Rối loạn tâm thần vì áp lực học hành
Lu Beina thấy buồn cười khi lần đầu nghe con gái 7 tuổi nói mơ làm toán nhưng khi con liên tục nói mơ về chuyện học hành, cô bắt đầu lo lắng.
Beina nghi ngờ chính mình khi lo lắng về chuyện sức khỏe tâm thần của cô bé. Dù vậy, bản năng của cô đã đúng. Con gái cô đã bị bủa vây vì áp lực học hành không ngừng nghỉ ở trường. Nỗi lo về những bài kiểm tra toán, tiếng Anh khiến cô bé không ngủ được, thức dậy sớm và ngày càng thu mình hơn.
Lu không phải bà mẹ duy nhất lo sợ vấn đề này. Sức khỏe tinh thần của học sinh đang trở thành chủ đề được quan tâm tại Trung Quốc. Nhiều người cho rằng hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt làm trẻ em ngày một yếu đi.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của các chuyên gia tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tỷ lệ rối loạn tâm thần trong độ tuổi từ 6 đến 16 là 17,5%. Nhiều vụ tự tử của trẻ em xảy ra trong các tháng vừa qua ở Thiên Tân, Thượng Hải và làm dấy lên tranh luận trên mạng xã hội, kêu gọi thay đổi trong hệ thống giáo dục.
Nhà chức trách Trung Quốc đã giới thiệu một số biện pháp nhằm giảm tải áp lực học hành lên học sinh như cấm gia sư và giao nhiều bài tập về nhà. Dù vậy, các chuyên gia tâm lý tại các trường học, bệnh viện nhận xét đây vẫn là vấn đề nhức nhối. Họ chứng kiến ngày càng nhiều trẻ gặp rối loạn lo âu từ rất nhỏ.
Số điện thoại đường dây nóng tư vấn tâm lý của Thượng Hải ghi nhận các cuộc gọi của học sinh tăng mạnh từ khi ra đời tháng 9/2021. Ban đầu, chỉ khoảng 1/4 cuộc gọi liên quan đến tâm lý trẻ em, thanh thiếu niên, nhưng đến nay, tỷ lệ lên tới gần 30% - có những em mới 12 tuổi. Con số chưa bao gồm cuộc gọi từ phụ huynh, theo Jin Jin, quản lý đường dây nóng kiêm chuyên gia tại Trung tâm sức khỏe tinh thần Thượng Hải.
Các chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân dẫn đến nhu cầu tâm lý tăng mạnh, một trong số đó là nhận thức cộng đồng về sức khỏe tinh thần được nâng cao.
Nguyên nhân thứ hai là áp lực học hành lên trẻ ngày một lớn. Chúng đến từ nhiều phía, không chỉ từ nhà trường mà còn từ cha mẹ. Một giáo viên tâm lý giấu tên cho biết, phụ huynh ép con học tập vất vả từ độ tuổi nhỏ hơn so với trước.
Trước đây, học sinh tập trung nhồi nhét trong vài năm cho cuộc thi vào đại học, hay còn gọi là cao khảo. Tuy nhiên, ngày nay, cuộc đua vào trường cấp ba (trung khảo) cũng rất khốc liệt. Khoảng 50% học sinh cấp hai bị rớt trung khảo và theo học trường dạy nghề. Nhiều gia đình không muốn con rơi vào nhóm này.
Một lý do khác khiến phụ huynh sốt ruột hơn là bản thân họ cũng căng thẳng hơn. Từ khi Trung Quốc cấm gia sư tư nhân, nhiều bố mẹ phải tự kèm con học. Cân bằng giữa công việc toàn thời gian với dạy kèm con không phải điều dễ dàng. Một chuyên gia tâm lý học tại bệnh viện Thượng Hải nhận định điều này tạo ra áp lực mới giữa bố mẹ và con cái. Sự lo lắng của phụ huynh dễ lây sang con.
Theo Jin, học sinh tiểu học và trung học dễ bị lo lắng. Cô thường xuyên nhận thấy trẻ gặp vấn đề cảm xúc khi lên lớp 3. Giai đoạn này, trẻ bắt đầu cảm thấy áp lực từ bạn bè. Các em chưa thể kiểm soát được áp lực, sợ bị khiển trách, sợ không được như kỳ vọng và sợ những điều tồi tệ có thể xảy ra. Tất cả đều kích hoạt sự lo lắng ở trẻ.
Tiếp đến là áp lực từ trường học. Các trường tư, nơi giảng dạy khoảng 10% học sinh Trung Quốc luôn tạo một không khí cạnh tranh cao độ. Uy tín của họ thường dựa vào điểm số trong các kỳ thi và họ ép học sinh học chăm chỉ hơn để đạt điểm cao.
Thời gian gần đây, văn hóa đó ngày càng trầm trọng. Để giảm nhẹ vai trò của điểm số, 15 thành phố bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu đã áp dụng phương thức tuyển sinh bốc thăm. Dù vậy, theo các giáo viên và phụ huynh, nó vô tình gây ra hệ lụy: trẻ em có trình độ kém hơn phải vào học trường tư do "trượt xổ số". Một số trường cố giải quyết mâu thuẫn bằng các bài kiểm tra đầu vào.
Một giáo viên trường tư ở Thượng Hải tiết lộ, vài em không biết làm tính cơ bản hay nhận ra 26 ký tự tiếng Anh. Điều đó khiến các thầy cô giáo hoảng hốt, phải chịu áp lực lớn vì các em học sinh này bị tụt lại. Để theo kịp, cả thầy và trò phải cùng nhau cố gắng hơn.
Đây chính là kiểu trường mà con gái 7 tuổi của Lu theo học. Cô từng cho rằng cả nhà sẽ được giải phóng khỏi gánh nặng tìm gia sư cho con nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Họ phải gửi con đến các lớp học thêm để đáp ứng được yêu cầu từ nhà trường. Chỉ trong vài tuần, con gái Lu lộ dấu hiệu căng thẳng. "Con bé thấp thỏm khi trở về nhà. Nó nói không được nghỉ giữa các tiết học vì có quá nhiều bài kiểm tra phải hoàn thành. Nó không muốn đến trường", cô hồi tưởng.
Lu lo lắng về con gái. Cô đến trường để hỏi nhưng được trấn an con cô đang học tốt. Do sĩ số lớp là 45, Lu nghi ngờ giáo viên cũng không thể theo sát học sinh. Trong khi đó, tình trạng của con gái tồi tệ hơn. Sau kỳ thi giữa kỳ vào tháng 4, con bé bắt đầu nói mơ, mất ngủ, đau dạ dày trước khi đi học. Bác sĩ nhấn mạnh thể chất cô bé không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, điều làm Lu sốc nhất là khi con gái hỏi mình: "Mẹ còn yêu con không"?
Với những người làm cha mẹ như Lu, rất khó để tìm được chuyên gia giúp đỡ con mình. Lu, 42 tuổi, được nuôi dạy trong thời đại mà sức khỏe tinh thần là điều chưa được quan tâm. Ban đầu, cô thậm chí không biết có giáo viên tâm lý ở trường học.
Phần lớn các trường đều tuyển dụng cố vấn để giúp trẻ em vượt qua các vấn đề cảm xúc, cũng như dạy trẻ về sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, họ cũng bị quá tải.
Nhiều phụ huynh đưa con đến các bệnh viện để tư vấn. Song, các dịch vụ này cũng đang đứng trước nhu cầu tăng mạnh. Chẳng hạn, Trung tâm sức khỏe tinh thần Thượng Hải phải giới hạn thời gian 4 tháng giữa các lần bệnh nhân tiếp nhận điều trị. Họ không có đủ bác sĩ để điều trị cho bệnh nhi.
Ji Longmei, cố vấn chuyên về tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên, cho biết khách hàng của cô ngày một nhiều. Số bệnh nhân từ 8 đến 9 tuổi đã tăng trong vài năm qua. Nguồn gốc chung dẫn đến lo lắng của nhóm này là sợ không theo kịp yêu cầu học tập. Trẻ luôn trong tình trạng lo lắng.
Vài ngày trước, Lu đã liên lạc được với số đường dây nóng tư vấn tâm lý Thượng Hải. Cô thấy an tâm khi chuyên gia cho biết tình trạng của con gái sẽ cải thiện với sự hỗ trợ hợp lý từ gia đình. Dù Lu không thể thay đổi không khí tại trường học của con, cô quyết định làm mọi thứ có thể để giúp con gái bình tĩnh.
"Tôi nói với con không cần phải là số một. Trung bình hoặc dưới trung bình cũng không sao. Mẹ luôn yêu con dù thế nào đi nữa, không liên quan đến điểm số. Sau cùng, tôi chỉ muốn con gái khỏe mạnh và hạnh phúc", Lu tâm sự.