nữ Việt Nam, bác sĩ trưởng Khoa Phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh, Lin Guole cho biết: “Việc đặt bát đĩa không đúng cách có thể sinh ra virus và vi khuẩn, do đó ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình”.
Viện Nghiên cứu Thiết bị Gia dụng (Trung Quốc) từng làm một thí nghiệm. Sau khi rửa bát, cất bát đũa theo 2 cách: Bát đũa được xếp theo hướng thẳng đứng là nhóm một, bát đũa xếp chồng lên nhau là nhóm hai. Kết quả thu được cho thấy, số lượng vi khuẩn được tìm thấy trong nhóm 1 là 8.000cfu/bộ; trong khi nhóm 2 là 560.000cfu/bộ - nghĩa là gấp 70 lần..
Lý do là bát đĩa khi được xếp chồng lên nhau sẽ không khô hẳn được. Để thời gian lâu ngày sẽ dễ sản sinh nấm mốc, tăng nguy cơ ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thực quản...
Hơn thế, đũa, bát, thìa... là vật dụng cá nhân, nếu chạm vào nhau có thể lây lan virus gây bệnh như Escherichia coli, Salmonella, rotavirus và norovirus có thể gây viêm dạ dày ruột cấp tính. Nghiêm trọng hơn có thể gây nôn mửa và tiêu chảy, đe dọa đến tính mạng.
Chính vì vậy, bên cạnh việc vệ sinh thì mọi người cũng cần lưu ý đến việc bảo quản bát đũa. Để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nên đặt bát đĩa thẳng đứng để nước thoát ra dễ dàng hơn.
Thói quen khi rửa bát gây hại cho sức khỏe
Rửa bát là công việc thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của các chị em nội trợ. Tuy nhiên, có những sai lầm khi rửa bát mà mọi người rất hay mắc phải. Điều này vừa khiến bát đĩa không sạch mà lại ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình.
Đổ trực tiếp nước rửa chén lên chén bát
Đây là một trong những sai lầm nhiều người mắc phải. Yan Zonghai - nhà nghiên cứu chất độc tại Bệnh viện Chang Gung Memorial (Đài Loan, Trung Quốc) khuyến cáo rằng không nên đổ trực tiếp nước rửa bát vào chén đĩa bẩn, vì điều này không những không tăng hiệu quả làm sạch mà còn khiến chất tẩy rửa bám vào bát đĩa, khó rửa sạch 100%. Khi sử dụng để đựng đồ ăn, các hóa chất còn sót lại trong đó sẽ thôi ra đồ ăn, đi vào cơ thể người, ảnh hưởng đến đường ruột, thậm chí gây bệnh tiêu chảy, đau bụng.
Ngoài ra, thói quen này còn làm hỏng mùi vị món ăn cũng như làm bát đĩa mau hỏng, dễ vỡ hơn. Vì vậy, lời khuyên cho mọi người là hãy đổ một chút nước rửa bát vào khoảng nửa bát nước, sau đó hòa đều cho loãng ra rồi mới sử dụng.
Ngâm bát đũa quá lâu với nước rửa chén
Nhiều bà nội trợ thường có thói quen ngâm bát đũa trong nước rửa chén pha loãng vì thấy thức ăn dễ bở ra để cọ sạch hơn. Tuy nhiên, đây là thói quen cực kỳ sai lầm bởi ngâm bát đũa càng lâu càng khiến lượng vi khuẩn tăng lên, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật, thậm chí là ung thư.
Việc bạn ngâm xoong nồi quá lâu trong dung dịch nước rửa bát sẽ khiến hóa chất có điều kiện ngấm sâu vào bề mặt xoong nồi. Đặc biệt, việc này càng nguy hiểm hơn nếu như bạn sử dụng bát, đũa làm bằng tre hay gỗ vì một khi ngâm lâu sẽ ngấm hóa chất, có cọ rửa kỹ đến mấy cũng không sạch hết được.
Vì vậy, ngay sau khi dùng xong bạn nên rửa bát đĩa luôn, trường hợp khó rửa hãy dùng nước ấm hoặc ngâm với nước rửa chén cực loãng trong thời gian tối đa là 30 phút, tuyệt đối không để qua đêm.
Dùng quá nhiều nước rửa bát
Nhiều người cho rằng càng nhiều bọt càng sạch nên họ đổ lượng lớn nước rửa chén vào bát đũa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lạm dụng nước rửa bát vừa khiến công đoạn tráng, làm sạch tốn nhiều công sức, thời gian hơn và nếu không rửa kỹ thì càng khiến xoong nồi bát đĩa bám đầy hóa chất. Những loại chất độc này sẽ còn sót lại và thôi nhiễm với đồ ăn sau khi dụng cụ đó được tái sử dụng. Chúng sẽ đi vào cơ thể người và gây ra những tác hại lớn đến sức khỏe.
Giẻ rửa chén không sạch
Các loại dụng cụ rửa chén bát như xơ mướp, bọt biển, lưới rửa bát… rất nhiều vi khuẩn nhưng lại được ít được quan tâm làm sạch, thay mới vì họ cho rằng vì ngày nào cũng tiếp xúc với nước và dung dịch rửa bát thường xuyên nên sẽ không bị bám bẩn.
Tuy nhiên, theo đại học Giessen ở Đức và Viện Helmtz ở Munich, trong miếng bọt biển rửa bát và miếng cọ rửa có tới 362 loại vi khuẩn gây bệnh. Mỗi cm vuông trong một miếng bọt biển có thể chứa tới 54 tỉ vi khuẩn, gấp 200.000 lần so với bồn cầu và tương đương với lượng vi khuẩn trong phân người.
Bởi vậy, bạn nên nhớ thay dụng cụ rửa bát thường xuyên để tránh làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn nhé.