Chùa Văn Môn - Ngắm nhìn tòa tháp 15 tầng độc nhất vô nhị
Chùa Văn Môn gần đây đang là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được nhiều người lựa chọn đến viếng thăm, lễ phật. Nơi đây không chỉ có lịch sử hình thành lâu đời cùng những lối kiến trúc thượng tầng vô cùng độc đáo mà còn đại diện cho một nền Phật giáo lâu đời của tỉnh.
Bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm những thông tin thú vị về chùa Văn Môn này nhé.
Chùa Văn Môn nằm ở đâu?
Chùa Văn Môn hay còn gọi là chùa Thánh Quang. Ngôi chùa tọa lạc tại vị trí xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng chừng 70km và Hà Nội tầm 30km. Để đi đến chùa Văn Môn từ Bắc Ninh, bạn hãy đi theo quốc lộ 18 rồi rẽ vào đường DT839 là sẽ đến nơi.
Lịch sử hình thành chùa Văn Môn
Chùa Văn Môn có lịch sử hình thành từ lâu đời. Trải qua bao nhiêu biến cố cùng thời gian, ngôi chùa đã bị hỏng nặng. Đến năm 2000, chùa được nhân dân và chính quyền địa phương phục dựng lại những nét cơ bản. Mãi sau đó đến năm 2012, nhờ sự đầu tư của tập đoàn Hanako, chùa Văn Môn mới được được trùng tu, sửa chữa với quy mô lớn. Nổi bật nhất là sự xuất hiện của tháp Đại Bi Kim Cương với 15 tầng vô cùng hoành tráng. Ước tính kinh phí đầu tư sửa chữa cho ngôi chùa khoảng chừng 800 tỷ đồng.
Cùng với công sức của biết bao người, ngôi chùa được khánh thành vào đúng ngày lễ đặc biệt của dân tộc - ngày 10/3 âm lịch, năm 2019. Trước đó hai ngày, chùa cũng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa cấp tỉnh. Chùa Văn Môn đã mở ra một thế giới tâm linh, thiêng liêng, nơi những người con tìm về với những giây phút yên bình, tĩnh lặng.
Kiến trúc nổi bật của chùa Văn Môn
Chùa Văn Môn được thiết kế tỉ mỉ với những nỗ lực gìn giữ và đưa văn hóa truyền thống Việt Nam vào trong từng thiết kế. Không gian chùa toát lên vẻ thiền tu thanh tịch, trầm cổ, đậm chất Bắc Bộ. Điểm nổi bật của chùa là sự kết hợp hài hòa về màu sắc, sự pha trộn giữa nét đẹp truyền thống đền chùa Việt Nam và cổ điển của những ngôi chùa tầm cỡ thế giới.
Nhắc đến chùa Văn Môn, người ta không thể không nhắc đến một công trình kiến trúc đặc sắc mang tên bảo tháp Đại Bi kim cương. Đây là công trình được xây dựng thêm sau khi chùa trùng tu lại và là bảo tháp được xem là độc nhất vô nhị hiện nay. Bảo tháp này được xây dựng với cấu trúc 15 tầng, bên trong có 158 pho tượng. Đây là pho tượng thờ Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, Bồ tát, Đại Hạnh Phổ Hiền…Bên cạnh đó còn có các vị anh hùng, tướng lĩnh, những người có công xây dựng và gìn giữ đất nước từ thời vua Hùng.
Song song với đó là 108 quả chuông nhỏ treo từ tầng 2 đến tầng 14, trừ 12 quả ở tầng 14 thì còn lại mỗi tầng đều treo 9 quả. Tất cả những quả chuông được tự động đánh thông qua cảm biến hiện đại gắn tại đầu dùi đánh chuông chính…Khi quả chuông lớn nhất được đánh thì những quả chuông nhỏ còn lại sẽ tự động cùng ngân vang. Chính vì điểm đặc biệt này, vào năm 2019, chùa được Guinness Thế giới xác lập kỷ lục “Tháp Đại Bi Kim Cương với hệ thống 158 tượng đồng mạ vàng và 108 chuông đồng mạ vàng, đánh một tiếng vang tự động nhiều nhất thế giới”.
Đây cũng là ngôi chùa gắn nhiều câu kinh phật nhất. Mỗi viên gạch được khắc những câu trích từ chú Đại Bi. Bên trong tòa bảo tháp, toàn bộ gạch ốp cũng được in hàng vạn câu kinh Phật. Nơi đây cũng có hệ thống tranh kính nhiều nhất với diện tích 252m² chứa 158 bức. Tranh kính nơi đây in các hình ảnh về chư Phật, chư Bồ tát, Hộ pháp...Chùa đã lọt vào kỷ lục Guinness Thế giới năm 2019 “Tháp Đại Bi Kim Cương, ngôi tháp có hệ thống tranh kính chủ đề Phật giáo nhiều nhất thế giới”. Bổ sung vào kho tàng văn hóa của chùa là hơn 200 tác phẩm điêu khắc trên đá nói về lịch sử của Việt Nam, đời sống sinh hoạt dân gian cùng các hoa văn, họa tiết Phật giáo.
Ngoài 2 kỷ lục thế giới nêu trên, Chùa Văn Môn còn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận thêm có 8 kỷ lục. Sự ghi nhận này không chỉ góp phần tôn vinh giá trị truyền thống Phật giáo Việt Nam mà còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc, về quá trình dựng nước và giữ nước gian khổ của ông cha. Có thể nói rằng, tòa bảo tháp là chính là biểu tượng hùng hồn của hòa bình, đoàn kết và hạnh phúc.
Lưu ý khi đến chùa Văn Môn
Chùa Văn Môn luôn là điểm đến thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Đông nhất là những ngày xuân đầu năm, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền dân tộc. Những du khách đến đây như tìm về một chốn bình an, thanh tịnh trong lòng, mang theo những nguyện cầu an lành, hạnh phúc. Để có một chuyến về thăm chùa trọn vẹn ý nghĩa, các bạn hãy nhớ lưu ý một số điều sau đây nhé.
Mặc dù là đi du xuân hay chụp ảnh, khi đến chùa hãy nhớ mang trang phục gọn gàng, lịch sự. Đừng mặc những bộ đồ quá lòe loẹt hay quá ngắn, hở hang. Điều này sẽ không phù hợp với văn hóa chùa chiền một xíu nào đâu nhé.
Chốn chùa linh thiêng nên nếu có dâng lễ vật hãy hạn chế sử dụng đồ mặn làm lễ. Những lễ vật dâng lên là những lễ vật chay như hoa quả, xôi chè…Cũng không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng phật tại chùa.
Chùa Văn Môn được xây dựng với công sức và trí óc của rất nhiều người. Vì vậy, là thế hệ con cháu, khi đến với chùa hãy có ý thức giữ gìn và bảo vệ của công trong chùa. Đừng vứt rác lung tung, hay tùy ý vẽ, để lại ký hiệu trên các công trình tại chùa nhé.
Chùa Văn Môn không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là một địa chỉ có giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc. Nơi răn dạy con cháu những bài học về lòng biết ơn và cội nguồn dân tộc. Chùa đang là địa chỉ được cả khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm ngày một nhiều. Nếu ấn tượng với những giá trị lịch sử và công trình kiến trúc đặc biệt nơi đây, bạn hãy ghé thăm chùa Văn Môn vào một ngày không xa nhé.