Quảng cáo trái phép làm đẹp ‘cô bé’, tăng size ‘cậu bé’, loạt cơ sở bị xử lý
Quảng cáo trái phép các dịch vụ làm đẹp vùng nhạy cảm trên cơ thể, các cơ sở như Mor Grand, One World Clinic, UCI INTERNATIONAL, Grand Korea sử dụng các từ ngữ kích thích sự tò mò của khách hàng.
Liên tục phát hiện, xử lý quảng cáo làm đẹp “vùng kín” trái phép
Thời gian gần đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM liên tục phát hiện và xử lý quảng cáo trái phép về các dịch vụ làm đẹp bộ phận nhạy cảm trên không gian mạng. Theo Sở Y tế TPHCM, đây là một trong những nội dung sẽ được tổ công tác đặc biệt của Sở đưa vào sơ kết, rút kinh nghiệm sau 1 tháng hoạt động. Qua đó, Sở Y tế sẽ kiến nghị lãnh đạo thành phố các giải pháp giúp cương quyết xử lý các quảng cáo trái phép liên quan đến sức khỏe con người, Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TPHCM ngày 10/5 cho hay.
Sở Y tế TPHCM cho biết, chỉ cần nhập các từ khóa “cậu bé, cô bé” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra hàng loạt kết quả các đường link có nội dung quảng cáo các dịch vụ làm đẹp vùng nhạy cảm trên cơ thể đã được các cơ sở lạm dụng quảng cáo trái phép. Những cơ sở này sử dụng các từ ngữ kích thích sự tò mò, khám phá của khách hàng.
Cụ thể, các nội dung quảng cáo đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra, xử lý như: “Bio cậu bé, Bio cô bé, bio ngực”… tại cơ sở One World Clinic – địa chỉ số 982 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, TPHCM.
Tương tự, “Bs. Trọng - Cắt bao quy đầu uy tín tại quận 9”, “Ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, cắt bao quy đầu 5 không chỉ 15 phút (không đau, không chảy máu, không nằm viện, không sẹo, không tác dụng phụ)” tại Khu đô thị Vinhomes Grand Park quận 9, tài khoản mạng xã hội Facebook (đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện và xử lý).
Hay như trường hợp hộ kinh doanh “UCI INTERNATIONAL” - địa chỉ số 34 Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1 quảng cáo “tăng size quý ông chuẩn y khoa, tăng size cậu nhỏ, trẻ hóa tái sinh toàn bộ gương mặt, xóa nhăn, nâng cơ, ….”. Những thông tin này được đăng tải liên tục trên trang mạng xã hội Facebook của cơ sở này.
Gần đây nhất, ngày 8/5, một trường hợp có nội dung quảng cáo “Mor Grand - Tăng Size Cậu Nhỏ Không Phẫu Thuật Chuẩn Y Khoa” được Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp Phòng Y tế quận 10 kiểm tra xác minh tại cơ sở có địa chỉ số 2 Nguyễn Ngọc Lộc, phường 14, quận 10, TPHCM.
Theo đó, cơ sở này được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH Morgand do bà Triệu Thị Thanh Trúc làm chủ sở hữu kiêm giám đốc công ty. Công ty TNHH Morgand đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 3/11/2023 do bà Ngô Ái Linh làm chủ sở hữu. Đến ngày 13/3/2024 đăng ký thay đổi (lần thứ 1) từ bà Ngô Ái Linh sang bà Triệu Thị Thanh Trúc làm chủ sở hữu kiêm giám đốc công ty.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở có khách hàng nữ tên TL đến thực hiện dịch vụ giảm béo. Bà TL cho hay, cơ sở có tiêm giảm béo cho bà vào vụng bụng, lưng (không rõ tiêm chất gì). Đồng thời, kiểm tra tại quầy tiếp nhận khách hàng, đoàn kiểm tra phát hiện các sổ hóa đơn ghi thông tin khách hàng làm các dịch vụ “Tăng size Hàn, Mỹ cậu bé; Nâng tinh hoàn, giảm béo…” đến thực hiện từ đầu năm 2024 đến nay.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện các sản phẩm viên nang (không nhãn mác), Serum không nhãn phụ tiếng việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 26/4/2023, cũng tại địa chỉ số 2 Nguyễn Ngọc Lộc, phường 14, quận 10, TPHCM, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Grand Korea do có hành vi vi phạm “Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 18 tháng. Hiện công ty này đã không còn tồn tại. Vụ việc hiện đang được Phòng Y tế quận 10 tiếp tục xác minh và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trước thực trạng trên, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân nên lựa chọn các phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín, có giấy phép hoạt động do Sở Y tế TPHCM cấp.
Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM kêu gọi người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không phép trên địa bàn hoặc các thông tin quảng cáo các dịch vụ về y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,… có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế TPHCM có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý theo quy định.
Quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động bị xử phạt thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo quy định quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Trong khi đó, Điều 56 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như sau: Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 1 - 3 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
Cùng đó, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, mức phạt tiền này chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt gấp 2 lần đối với cá nhân (quy định tại Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, căn cứ khoản 5 Điều 56 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo.